Nhà trường phải tạo điều kiện cho học sinh vui chơi, thể hiện kỹ năng bản thân. Ảnh: Mê Tâm |
Trong các tình huống xử lý giả định được đưa ra, có lẽ giải pháp ổn thỏa nhất và cũng thể hiện được bản lĩnh của người hiệu trưởng, theo tôi, là phân tích và giải quyết sự việc theo hướng sau đây:
1. Phê bình học sinh không hát Quốc ca trong lễ chào cờ
Việc chào cờ và phải hát Quốc ca là điều tất yếu và mọi người, mọi học sinh đều phải biết và thực hiện. Việc phê bình, nhắc nhở các em phải làm đúng yêu cầu khi chào cờ, hát Quốc ca là chuyện bình thường và đó là trách nhiệm của thầy cô giáo trong nhà trường. Cô giáo phê bình là nhắc nhở chung mọi người, ta phải hiểu phê bình này ở phạm vi rộng, theo chuẩn mực chung, nghĩa là đối với sự việc bình thường, con người bình thường, trong không gian bình thường… không ám chỉ các trường hợp đặc biệt hoặc ngoại lệ. Học sinh trong câu chuyện này đã hiểu lời phê bình của giáo viên ở góc độ hẹp, vì thế đã suy nghĩ không đúng và có ý phiền trách cô hiệu trưởng đã không hiểu để thông cảm cho trường hợp bạn của mình vừa bị cắt amiđan. Do vậy, trong việc này theo tôi, cô giáo cũng có thể chọn một trong hai cách: đọc toàn bộ nội dung thư hay chỉ cần thông báo cho hội đồng sư phạm biết sự việc để cùng hỗ trợ phối hợp thực hiện. Đồng thời trong buổi chào cờ lần sau nhẹ nhàng nhắc lại yêu cầu hát Quốc ca trong khi chào cờ nhưng có nói rõ thêm về các trường hợp ngoại lệ như đau yếu… Đối với việc cô hiệu trưởng không hát Quốc ca – như phản ánh của học sinh – nếu điều đó đúng là sự thật, cô phải nghiêm túc, thành khẩn nhận thấy thiếu sót của mình và phải khắc phục ngay; đưa ra hội đồng sư phạm để rút kinh nghiệm, đồng thời yêu cầu trong tập thể giáo viên, chấm dứt ngay và phải tham gia hát khi chào cờ vì đó chính là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Để giải quyết thư phản ảnh đúng của học sinh về việc này, theo tôi, cô giáo vẫn có thể nêu ra trong buổi chào cờ bằng hình thức tiếp thu góp ý của học sinh chung với các nội dung khác (nếu có).
Về trường hợp “thay cho điều thứ hai muốn nói” hình chụp vượt đèn đỏ của cô hiệu trưởng: Tìm hiểu để biết rõ tên người đã viết thư góp ý đó (nếu được), trực tiếp trao đổi và nói rõ về trường hợp vi phạm Luật Giao thông của mình. Nếu đó hoàn toàn là lỗi chủ quan do cố ý gây nên, cô giáo sẽ trung thực nhận thiếu sót trước học trò và cũng có lời cám ơn sự thẳng thắn chân tình của học sinh đồng thời phải có thái độ, thiện chí cho học trò biết bản thân cô sẽ khắc phục. Đây không phải vì sĩ diện hay hổ thẹn mà ta tránh né sự thật, chính hành động tỏ ra hối tiếc, thừa nhận cái sai của mình sẽ là một bài học thật sinh động cho các em noi theo.
Ngược lại, nếu việc vi phạm đó hoàn toàn là do yếu tố khách quan buộc cô trong tình thế khẩn cấp phải hành động như vậy, thì qua trao đổi trực tiếp này cũng là dịp để cô giáo giải thích rõ cho học trò hiểu mà có ý nghĩ khác đi về cô giáo của mình. Như cô phải khẩn cấp đưa người (chồng) đi cấp cứu khi không có phương tiện khác ngay lúc đó chẳng hạn; tự mình hoặc cùng tham gia đuổi bắt cướp với người khác ở tình thế không còn lựa chọn khác về mặt thời gian nên phải vượt đèn đỏ… dẫu biết chuyện đó vừa sai Luật Giao thông và cả nguy hiểm trong đường đi.
2. Những suy nghĩ về cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”
Theo tôi chỉ có một môi trường học tập thân thiện, lôi cuốn hấp dẫn học sinh mới là giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Chúng ta phải chủ động khắc phục những hạn chế về việc học sinh chưa thực sự làm chủ trong quá trình học tập, học sinh bỏ học, không ham học. Nhà trường đã đề cao việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh: kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm còn non; nhiều học sinh thiếu ý thức rèn luyện và bảo vệ sức khỏe, thiếu kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích và ứng xử văn hóa.
Thông qua các di tích, các cuộc tham quan thực hiện lồng ghép với các môn học để giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, tinh thần cách mạng cho học sinh thì việc rèn kỹ năng ứng xử văn hóa, chung sống hòa bình, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội cũng phải được nhà trường quan tâm.
Tôi cho rằng việc phát động các hoạt động dạy và học tích cực trong giáo viên và học sinh cũng là yếu tố quan trọng làm nên tính thân thiện của ngôi trường. Thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học đảm bảo yêu cầu lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường đã khuyến khích được sự chuyên cần, chủ động, sáng tạo và ý thức vươn lên, rèn luyện khả năng tự học của học sinh. Tạo điều kiện cho học sinh làm chủ quá trình học tập của mình, biết đề xuất sáng kiến và cùng thầy cô giáo thực hiện các giải pháp để việc dạy và học có hiệu quả ngày càng cao. Chú trọng giúp đỡ học sinh học yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Rèn kỹ năng ứng xử với các tình huống trong cuộc sống và thói quen, kỹ năng làm việc theo nhóm cho học sinh. Chú trọng rất cả các đối tượng học sinh, không chỉ tập trung ở một số em có kỹ năng điều hành, quản lý.
Hiện nay, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” không phải là điều quá mới mẻ. Vì những năm học vừa qua ngành GD-ĐT đang đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó là thực hiện cuộc vận động “Kỷ cương – tình thương – trách nhiệm”. Điều này là hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên, phong trào này chỉ thực sự mới khi nó được triển khai về bề rộng và chiều sâu. Các trường biết căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, từ đó huy động có hiệu quả sự tham gia của thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh, chính quyền, các đoàn thể… đóng góp xây dựng trường nhằm phát huy những yếu tố thân thiện đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém, tránh việc đăng ký và thực hiện phong trào một cách hình thức.
Không phải vì sĩ diện hay hổ thẹn mà cô giáo tránh né sự thật, chính hành động tỏ ra hối tiếc, thừa nhận cái sai của mình sẽ là một bài học thật sinh động cho các em noi theo. |
Đỗ Thị Mộng Thu
(Trường Tiểu học Kim Đồng, Gò Vấp, TP.HCM)
Bình luận (0)