Có một trung tâm "dạy học" ở giữa lòng thành phố, ở đó suốt 5 năm qua người giáo viên (GV) chưa từng được đứng thảnh thơi trên bục giảng; chẳng bao giờ biết đến “khái niệm” nghỉ hè và công việc chính của họ chỉ là dạy được cho trò những kỹ năng cơ bản nhưng vô cùng quan trọng mà lẽ ra đứa trẻ bình thường nào cũng có. Đó là Trung tâm Tư vấn Giáo dục và Trị liệu Trẻ em (ATC) – Một trung tâm chuyên nuôi dạy trẻ tự kỷ, tăng động giảm chú ý (ADHD), chậm nói và chậm phát triển trí tuệ…
Ông Trần Văn Dương – Giám đốc ATC |
Khi được hỏi về những vất vả hay khó khăn khi nuôi dạy trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, các GV ở Trung tâm ATC đều cười thay cho câu trả lời. Cười vì không biết nói như thế nào cho người khác hiểu được công việc các GV đang làm ở đây. Cười vì đã quen rồi những vất vả và đó là cả tấm lòng, tâm huyết mà các thầy cô dành cho những “đứa con” của mình. Nuôi dạy trẻ ở đây là việc làm không hề đơn giản.
Nuôi trẻ khó một, nuôi trẻ tự kỷ khó mười!
Khác với những đứa trẻ bình thường khác, những trẻ có hội chứng tự kỷ, tăng động giảm chú ý có kỹ năng rất hạn chế dù là đơn giản nhất: mặc quần áo, ăn cơm, vệ sinh,… thêm vào đó là sự khó khăn trong phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp. Do đó, để dạy được các em thì sự kiên nhẫn thôi chưa đủ mà điều quan trọng nhất là tấm lòng yêu thương con trẻ. Tất nhiên, người làm nghề giáo ai cũng yêu HS của mình. Nhưng với các bé tự kỷ thì tình yêu đó phải đủ để vượt qua tất cả những mệt nhọc, những khó khăn mỗi ngày. Ông Trần Văn Dương – Giám đốc ATC, chia sẻ: "Thực sự dạy được trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật không phải là điều đơn giản. Thầy cô giáo phải cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi, cùng học với các bé. Không những thế còn phải nắm vững kiến thức chuyên môn vì mỗi bé là một giáo trình, tùy theo từng biểu hiện nặng nhẹ khác nhau mà có những phương pháp can thiệp khác nhau. Và trên hết, các thầy cô phải chịu trách nhiệm trước sự an toàn của trẻ nữa, vì chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là trẻ đã có thể bị tổn thương”.
Để làm tốt công việc đó, tại ATC, ngoài chương trình lớp chung do đội ngũ GV Sư phạm Mầm non, Sư phạm Tiểu học đạt trình độ ĐH và sau ĐH phụ trách dạy theo chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT. Song song đó, Trung tâm cũng duy trì mô hình “Một thầy – Một trò” do GV Sư phạm giáo dục đặc biệt phụ trách dưới sự giám sát của các chuyên viên tâm lý nhằm đảm bảo mỗi trẻ được xây dựng chương trình can thiệp cá nhân riêng.
Hạnh phúc lớn nhất là nhìn thấy trẻ hòa nhập cuộc sống
Niềm vui của những GV, chuyên viên dạy trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật không chỉ đơn giản là giúp các em phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp để hòa nhập vào môi trường gia đình, nhà trường và xã hội mà còn có mục tiêu giúp các em phát triển năng lực nhận thức và tư duy để có thể theo học các chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT. Tại ATC đặc biệt chú trọng tới việc điều chỉnh hành vi và xây dựng kĩ năng sống để trẻ có thể độc lập trong cuộc sống của bản thân các em sau này đồng thời định hướng nghề phù hợp với khả năng của từng em. “Dạy được cho trẻ những kỹ năng rất đơn giản thôi cũng đã mất rất nhiều thời gian và công sức của cả thầy cô lẫn học trò. Ở nơi đây, mỗi tiến bộ tưởng như là điều bình thường, hiển nhiên với đứa trẻ bình thường lại là cả một niềm hạnh phúc lớn lao. Với chúng tôi, dù gắn bó với trẻ vô cùng nhưng không hề mong muốn trẻ ở lại mãi trung tâm, cũng như không hy vọng một ngày đón trẻ trở lại. Hạnh phúc nhất chính là nhìn thấy các bé có thể “tốt nghiệp” về học tập và sinh hoạt hòa nhập với cuộc sống bình thường”, các GV, chuyên viên của ATC đều có tâm sự như thế.
Ban giám đốc và tập thể giáo viên, chuyên viên Trung tâm ATC quyết tâm phấn đấu đưa ATC trở thành một trong những trung tâm có chất lượng hàng đầu trong hoạt động tư vấn giáo dục và trị liệu cho trẻ tự kỷ nói riêng và trẻ khuyết tật nói chung trên địa bàn TP.HCM. ATC không chỉ dừng lại ở hoạt động tổ chức giáo dục trị liệu mà còn hướng đến hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tư vấn giáo dục và trị liệu với sự cố vấn của các giáo sư, tiến sĩ thuộc Liên hiệp Khoa học kinh tế – Đô thị Nam bộ; Ngoài ra, công tác tổ chức từ khám chẩn đoán, sàng lọc đến xây dựng kế hoạch can thiệp được thực hiện với sự phối hợp đồng bộ của bác sĩ tâm thần kinh nhi khoa, chuyên viên tâm lý, nhà giáo dục học để đảm bảo xác định đúng tình trạng và đạt hiệu quả can thiệp tối ưu với từng em. Với mục tiêu đến năm 2015, Trung tâm đạt các tiêu chí để chuyển đổi mô hình từ Trung tâm sang Viện nghiên cứu và ứng dụng tâm lý học để có thể mở rộng quy mô với các chi nhánh và các phòng tham vấn đại diện ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, thay mặt Trung tâm ATC, ông Trần Văn Dương xin được gửi lời tri ân và lời chúc “Sức khỏe – Hạnh phúc – Thành đạt” tới tập thể giáo viên chuyên viên Trung tâm ATC – TP.HCM. Đặc biệt, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành, lời tri ân sâu sắc tới thầy Vũ Quang Hà, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Kinh tế – Đô thị Nam Bộ; thầy Trần Tuấn Lộ, trưởng khoa Tâm lý trường Đại học Văn Hiến; thầy Phan Thiệu Xuân Giang đã tận tình giảng dạy tôi trên giảng đường đại học cũng như trong công tác hiện nay. |
VĂN THIẾT (thực hiện)
Trung tâm ATC:
Số 19 đường 4A, KDC Trung Sơn, Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM
(cách cầu Nguyễn Văn Cừ 500 m) * Tel: (08) 543 188 27
Email: hoahuongduong.edu@gmail.com
Bình luận (0)