Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Trung thu 2011: Chuyện trăng

Tạp Chí Giáo Dục

Hình ảnh trăng trên tem Việt. Ảnh: H.T

Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ”. Đã có biết bao lời hát về trăng, bao câu chuyện thần thoại về trăng đầy mê hoặc. Trong suốt lịch sử của loài người, trăng luôn là người bạn đồng hành, gần gũi không thể thiếu được với con người.

Ánh sáng thơ mộng và huyền diệu của những đêm “nguyệt bạch phong hoa” đã từng được người đời tôn vinh, và nó luôn là nét quyến rũ đầy hấp dẫn đối với các nhà khoa học…
Điều bí ẩn của mặt trăng
Mặt trăng có kích thước bằng 27% kích thước của trái đất. Nó chuyển động xung quanh trái đất theo một quỹ đạo khá tròn. Nguồn gốc của mặt trăng vẫn đang là điều bí ẩn đối với các nhà khoa học hiện đại, chưa có giả thuyết nào chứng minh và được chấp nhận tuyệt đối. Có nhiều giả thuyết cho rằng chị Hằng là một mảnh vụn của chính địa cầu văng ra từ một vụ nổ hay một va quệt nào đấy trong không gian. Một số khác cho rằng nó là một tiểu hành tinh, trong khi “ngao du sơn thủy”, đã đụng vào địa cầu và mặt trăng ra đời từ vụ va chạm trên. Khoa học có các sự kiện thực tế và lý thuyết còn chúng ta có một cách nhìn khác về mặt trăng. Trong nhiều cách, một cách khiến cho chúng ta thỏa mãn là thế giới của các câu chuyện thần thoại và truyền thuyết. Huyền thoại về trăng, phong tục theo trăng, rất phong phú, đa dạng.
Không giống như mặt trời luôn luôn ổn định và bất biến, mặt trăng luôn có khả năng thay đổi và nó nhìn xuống trái đất với một vẻ bí hiểm, đượm màu sắc huyền bí: trăng lộ diện, lớn dần rồi biến mất, rồi mọc trở lại… Chu trình của mặt trăng là một sự biến thiên đều đặn nhằm thiết lập và điều khiển nhịp sống của cuộc sống. Trăng tròn và trăng khuyết đều đặn theo thời gian cung cấp cho loài người cách tính lịch đầu tiên. Lịch tính theo mặt trăng vẫn còn được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt trong xã hội nông nghiệp phương Đông. Trong vũ trụ có hai dạng che khuất ánh sáng của bầu trời là nhật thực và nguyệt thực. Và chính mặt trăng là chìa khóa giải đáp cả hai hiện tượng ấy. Nhật thực và nguyệt thực xuất hiện khi mặt trăng nằm trong hai điểm giao nhau trên quỹ đạo của nó quay quanh trái đất. Nhật thực diễn ra khi trăng non đứng cùng hàng giữa mặt trăng và trái đất ở điểm giao nhau, che khuất hoàn toàn tia sáng mặt trời. Hiện tượng nhật thực toàn phần gần đây nhất diễn ra tại Phan Thiết (Việt Nam) và hầu hết các nước châu Á đều trông thấy. Đây là một cảnh tượng vĩ đại của thiên nhiên.
Trăng cũng có giới tính?
Theo bản năng, dường như trăng thuộc nữ giới. Thế nhưng không phải hoàn toàn như vậy. Chưa bao giờ có sự nhất trí về giới tính của mặt trăng trong toàn bộ các nền văn hóa cổ đại. Xét về mặt tôn giáo cổ xưa, trăng đã từng mang giới tính nam như người Palmyre ở Syrie từng tôn trăng là Aglibol; người Azteque (Mexico) tôn trăng là Xochiquetzal… rồi trăng mang giới tính nữ như người Hy Lạp tôn trăng là Selene – nữ thần mặt trăng; người La Mã tôn trăng là Diane; người Trung Quốc coi trăng là tiêu biểu cho âm, hay nữ giới. Ở Việt Nam, do chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, nhiều nhà thơ – nhà văn Việt Nam cũng gọi trăng là “ả nguyệt”, chị Hằng Nga. Thế nhưng văn hóa dân gian Việt Nam lại xem trăng là nam giới, hay dương, cho nên mới có cách gọi “ông trăng”: “Ông trăng mà lấy mụ trời/ Tháng năm ăn cưới tháng mười nộp cheo”.
Ánh sáng thơ mộng và huyền diệu của mặt trăng không chỉ lấp lánh trong văn học nghệ thuật, mà hơn thế nữa, nó đã trở thành biểu tượng văn hóa của nhiều nước trên thế giới. Mối bận tâm của con người, có khi là mối bận tâm siêu hình đi nữa thì nó cũng là những sáng tạo văn hóa. Chính những sáng tạo ấy, cảm nhận sơ khai ấy nhiều khi mang tính dự báo rất cao, bỏ lại sau lưng các sáng chế phát minh khoa học. Vì thế trước khi con người đặt chân lên mặt trăng, thì từ xa xưa người Việt đã chiếm lĩnh chị Hằng bằng cách dệt lên đó hình ảnh “chú Cuội ngồi gốc cây đa” và từ đó mặt trăng trở thành biểu tượng của văn hóa Việt. Ngày nay, cứ mỗi mùa trung thu đến, dưới ánh trăng vằng vặc, trẻ quây quần bên các cụ già nghe kể chuyện chú Cuội rồi thả tiếp lên đó những ước mơ thơ ngây, cùng nhau vui vẻ phá cỗ rước đèn. Cùng với chú Cuội trên trăng thì hình ảnh thỏ trắng dưới trăng cũng trở thành biểu tượng thiêng liêng của Tết Trung thu ở nhiều dân tộc trên thế giới. Không chỉ thế, hình ảnh vầng trăng non lưỡi liềm còn trở thành biểu tượng tín ngưỡng của đạo Hồi – tượng trưng cho sự tốt lành và hạnh phúc – trên hầu khắp các quốc kỳ của các nước Hồi giáo. Việc lựa chọn hình ảnh này xuất phát từ giai thoại: Nhờ ánh trăng làm hé lộ ra kẻ địch, đã giúp cho nhân dân Byzance kịp đánh trả quân đội Macedonia vào năm 336 trước Công nguyên.
Ngày 20-7-1969, Neil Amstrong, người Mỹ đầu tiên đã đặt chân lên mặt trăng từ con tàu Apollo 11 cùng với E. Aldrin và M. Collins, ông đã nói: “Đây là một bước nhỏ của con người, một bước lớn của nhân loại”. Sau Apollo 11, còn thêm 9 chuyến bay có người nữa lên mặt trăng và kết thúc với Apollo 20 vào năm 1972. Tuy vậy, dù chúng ta có quan sát, đo đạc, thám hiểm, nghiên cứu, thì mặt trăng vẫn là một điều bí ẩn, một sự kỳ diệu, bởi lẽ một nhà khoa học hiện đại đã từng nói: “Mặt trăng có lẽ thật sự không tồn tại bởi chúng ta không thể giải thích nổi nó”!
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Ngày nay, với những thành tựu khoa học, con người đã có thể khám phá và tìm hiểu mặt trăng. Các phi thuyền và vệ tinh đã được phóng lên. Tuy nhiên, cứ đến đêm rằm Trung thu, các em vẫn ngân nga: “Các em thích cười, muốn lên cung trăng, cứ hỏi chị Hằng, cho mượn cái thang…”.
 

Bình luận (0)