Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trước ngày tựu trường: Ngược xuôi kiếm tiền cho con học chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Để có được đồng phục cho con, phụ huynh rất vất vả

Ngày khai giảng năm học mới càng tới gần thì những gia đình có thu nhập thấp càng tất bật hơn trên “con đường” kiếm tiền cho con đi học. Từ sách vở, đồng phục cho tới các khoản tiền trường đã làm cho nhiều gia đình đã “khó” lại thêm “khốn”…
Cha mẹ đi “cày” để con được tới trường
Mấy hôm nay, anh Hùng ăn không ngon ngủ không yên vì không biết kiếm đâu ra “một khoản tiền” để trang trải cho đứa con gái đầu lòng khi năm học mới đã gần kề. Con gái của anh học tại Trường Tiểu học Tăng Nhơn Phú (Q.9), vừa rồi anh tới trường thì được biết tổng các khoản phải mua, phải đóng góp sơ sơ cũng nửa triệu đồng. Số tiền này đối với vợ chồng anh to lắm, đủ để chi trả tiền ăn của cả nhà 3 người trong một tháng. Bởi vậy mà gần một tháng nay, ngày nào cũng vậy mới tờ mờ sáng là anh đã cùng với chiếc xe cà tàng chạy lòng vòng khắp các ngã tư Thủ Đức, Bình Thái, Linh Xuân để tìm khách. “Có nhiều ngày, tiền chở khách không đủ bù tiền xăng”, anh Hùng cho biết.
Chị Bích Tuyền, công nhân may tại KCN Linh Trung có đứa con trai năm nay lên lớp 9 Trường THCS Bình Thọ. Chị cho biết, thu nhập của hai vợ chồng khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng nhưng không đủ để chi trả các khoản sinh hoạt phí trong gia đình và tiền học của con. Từ 3 năm nay, chị xin làm tăng ca để tăng thêm thu nhập. “Năm học mới lại tới, vui vì con được tới trường nhưng cứ nghĩ đến khoản tiền mua sách vở, đồng phục, tiền học tôi lại đau hết cả đầu. Những năm trước, cứ đến hè là vợ chồng tôi lại đưa con đi Đầm Sen, Suối Tiên để xả stress nhưng năm nay đành “quên luôn”. Tội nghiệp con, mấy tháng hè chỉ quanh quẩn ở nhà, nhưng nếu không làm vậy thì làm gì còn tiền để con đi học”, chị Tuyền cho biết.
Hoàn cảnh của chị Hằng (ngụ tại khu phố 3, P.Linh Trung, Thủ Đức) hành nghề bán vé số còn bi đát hơn nhiều. Ngày ngày đi rạc cả chân, chị mới bán hết 100 tờ, hoa hồng chỉ đủ chi tiêu trong nhà. Riêng tiền học của mấy đứa con thì chị phải đi vay với lãi suất cao. Chỉ có gần một triệu đồng tiền gốc nay đã tăng lên gấp 3 mà chị vẫn chưa trả được. Chị nói: “Lãi đẻ lãi, mượn nơi này “đắp” nơi kia, cứ như vậy tôi phải sống trong cái vòng nợ nần, không biết đến bao giờ mới thoát ra được”. Dẫu biết rằng chủ nợ sẽ chửi rủa, đánh đập hay đưa ra cơ quan pháp luật nhưng chị Hằng cũng đành “liều” chấp nhận miễn sao có tiền để cho con đến trường.
 “Không có tiền biết tính thế nào”, đó là lời than thở của một phụ huynh có con học lớp 6 tại Trường THCS Phước Long (Q.9). Những chi tiêu trong gia đình được chị tính chi li đến mức không thể nào chi li hơn nữa mà vẫn không dư để mua dụng cụ học tập và đóng tiền học đầu năm cho con. “Chắc phải ăn đói, mặc rách để có tiền đóng học cho con. Dù sao việc học hành của con cái cũng quan trọng hơn cả”, chị nói.
Nếu “cày” không nổi thì con nghỉ học
Anh Sơn (Q.Gò Vấp) có con học lớp 8 Trường N.D cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm học là tôi chạy vạy khắp nơi mới có đủ tiền cho cháu đóng học phí, mua sách vở. Năm nay cũng đã hỏi mấy người rồi nhưng ai cũng lắc đầu, nếu không có tiền chỉ còn cách cho con nghỉ học”. Năm học trước, anh cũng đã bắt con nghỉ học thêm ở trường vì không có tiền đóng học phí.
Anh Sơn cũng cho biết thêm, mấy người hàng xóm của anh vì không có tiền nên đành cho con nghỉ học. Có nhiều đứa trẻ mới học lớp 3, lớp 4 đã phải nghỉ ở nhà đi bán vé số, hoặc trông em.
Đối với gia đình anh Lý (ở xóm củi Q.8) để lo cho bé Hoàng vào lớp 1 là một chặng đường đầy gian nan. Hàng ngày, anh phải làm cật lực mới có được 30-40 ngàn đồng/ngày. Số tiền ít ỏi này tạm đủ tiền ăn, tiền nước, tiền nhà. Còn tiền học của con thì chưa biết xoay sở ở đâu mặc dù anh đã tiết kiệm không cho con học bán trú. Anh Lý tâm sự: “Tôi đã cố gắng hết sức rồi nhưng nếu “cày” không nổi thì con đành phải nghỉ học”.
Bài & ảnh:Nguyên Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)