Sự kiện giáo dụcTin tức

Trước thềm năm học mới 2009-2010: Trường “treo”, trò thiếu chỗ học

Tạp Chí Giáo Dục

Bước vào năm học mới 2009 – 2010, các em học sinh Trường Tiểu học Long Phước vẫn phải học ở ngôi trường cỏ mọc um tùm như thế này

Năm nào cũng vậy, khi bước vào năm học mới TP.HCM luôn thiếu chỗ học trầm trọng dẫn đến tình trạng nhiều học sinh (HS) phải học dồn lớp, trong khi đó các dự án xây trường thì vẫn bị “treo” hoài trên giấy…
Phòng học chật, học sinh đông
Theo thống kê của ngành GD-ĐT TP.HCM, trung bình mỗi năm số HS vào lớp 1 tăng từ 5.000 – 7.000 em. Năm học 2009-2010, do hệ quả sinh con năm Quý Mùi nên số trẻ vào lớp 1 tăng đột biến với trên 10.000 em. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho các trường và nhiều nơi phải “xóa sổ” một số lớp bán trú, dồn lớp, tận dụng văn phòng làm chỗ học cho HS.
Thầy Lưu Văn Thành, Trưởng phòng GD-ĐT quận 4 cho biết: “Năm học 2009-2010, trên địa bàn quận có khoảng 40 ngàn HS, trong đó có 2.600 HS vào lớp 1 (tăng 30% so với năm trước). Về cơ bản trường lớp đáp ứng được 70% HS được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên so với tiêu chí của Bộ GD-ĐT đưa ra thì quận chưa đáp ứng được. Để giải quyết chỗ học cho con em nhân dân trong quận, UBND quận cho tiến hành xây dựng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (P.5) và Trường THCS Khánh Hội A. Hi vọng khi hai công trình này hoàn thành sẽ giải tỏa phần nào khó khăn về phòng ốc trên địa bàn”.
Cô Lê Thị Kim Loan, quyền Trưởng phòng GD-ĐT quận 9 cho biết: “Năm nay số trẻ vào lớp 1 tăng đột biến, nâng số lượng HS toàn quận lên trên 35 ngàn em. Riêng khối mầm non, quận có 14 trường công lập, 11 trường tư thục và 38 nhóm trẻ gia đình có khả năng đáp ứng đủ chỗ học cho các cháu. Năm nay quận đang có dự án xây dựng thêm 2 trường mầm non mới”. Và ở quận 9 do dân cư phân bố không đều nên nhiều trường như: TH Phước Long, THCS Phước Long, TH Hiệp Phú, THCS Trần Quốc Toản thì quá tải. Ngược lại ở các trường như TH Trường Thạnh, MN Trường Thạnh… trường lớp khang trang nhưng lại ít HS. Theo cô Kim Loan, về giải pháp: “Phòng GD-ĐT quận sẽ giãn HS ở các phường đông đưa sang các phường ít HS, có cơ sở vật chất tốt”.
Năm học 2009-2010, quận Bình Tân có số lượng HS vào lớp 1 tăng gấp 2,5 lần so với HS ra trường nên quận đang có kế hoạch cắt giảm gần 100 lớp bán trú để đáp ứng chỗ học cho HS. Tương tự, quận Tân Phú cũng có kế hoạch cắt giảm 18 lớp bán trú. Nhiều trường còn đưa ra giải pháp sẽ dồn sĩ số HS các khối lớp để có đủ phòng học cho HS… Tuy nhiên, theo thầy Thành, Trưởng phòng Giáo dục quận 4 cho rằng: “Cắt giảm bán trú ở khối lớp 1 còn dễ chứ với khối lớp 2, 3, 4 nếu đột ngột cắt lớp sẽ gây phản ứng từ phía phụ huynh. Trong khi đó lãnh đạo ngành giáo dục thành phố cho biết tình hình cắt giảm lớp bán trú chỉ là giải pháp tạm thời còn về lâu về dài phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp”.
Tại các quận 6, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Thủ Đức… cũng cùng chung cảnh ngộ “phòng học chật, HS đông”!
Song song đó, tình cảnh ở các TTGDTX còn thảm hại hơn, không ít trung tâm cơ sở vật chất không đủ đáp ứng nhu cầu của người học. Thầy Hồ Tấn Hóa, Phó giám đốc TTGDTX quận 9 than vãn: “Không có phòng học chúng tôi phải lấy cả văn phòng làm chỗ học, lấy phòng bảo vệ làm nơi để máy móc trang thiết bị”.
Những ngôi trường “treo” hoài trên giấy
Hiện tại ngành giáo dục TP.HCM đang phải “gồng mình” để bảo đảm mọi HS đều có chỗ học, trong khi đó nhiều dự án xây dựng trường lớp thì vẫn còn “treo” hoài trên giấy hàng chục năm trời. 
Chúng tôi tìm về Trường TH Lam Sơn (Gò Vấp), trường chỉ có 600 HS nhưng có đến 3 cơ sở. Trong đó cơ sở 2 như một ngôi nhà cấp 4 nằm trong khuôn viên nhà thờ Thạch Đà. Thầy Nguyễn Hồng Hải, Hiệu trưởng nhà trường than thở: “Trường có kế hoạch xây dựng từ năm 1998, qua nhiều lần thay đổi đến nay HS vẫn chưa có trường mới để học. Hiện chúng tôi vẫn phải chờ nhưng chưa biết chờ đến bao giờ”.
Có dịp ghé ngang qua Trường TH Long Phước (quận 9) vào thời điểm này thì không thể không chạnh lòng với một ngôi trường ở thành phố nhưng chẳng khác nào một ngôi trường ở vùng sâu vùng xa. Trường có 3 cơ sở, nhưng cơ sở nào cũng chỉ được vài phòng học cấp 4, mưa xuống thì ngập vào tận lớp, xung quanh cỏ dại mọc đầy. Mùa hè sân trường trở thành chỗ thả trâu và bò của những người dân xung quanh. Được biết, trường này có dự án xây mới cách đây 9 năm nhưng đến bây giờ vẫn chưa được khởi công. Một số trường khác như Trường THCS Sông Đà (Phú Nhuận), TH Phước Long (quận 9), TH Nguyễn Huệ (quận 4), THPT An Phú (quận 2)… cũng cùng chung số phận là bị “treo” dài dài trên giấy!
Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM đã từng phát biểu: “Dường như việc xây dựng trường lớp ở TP.HCM chưa được lãnh đạo các quận huyện quan tâm sát sao. Nhiều lãnh đạo một số quận, huyện nói đã hết đất xây dựng trường, trong khi chúng tôi thấy có nhiều khu đất đẹp dành cho tư nhân khai thác hay khai thác sai mục đích thậm chí bỏ hoang. Trong khi đó, chủ trương của Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, kêu gọi các đại biểu UBMTTQ hỗ trợ ngành GD-ĐT”. Ông Đằng còn khẳng định: “Quận, huyện nào nói không còn đất xây trường là không đúng”.
Văn Mạnh

Bình luận (0)