Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Trước mùa tuyển sinh vẫn lơ mơ, không biết thích học ngành gì, nghề gì

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là nhận định và lo ngại của nhiều hiệu trưởng trường THPT khi thí sinh chuẩn bị bước vào mùa tuyển sinh, chọn trường, chọn ngành học. Thực tế cho thấy, công tác hướng nghiệp, kết nối thông tin dự báo ngành nghề, thị trường lao động thời kỹ thuật số, hội nhập quốc tế còn nhiều lỗ hổng và bất cập.

Đa số chọn nghề theo cảm tính

Đến thời điểm này, đa phần học sinh lớp 12 đã có quyết định chọn trường, ngành học nhưng bên cạnh đó, còn nhiều em vẫn lơ mơ, dao động, không hiểu mình nên chọn ngành nào, trường nào phù hợp để học. “Trên thực tế, trừ những học sinh có năng lực, nuôi dưỡng đam mê sở trường từ những năm học THCS hoặc THPT thì chọn lựa ngành nghề theo học chắc chắn, còn lại, số học sinh có sức học vừa phải, chưa hiểu rõ bản thân thì còn lưỡng lự, sở thích và mong muốn còn thay đổi đến phút chót – thời hạn quy định nộp hồ sơ xét tuyển đại học – cao đẳng (ĐH- CĐ).

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Quang Khải đặt câu hỏi với các chuyên gia tư vấn tuyển sinh về chọn trường, chọn ngành

Theo cô Nguyễn Thị Lan Hương, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Du, nhà trường đã tổ chức 5 lần mời chuyên  gia tư vấn, tuyển sinh ĐH-CĐ về tư vấn hướng nghiệp, chọn trường, chọn ngành học cho học sinh khối 12. Tuy nhiên, đến giờ này, vẫn còn nhiều em chưa hiểu rõ mình thích học ngành gì, làm nghề gì phù hợp. Về chọn ngành học tương lai, đa số các em chọn theo định hướng, kỳ vọng của cha mẹ, sau đó mới tự quyết định theo sở thích, đam mê riêng. Một trong những cái khó mà các trường THPT đều gặp phải là công tác hướng nghiệp, chọn ngành nghề học cho thí sinh còn chung chung, chưa sâu sát.

Nguyên nhân là do nhà trường thiếu đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, hiểu biết sâu rộng về các ngành nghề mới trong xã hội có nhu cầu tuyển dụng cao, thu nhập ổn định. Vì thế, khi học sinh hỏi về xu hướng ngành nghề mới và nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động, giáo viên cũng bí, không thể trả lời. Hơn nữa, tại các chương trình tư vấn tuyển sinh, các trường ĐH cũng chỉ nghiêng về giới thiệu, giải đáp những ngành nghề do trường đào tạo để lôi kéo học sinh, chứ không thể tư vấn rộng về các ngành nghề  đa dạng khác mà học sinh quan tâm.

Đúng như nhiều học sinh lớp 12 trăn trở: “Với trăm nẻo đường nghề, với hàng trăm ngành nghề trong xã hội, nếu không được trải nghiệm thực tế, tìm hiểu sâu về ngành nghề mà mình yêu thích thì làm sao dám chọn và chọn đúng”.

Thời gian vừa qua, để giúp học sinh có trải nghiệm thực tế, tìm hiểu về ngành nghề, công việc trong xã hội, một số trường THPT như Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh, Gia Định… đã đưa học sinh khối lớp 10, 11 đi lao động, làm việc ở siêu thị, tham quan doanh nghiệp, nhà máy, nông trại… Thế nhưng, cơ hội  trải nghiệm, tham quan, tiếp xúc để hiểu rõ về nhiều lĩnh vực, ngành nghề vẫn còn hạn chế và trên thực tế, chỉ mới có số lượng nhỏ học sinh phổ thông được tạo điều kiện như trên.

Thiếu thông tin dự báo về thị trường lao động

Theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, hướng nghiệp là vấn đề quan trọng và cần đi trước bước tuyển sinh. Việc chọn nghề, ngành học không phù hợp với năng lực, sở trường sẽ giống như việc chọn đối tượng kết hôn sai và phải hủy hôn sớm. Nếu chỉ chăm bẳm vào mục tiêu “chọn trường nào, ngành nào dễ đậu” thì dù đậu rồi cũng chỉ là dừng bước trú chân tạm bợ, vì không có tâm huyết gắn bó bền vững với nó. Sự trả giá này rất lớn, gây ra sự lãng phí cho bản thân, gia đình và xã hội. Như thế, thí sinh phải biết lượng sức mình, không nên chọn ngành nghề cao siêu, thời thượng  hoặc chạy theo phong trào. Khi chọn nghề phải dựa vào ba yếu tố: sở thích, năng khiếu và nhu cầu của xã hội. Theo các chuyên gia về nhân lực, đa phần các thí sinh vẫn chọn mục tiêu vào đại học là đích đến bằng mọi giá mà ít quan tâm đến con đường nghề nghiệp – đi ngắn hơn, đầu tư ít hơn, dễ kiếm việc làm và thu nhập ổn định.

Ông Lê Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề TPHCM, cho biết : “Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu tuyển kỹ thuật viên, kỹ sư thực hành số lượng lớn nhưng nhà trường không đủ đáp ứng. Đặc biệt, nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao, theo chuẩn quốc tế (đào tạo bằng tiếng Anh) được các doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng đào tạo nhưng không tuyển đủ học viên có năng lực tiếng Anh. Thay vì chạy theo bằng cấp, có mác cử nhân nhưng thất nghiệp hoặc có việc làm trái ngành nghề đào tạo, học sinh phổ thông hãy chọn lựa ngã rẽ học nghề để có một nghề nghiệp vững chắc, thu nhập ổn định”.

Tương tự, bà Trần Ngọc Danh, Giám đốc Viện Thiết kế Việt Nam – ADS, cũng cho rằng nhiều bạn trẻ chưa hiểu rõ về cơ hội nghề nghiệp đa dạng, phong phú, nên thường chạy theo các nhóm ngành nghề thời thượng nhưng đã bảo hòa như kinh tế, tài chính, bảo hiểm… Trong khi đó, nhiều ngành nghề sáng tạo có nhu cầu lớn như thiết kế thời trang, học xong đảm bảo 100% có việc làm, thu nhập cao ngay sau khi ra trường (khoảng 8 triệu đồng/tháng) nhưng chưa được học sinh phổ thông chú ý.

Chính vì thế, công tác dự báo về thông tin thị trường lao động, xu hướng và nhu cầu ngành nghề trong xã hội cần được kết nối kịp thời với trường học, người học thông qua cầu nối tư vấn, định hướng nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp, bài bản, khoa học. Đừng để học sinh chuẩn bị bước vào mùa tuyển sinh mà vẫn dao động, mơ hồ về chọn ngành, chọn trường và nhắm mắt chọn đại một ngành học mà mình không hiểu rõ, không yêu thích, miễn là đậu.

HÀ KHÁNH (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)