Nếu tính thâm niên ăn cơm đội tuyển, có lẽ Tấn Tài cũng thuộc nhóm cầu thủ kỳ cựu. Nhưng càng ngày, vị trí của Tấn Tài càng lung lay, thậm chí có thời điểm tiền vệ người Khánh Hòa chỉ còn là lựa chọn số 3 ở “đôi cánh” được ví như chiếc chìa khóa vạn năng của đội tuyển…
CÔNG THẦN Ở ĐỘI TUYỂN…
Sau scandal quỳ lạy HLV Tavares, khoảng 3 năm nay, Tấn Tài gần như được mặc định bên cánh phải của đội tuyển. Ngay cả Minh Phương, vốn là một tiền vệ phải có cỡ, nhưng rốt cục cũng được khéo léo đẩy vào trung tâm tuyến giữa để nhường chỗ cho tiền vệ nhỏ con người Khánh Hòa.
Thực ra thì đến tận bây giờ, trong lúc những đồng đội gánh vác “xương sống” đội tuyển là Minh Phương, Tài Em hay Bảo Khanh đang có dấu hiệu chùng xuống do gánh nặng tuổi tác lẫn chấn thương, thì Tấn Tài vẫn thuộc mẫu tiền vệ “lành lặn” và cơ động bậc nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay. Phần vì Tấn Tài còn rất trẻ và đang ở độ chín của tài năng. Chính ông Calisto có lúc phải thừa nhận, trong số những cầu thủ của tuyển Việt Nam, cùng với Công Vinh, Tấn Tài là 2 cầu thủ giữ được phong độ ổn định nhất trong năm 2008.
Vì lẽ đó, sau khi kế thừa “gia tài” từ người tiền nhiệm Riedl, thời kỳ đầu ông Calisto cũng “ấn” Tấn Tài vào vị trí tiền vệ phải như thể đấy là một sự mặc định không thể thay thế. Có thể đối tác đá dọc hành lang phải ấy thay đổi (lúc thì Quang Thanh, khi thì Văn Phong hay Quang Cường), nhưng vị trí tiền vệ phải thì phương án đầu tiên phải dành chỗ cho Tấn Tài.
MẬT MÃ CHƯA TÌM ĐƯỢC NGƯỜI GIẢI?
Vấn đề là AFF Cup đã quá gần, Calisto bắt đầu rung rinh. Vị trí tiền vệ phải của Tấn Tài không còn bất khả xâm phạm, dù thực tế tiền vệ người Khánh Hòa chẳng hề đánh mất phong độ.
Sau trận gặp Singapore, ông Calisto lập tức cất Tấn Tài lên ghế dự bị. Cánh phải của tuyển Việt Nam được xáo trộn với bộ đôi Việt Cường – Vũ Phong, và ông Calisto giải thích gọn lỏn: “Tôi dùng Việt Cường – Vũ Phong thay cho bộ đôi Quang Cường – Tấn Tài vì muốn tận dụng… chiều cao của 2 cầu thủ này”.
Thực tế là cặp Việt Cường – Vũ Phong có chiều cao nhỉnh hơn cặp Quang Cường – Tấn Tài, nhưng đấy có lẽ không phải lý do chính. Bởi với bộ đôi cao hơn 1 cái đầu ấy, cánh phải của tuyển Việt Nam cũng chẳng hề mạnh thêm, nếu không nói là rất vật vờ, bởi Vũ Phong chơi như kẻ mất hồn trong trận gặp CHDCND Triều Tiên.
Sự băn khoăn của ông Calisto càng ngày càng lớn khi trên sân tập, Tấn Tài chạy rất sung và liên tiếp có những pha đột nhập vòng cấm ghi bàn. Nó như tái hiện hình ảnh một Tấn Tài thăng hoa cùng cánh phải của tuyển Việt Nam ở Asian Cup 2007. Sự lì lợm của Tấn Tài trong thời điểm Vũ Phong đá không thuyết phục buộc ông Calisto không thể không nghĩ đến.
Vừa qua, Tấn Tài đã giành lại vị trí chính thức ở trận gặp Thái Lan. Song, ngay khi Tấn Tài trở lại, thì đối tác bên hành lang phải là Việt Cường có dấu hiệu chững lại, mất tập trung. Điều đó buộc ông Calisto phải cân nhắc, dù ông đã “chỉnh” Việt Cường phải chịu khó hợp tác cùng Tấn Tài, bất kể hậu vệ Đồng Tháp thường bị Tài cho “chạy xe không” khi lên tấn công, vì thói quen thích lách vào trung lộ của tiền vệ người Khánh Hòa.
Có người ví, cách chơi của Tấn Tài giống như là tự tạo cho mình một “mật mã”. Mà như vậy, cánh phải vốn là chiếc “chìa khóa vạn năng” của tuyển Việt Nam còn phải mệt nhoài mới tìm ra người giải mã tài năng…
THANH CHI (theo SGGP)
Bình luận (0)