Sự kiện giáo dụcTin tức

Trung ương thống nhất cho TP.HCM cơ chế đặc biệt để năng động hơn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều 13-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế – xã hội và thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Các đồng chí: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi làm việc.

Tham dự hội nghị còn có các đồng chí đại biểu Quốc hội TP.HCM qua các thời kỳ, thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương, các sở, ban, ngành, TP.Thủ Đức và các quận, huyện.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau đại dịch, kinh tế – xã hội của TP đã có những kết quả đáng ghi nhận. Điều này thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới, đồng thời là sự động viên lớn cho TP. “Mặc dù, kinh tế tăng trưởng trở lại tốt hơn nhưng TP cũng không quá say sưa với thành quả ban đầu vì hiện nay nguy cơ lạm phát tăng cao đang ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, rồi những khó khăn về quy hoạch, tín dụng…”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, TP có thể tỏa sáng dựa trên khoa học công nghệ và sức trẻ nhằm nâng chất lượng tăng trưởng. Thế nhưng, những chính sách về đất đai, ngân sách trước đây có thể chưa phù hợp để phát triển khoa học – công nghệ hiện nay nên cần phải làm mới hơn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, TP và các bộ ngành tham dự hội nghị thảo luận trực tiếp những khó khăn của TP để tháo gỡ. Đặc biệt mạnh dạn góp ý giải pháp tháo gỡ sớm cho TP với cơ chế, thể chế, chính sách để TP có điều kiện phát triển thuận lợi hơn.

“Quan điểm của Trung ương là thống nhất cho TP cơ chế đặc biệt để năng động hơn. TP.HCM đi trước, thí điểm trước những chủ trương của Trung ương từ đó có những tham vấn vì các chính sách cho TP quá chật hẹp”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, từ đầu năm đến nay, kinh tế TP tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực đạt và đạt vượt trạng thái trước khi có dịch Covid-19, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Kết quả điều hành, phát triển kinh tế – xã hội trong 9 tháng đầu năm 2022 đi đúng hướng theo kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm ước tăng 9,97% so với cùng kỳ, trong đó GRDP quý 3 ước tăng 30,02%.

Các chính sách điều hành của Trung ương và TP đã phát huy hiệu quả tích cực, phù hợp tình hình thực tế trong từng giai đoạn. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 350 ngàn tỷ đồng, đạt 90,5% dự toán năm và tăng 27,7% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP ước đạt 35,96 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 47,8 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 19,6% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 24,4% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước đạt 20,61 triệu lượt, tăng 66,1% so với cùng kỳ; Khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt 2,11 triệu lượt, tăng 100%.

Đối với kết quả thực hiện nghị quyết số 54/2017/QH14 của quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, qua 5 năm thực hiện TP đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, kinh tế TP liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 – 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 – 2015.

Sau khi kinh tế TP tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng quý I đạt 1,87%, quý II đạt 5,73%, quý III đạt 30,02%; bình quân 9 tháng đạt 9,97%.

Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn. Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 – 2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011 – 2015).

Tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả.

Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực. Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn TP…

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)