Trước ngày 10/3, hoàn thành biên soạn đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngày 20/3 tổ chức hội nghị toàn quốc, lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện nội dung đề án, trình Chính ban hành Nghị quyết.
Nông dân thất nghiệp ngày càng nhiều vì ruộng đất bị thu hẹp (ảnh nongnghiep.vn). |
Văn phòng Chính phủ ngày 20/2 thông báo như vậy về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp bàn về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đề án này bổ sung vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục đào tạo đến năm 2010 và 2020, bao gồm 3 đề án thành phần: đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp hiện đại; dạy nghề cho nông dân và con em nông dân để chuyển dịch cơ cấu lao động: làm công nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu lao động; đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở ở nông thôn.
Phó Thủ tướng yêu cầu xác định rõ đối tượng, ngành nghề đào tạo hợp lý, chú ý xác định rõ về độ tuổi, tích đặc thù về học vấn, nhận thức, điều kiện học tập theo vùng, miền, dân tộc của lao động nông thôn; đồng thời làm rõ cơ cấu và số lượng lao động nông thôn sẽ được đào tạo trong tổng số 1 triệu lao động hàng năm, đảm bảo từ nay trở đi, có đủ lực lượng lao động trẻ làm nông nghiệp ở các vùng trong cả nước.
Ngoài ra, cần rà soát toàn bộ các cơ chế, chính sách đã có, danh sách các cơ sở dạy nghề về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bỏ những nội dung không thích hợp, bổ sung kịp thời những nội dung cần thiết, không trùng lặp, chồng chéo và có hiệu quả.
Theo đề án đang được xây dựng, nông dân đi học sẽ được cấp tiền. "Học bổng" này trả cho bà con bằng thẻ, trung bình khoảng 500.000 đồng/người.
Giá trị của "Thẻ học nghề nông nghiệp" phụ thuộc vào thời gian đào tạo, có thể 1-3 tháng, hoặc 6 tháng. Nhà nước dự kiến trích 150 tỷ đồng/năm để cấp học bổng cho nông dân, giai đoạn 6 năm đầu là 900 tỷ đồng.
Người học nộp "thẻ" tại các cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp đủ tiêu chuẩn, được Bộ NN-PTNT và Bộ GD-ĐT công nhận, sẽ được đào tạo nghề theo nhu cầu.
Ngọc Lê (Vietnamnet)
Bình luận (0)