Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trước ngày thi 2011: Văn Miếu trắng áo học trò

Tạp Chí Giáo Dục

Ai cũng biết Văn Miếu-Quốc Tử Giám là điểm đến của các sĩ tử mùa thi. Nhưng thông thường cao điểm phải là mùa thi tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng, khi đó thí sinh đổ tới đây vừa cầu lễ, vừa tham quan trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Vậy mà năm nay học sinh cuối cấp trung học phổ thông sắp tham dự kỳ thi tốt nghiệp năm 2011 đã đổ về Văn Miếu sớm hơn mùa tuyển sinh đại học để cầu thi đỗ tốt nghiệp.

Áo trắng học trò bên Văn Miếu. Ảnh minh họa.

Nhìn phù hiệu trên tay áo đồng phục của các em thì thấy hiện diện nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phóng viên có mặt ở hai dãy nhà bia chứng kiến các sĩ tử chăm chỉ… vái và rất thành tâm khi đắm mình trong cầu nguyện.
Hỏi một tốp học sinh trường trung học phổ thông Thăng Long rằng thường thì kỳ thi tốt nghiệp không quá khó sao các em phải lo lắng đi cầu lễ như thế thì em Tuấn – một học sinh trong tốp này trả lời: “Chúng em vẫn lo chứ ạ! Nhiều người trong bọn em không phải là cầu vượt qua kỳ thi mà cầu đỗ tốt nghiệp loại giỏi, hoặc ít nhất là loại khá.”
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ngay cả học sinh các trường trung học phổ thông có tên tuổi như trường Amsterdam, Chu Văn An, Thăng Long cũng “chung một nỗi lo” vì thi tốt nghiệp không chỉ thi các môn "thế mạnh" theo ban được học mà còn thi các môn trái ban.
Vì thế, vượt qua được kỳ thi mà kể cả môn trái ban vẫn không bị điểm dưới 8 để đạt loại giỏi hoặc dưới 7 để đạt loại khá là rất khó.
Theo chương trình phân ban hiện hành, học sinh ban D thường sợ nếu thi Lý, Hóa, Sinh. Học sinh ban A thì sợ môn Văn, Địa, Sử và kể cả ngoại ngữ… Theo các môn thi tốt nghiệp năm nay thì Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử là nỗi e ngại của học sinh ban A và Vật lý, Sinh học gây nên sự thiếu tự tin ở nhiều học sinh ban D. Với các môn trái ban thì kỳ thi tốt nghiệp cũng là dịp cuối "đối mặt" để "chia tay" môn học thuộc thế yếu.

Học Sinh đi Quốc Tử Giám cầu may, ảnh Internet

Không chỉ đi cùng nhóm bạn sau buổi tập trung học quy chế thi ở Hội đồng thi rủ nhau vào Văn Miếu mà nhiều học sinh có phụ huynh đưa đi lễ với đầy đủ hoa trái, vàng hương như ở chùa vậy. Trước ban thờ Đức Khổng Tử, “Vạn thế sư biểu”- người thầy của muôn đời, phụ huynh và học sinh đứng chật ních. Trước Ban thờ Nhà giáo Chu Văn An ở khu Thái Học, phóng viên gặp một cô giáo đưa nhóm học sinh của mình tới lễ.  
Nhiều học sinh đặt lễ lên ban thờ là bút viết và bút chì ( bút chì để làm bài thi trắc nghiệm), sau đó chắp tay vái xin “lộc” bút để mai dùng làm bài thi.
Chúng tôi gặp Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc – Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ông cho biết: "Đúng là năm nay, học sinh phổ thông ở Hà Nội đến Văn Miếu trước ngày thi đông hơn nhiều. Chúng tôi phải tăng cường bộ phận bảo vệ để nhắc nhở học sinh không trèo vào sờ bia, xoa đầu rùa. "
"Chúng tôi chỉ nhẹ nhàng giáo dục các em chứ không giữ hoặc làm các em sợ được. Mai các em vào phòng thi rồi, đến Văn Miếu là thành tâm và mong muốn tốt đẹp, chính đáng của người sắp vào kỳ thi. Cũng có em cứ trèo vào xoa đầu rùa. Vài học trò ném tiền lẻ 500 đồng, 1000 đồng vào khu vực nhà bia rồi đi thì chúng tôi không nhắc kịp. Có những em bày lễ lên nắp hộp bánh để khấn lễ thì nhân viên sẽ đến nhắc và yêu cầu không nên làm thế," ông Ngọc nói.
Được biết, vào dịp cuối năm học nhiều trường trung học phổ thông ở Hà Nội đã tổ chức cho học sinh khối 12 tham gia vào lễ dâng hương tại Văn Miếu. Thế nên, việc học trò vẫn “tự phát” đến lễ “bổ sung” trước ngay thi cũng là một bất ngờ./.
Theo Nguyễn Anh
(Vietnam+)

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)