Bỏ học thêm… để tránh cúm
Những học sinh có dấu hiệu bất thường đều được cách ly |
Gần một tháng nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị Cẩm Nhung (Q.3) vô cùng hoảng hốt khi thấy các ca cúm A/H1N1 ngày càng gia tăng theo cấp số nhân. Trong thời gian này, hai con của chị là Quốc Hưng (13 tuổi) và Thu Thủy (8 tuổi) đang học thêm tại rất nhiều nơi – học văn hóa ở một trung tâm trên đường Lý Tự Trọng (Q.1), học tiếng Anh tại ILA, học năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi thành phố… Lo lắng các con sẽ bị lây bệnh nên chị Cẩm Nhung quyết định cho con nghỉ học. “Kể ra cũng tiếc tiền vì mình đã đóng học phí hết rồi, không học thì chỉ có bỏ chứ làm sao mà lấy lại được. Tiền cũng quan trọng nhưng sức khỏe của các con quan trọng hơn. Nhưng học thêm thì bỏ được còn khi vào học chính thức không biết tính sao đây?” chị Cẩm Nhung ưu tư
Cùng chung tâm trạng với chị Cẩm Nhung, chị Mai Hương (Q.Bình Thạnh) cũng rất lo ngại khi năm học mới đã cận kề mà dịch bệnh thì không giảm. Cách đây hơn 2 tuần, vợ chồng chị đã cho hai cậu quí tử (đứa lớn học lớp 8, đứa nhỏ học lớp 4) về bà ngoại ở Bình Dương để tránh cúm. Trước đó, hai đứa con của chị Mai Hương cũng đã phải nghỉ học tại một trung tâm tiếng Anh trên đường Phan Đăng Lưu. “So với các trung tâm văn hóa ngoài giờ thì trường học an toàn hơn rất nhiều. Tuy vậy, tôi cũng rất lo lắng. Vì dù sao, dịch bệnh cũng đã xảy ra trong trường học như Trường Ngô Thời Nhiệm, Trường Nguyễn Khuyến…”, chị Mai Hương tâm tư.
Xin đừng hoang mang
Bác sĩ Nguyễn Văn Châu – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Tuy thành phố chiếm gần 80% số ca dương tính với cúm A/H1N1 trong cả nước nhưng ngành y tế vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Theo đó người dân cũng đừng quá hoang mang. Đặc biệt, đối với khu vực trường học, ngành y tế đã thành lập 6 đoàn để xuống các trường kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh. Trường nào làm chưa tốt sẽ được ngành y tế hỗ trợ, tư vấn…
Cũng theo bác sĩ Châu thì: Bộ Y tế chưa có khuyến cáo người dân phải đeo khẩu trang thường xuyên mà chỉ đeo ở những khu vực có nguy cơ. Vì vậy, việc bắt trẻ đeo khẩu trang trong lớp học là không cần thiết.
Bác sĩ Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo: “Người dân không nên hoang mang, không nên sợ hãi nhưng cũng không được mất cảnh giác. Theo đó, không nên đổ xô đi mua khẩu trang, mua thuốc đặc trị, đi xét nghiệm. Nhưng phải thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn môi trường sống (ít nhất 1 lần/tuần). Nên tận dụng ánh sáng và ánh nắng mặt trời mỗi ngày để thanh khiết môi trường sống. Khi có dấu hiệu như sốt, ho, đau họng nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám”… |
Vả lại, theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP, các trường chỉ được khai giảng khi đã có ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cúm A/H1N1. Khảo sát tại nhiều trường từ mầm non đến THPT, chúng tôi được biết hầu hết các trường đã và đang tiến hành thành lập ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1. Ở nhiều trường học cũng đã thành lập phòng cách ly để khi phát hiện học sinh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe sẽ đưa xuống phòng cách ly, sau đó liên lạc với ngành y tế. Tại nhiều quận, huyện, phòng GD-ĐT đã phối hợp với trung tâm y tế dự phòng địa phương để tập huấn nâng cao kiến thức phòng bệnh cúm A/H1N1 cho cán bộ y tế học đường, giáo viên, nhân viên. Đặc biệt, từ nay đến ngày tựu trường, các trường sẽ tích cực vệ sinh trường lớp, bàn ghế nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh…
Do vậy, có thể nói công tác phòng chống dịch bệnh đã được cả ngành y tế lẫn ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Tuy không ai dám khẳng định trường học sẽ miễn nhiễm với cúm A/H1N1 nhưng cả ngành y tế và giáo dục đều đang nỗ lực để đảm bảo sức khỏe cho học sinh…
Bài & ảnh: Thùy Linh
Bình luận (0)