Với cách thức xét tuyển ĐH-CĐ thông thoáng như hiện nay, một thí sinh có thể tham gia xét tuyển và đủ điều kiện trúng tuyển nhiều phương thức, nhiều ngành. Điều mà không ít thí sinh băn khoăn chính là khi đã trúng tuyển sớm bằng học bạ, nên nhập học ngay hay tiếp tục chờ kết quả xét ở phương thức khác?
Đại diện các trường ĐH-CĐ tư vấn xét tuyển cho thí sinh trong chương trình “Cùng bạn quyết định tương lai” tổ chức ở Đồng Tháp
Việc các em băn khoăn là chính đáng, bởi hiện nay phương thức xét học bạ phổ thông đã và đang được các trường chốt theo từng đợt, trong đó thời gian yêu cầu nhập học sớm, trước cả hạn xét kết quả thi THPT quốc gia – phương thức chiếm lượng tham gia của đông đảo thí sinh.
Đậu bằng học bạ, nhập học sớm
Mới đây, hàng loạt trường ĐH đã công bố kết quả xét tuyển học bạ phổ thông đợt gần nhất. Đi kèm với đó, mốc thời gian các trường yêu cầu nhập học thường rơi vào tháng 7, trong khi thời gian xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia năm nay rơi vào đầu tháng 8. Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM trong 20 ngành đào tạo trình độ ĐH năm nay, ngành cao nhất đối với phương thức xét học bạ lấy điểm trúng tuyển mức 22. Nhiều ngành có mức điểm trúng tuyển cao so với ngưỡng nhận hồ sơ như Luật Quốc tế có điểm trúng tuyển 22 ở tổ hợp toán – văn – tiếng Anh, các tổ hợp môn còn lại có mức điểm trúng tuyển là 18; ngành công nghệ truyền thông có điểm trúng tuyển 22 ở tổ hợp môn toán – lý – tiếng Anh, các tổ hợp môn còn lại có mức điểm trúng tuyển là 18. Các ngành còn lại có mức điểm trúng tuyển dao động từ 18 đến 21 ở các tổ hợp môn tương ứng. Trường quy định thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ nhập học từ ngày 10 đến 13-7. Đối với thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào trường, nếu được công nhận trúng tuyển sẽ làm thủ tục nhập học từ ngày 15 đến 27-7.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, điểm trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ đợt ngày 30-6 dao động từ 18 đến 24 tùy theo ngành và tổ hợp môn xét tuyển. Thí sinh trúng tuyển đợt này nhập học từ ngày 2 đến 5-7. Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã đăng ký xét tuyển học bạ và xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM vào trường, nếu được công nhận trúng tuyển sẽ làm thủ tục nhập học từ ngày 17 đến 30-7.
Năm nay, tại Trường ĐH Văn Hiến, phương thức xét học bạ áp dụng điểm trúng tuyển là trung bình cả năm học lớp 12 của thí sinh đạt từ 6 trở lên hoặc tổng điểm 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ đầu lớp 12 đạt từ 18.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ở đợt 2 xét học bạ, ngành y khoa có điểm trúng tuyển cao nhất với điểm trung bình 8,5; kế đến là ngành dược lấy điểm trung bình 8. Ba ngành khác cũng thuộc nhóm sức khỏe cùng lấy mức 6,5 điểm gồm: điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, y học dự phòng. Các ngành còn lại có điểm trúng tuyển là 6. Trường quy định thời gian nhập học từ ngày 8 đến 15-7.
Đúng nguyện vọng, khỏi chần chừ
Có thể thấy, thời hạn nhập học ở phương thức xét học bạ mà các trường đưa ra ở đợt này chủ yếu nằm trong tháng 7. Chưa kể một số phương thức khác như xét tuyển thẳng, nhiều trường ĐH khác cũng quy định thí sinh nhập học ở khoảng thời gian này. Thực tế, mỗi thí sinh có thể trúng tuyển nhiều nguyện vọng, tuy nhiên các em chỉ được nhập học vào một ngành duy nhất. Điều này đòi hỏi các em phải thực sự cân nhắc để có lựa chọn chuẩn xác.
Trúng tuyển vào ngành đam mê thì nên nhập học Tại chương trình tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2019 “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ở tỉnh Đồng Tháp mới đây, được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh – truyền hình Đồng Tháp, vấn đề nhập học ngay khi trúng tuyển bằng học bạ hay đợi xét tiếp ở phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia cũng được nhiều thí sinh nêu ra. Giải đáp băn khoăn của các em, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam) cho hay, hiện nay các trường ĐH-CĐ thường áp dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có những phương thức các trường yêu cầu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển xác nhận nhập học vào tháng 7, tức là trước cả thời điểm thí sinh tham gia xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia (từ ngày 6-8 đến 8-8). Vì vậy, nếu đã trúng tuyển đúng ngành nghề đã thích, đã chọn dù ở phương thức nào, các em nên nhập học. Nếu các em chần chừ có thể tuột mất cơ hội vào ngành nghề mình yêu thích. T.Trân
Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM mới đây |
Ông Nguyễn Quốc Cường (Phó ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) lưu ý, nếu trúng tuyển bằng học bạ vào ngành các em thật sự yêu thích, phù hợp sở trường, điều kiện gia đình… thì nên nhập học. Còn nếu ngành đó chỉ là dự phòng thì không nên nhập học ở thời điểm này, vì sau đó các em có thể trúng tuyển vào ngôi trường, ngành học mình mơ ước ở phương thức xét tuyển khác, việc rút hồ sơ và học phí sẽ khó. “Mỗi thí sinh chỉ có 1 giấy chứng nhận kết quả thi, khi nộp vào trường nào đó, việc rút ra là không thể, hãy cẩn thận khi quyết định”, ông Cường nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cũng cho rằng, với mục tiêu đặt quyền lợi của thí sinh lên hàng đầu, năm nay thí sinh tiếp tục có “đặc quyền” không giới hạn nguyện vọng đăng ký, thêm vào đó là được tham gia đồng thời nhiều hình thức xét tuyển khác nhau đang được áp dụng song song, độc lập tại các trường. Chính vì vậy, nếu thí sinh nào tận dụng nhiều phương thức xét tuyển, hoàn toàn có thể đồng thời trúng tuyển vào nhiều ngành/trường. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà mỗi thí sinh khi tham gia xét tuyển ĐH chính là được trúng tuyển vào ngành học yêu thích tại một ngôi trường phù hợp. Do vậy, thí sinh chỉ nên tiếp tục tham gia xét tuyển nếu mình vẫn đang còn nguyện vọng lựa chọn ngành, trường phù hợp. Còn trường hợp đã may mắn trúng tuyển đúng nguyện vọng bản thân ngay từ những đợt đầu tiên dù ở phương thức xét tuyển nào, thì thí sinh vẫn có thể an tâm nhập học để có nhiều thời gian hơn cho chặng đường ĐH vốn nhiều khác biệt và bất ngờ ở phía trước.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)