Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trước thềm năm học mới: Kỳ 1: Trường mới chờ… vốn

Tạp Chí Giáo Dục

Trường THCS Trần Phú (Q.10) xuống cấp từ nhiều năm nay vẫn chưa được đầu tư xây mới
Mỗi năm, TP.HCM tăng khoảng 20.000 học sinh (HS), trong khi đó các dự án xây trường mới chuyển biến với tốc độ chậm chạp, thậm chí nhiều dự án còn giậm chân tại chỗ. Điều này đã gây nên việc thiếu chỗ học cho HS, nhiều trường phải “giải tán” một số lớp bán trú, dồn lớp, tận dụng mọi không gian để làm chỗ học…
Theo báo cáo của Tổ công tác liên ngành gửi UBND TP.HCM năm học 2011-2012 này toàn TP có 1.095 phòng học mới được đưa vào sử dụng nhưng trong đó có hàng chục dự án trong tình trạng “treo” từ gần chục năm nay, nhiều công trình trường học đưa vào khởi công năm 2011 đã bị ngưng cấp vốn; còn trường mới sau khi được khởi công thì thi công cầm chừng vì chờ vốn.
Nhiều trường xuống cấp, quá tải
Thủ Đức là một trong những quận có nhiều dự án trường không hoàn thành tiến độ xây dựng để đưa vào sử dụng trong năm học này. Cụ thể 3 dự án xây trường mới có từ nhiều năm trước đây như Trường TH Ngô Chí Quốc (có vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng), Trường THCS Lê Văn Việt (36 phòng với vốn đầu tư 77 tỷ đồng) và THCS Linh Xuân (vốn đầu tư hơn 51 tỷ đồng), tất cả đều là vốn ngân sách thành phố. Nhưng cho đến nay, chỉ có dự án Trường THCS Lê Văn Việt là đã giải ngân được trên 60% vốn và theo dự kiến đến học kỳ II 2011-2012 mới hoàn thành. Mặt khác, theo báo cáo của Tổ công tác liên ngành thì Thủ Đức còn 4 dự án xây mới trường lớp và có kế hoạch đưa vào hoạt động trong năm học này nhưng đến giờ chỉ có Trường MN Tam Phú (18 phòng) và Trường THCS Nguyễn Văn Bá (36 phòng) là có thể đúng tiến độ. Các dự án còn lại như Trường MN Linh Tây (18 phòng với số vốn đầu tư 30 tỷ đồng), TH Linh Đông (diện tích xây mới 3ha) và THCS Đỗ Tấn Phong (diện tích xây mới 2ha với số vốn đầu tư 42 tỷ) dự kiến hoàn thành trong học kỳ II năm học này nhưng hiện đang gặp khó khăn vì… hết tiền!
Việc một số trường học xuống cấp trên địa bàn các quận: Q.4, 8, 10, 11… từ nhiều năm nay đã trở thành vấn đề “nổi cộm”. Theo kế hoạch, các trường TH Xóm Chiếu (Q.4), TH Lý Thái Tổ (Q.8), TH Âu Cơ (Q.11), TH Phường 7, THCS Trần Phú (Q.10), TH Thân Nhân Trung (Tân Bình)… phải được khởi công xây mới từ năm 2010 nhưng đến giờ phần lớn các dự án này vẫn còn nằm trên giấy. Tại Trường THCS Trần Phú (Q.10), vào những ngày này chỉ cần một cơn mưa nhỏ là sân trường đã trở thành một cái ao chứa nước. Còn bàn ghế thì ọp ẹp, nghiêng ngả.
Các dự án trường lớp ở Q.2 như: TH Bình Trưng Đông, TH Bình Trưng Tây, THCS Nguyễn Văn Trỗi, THCS Thạnh Mỹ Lợi (174 ha)… qua tìm hiểu thực tế đã có đất và tiền nhưng không hiểu sao đến nay vẫn không hoàn thành được dự án?
Theo thầy Thuấn – cán bộ phụ trách cơ sở vật chất Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn thì: “Trên địa bàn huyện, hiện nay có trên 30% số trường học đã bị xuống cấp và quá tải về HS như TH Tây Bắc Lân, TH Tam Đông 2, TH Trần Văn Mười, TH Dương Công Khi, THCS Phan Công Hớn, THCS Tân Xuân… là những ngôi trường rất khó khăn về CSVC để đảm bảo việc dạy và học. Lãnh đạo huyện đã chủ động lên kế hoạch xây mới nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc đền bù giải tỏa. Nhiều hộ dân không chấp nhận phương án di dời và hỗ trợ của huyện. Vì vậy, tuy đã có nhiều dự án xây mới trường, lớp học được khởi công nhưng tiến độ rất chậm và khó hoàn thành được trong năm 2011”.
Tại Q.8 nhiều trường học đang rơi vào cảnh trường không ra trường, lớp không ra lớp. Trường MN Thỏ Ngọc, MN Bông Sao đang xuống cấp trầm trọng, sân trường thấp hơn mặt đường nên thường xuyên ngập nước; mái ngói bị dột nhiều nơi, hệ thống phòng cháy chữa cháy bị rò rỉ, thiết bị, đồ chơi… không còn phù hợp với yêu cầu dạy học chương trình mới. Còn Trường TH Rạch Ông, TH Vạn Nguyên, TH Thái Hưng, TH Bông Sao… chỉ cần một cơn mưa nhỏ hay triều cường lên là HS phải lội bì bõm vào lớp, nhiều phòng học ẩm thấp không đáp ứng được nhu cầu học tập hàng ngày. Đặc biệt tại phường 9 vẫn chưa hoàn thành việc tách cấp (trường vừa là tiểu học, vừa là THCS). Hiện nay nhiều trường phải đưa HS đi học “ké” ở các trường khác.
Thầy trò tiếp tục “đánh vật” với chỗ học
Thầy Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức cho biết: “Tổng số HS hiện nay trên địa bàn quận ước tính trên 57.000 em. Chỉ tính riêng ở khối tiểu học tổng số HS khoảng 24.000 em, đặc biệt năm học này tăng gần 1.500 em so với năm trước, nhưng vẫn không có một ngôi trường tiểu học nào được xây mới. Điều này đồng nghĩa với việc sĩ số lớp học không giảm mà có chiều hướng tăng (ở bậc TH, THCS trung bình 42 HS/lớp). Để giải quyết chỗ học, UBND Q.Thủ Đức đã ưu tiên đầu tư trên 45 tỷ đồng để sửa chữa, xây xen, nâng cấp một số phòng và sắm sửa trang thiết bị để chuẩn bị cho năm học mới.
Ở Q.9 dù quỹ đất ở đây còn rất nhiều nhưng việc thiếu trường, lớp vẫn diễn ra. Thầy Đồng Công Hiển, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Long, chia sẻ: “Hiện nay trường có hơn 600 HS, nhưng phần lớn các em chỉ học được một buổi/ngày. Nguyên nhân vẫn là thiếu trường lớp. Vì vậy cứ vào đầu năm học thì có khoảng 100 HS xin chuyển trường. Dù trường đã tận dụng hết các phòng chức năng, phòng sinh hoạt Đoàn – Đội làm phòng học, nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ”. Theo thầy Hiển, từ trước đến nay P.Phước Long A “trắng” trường TH và THCS nên số HS dồn về Trường Phước Long, khiến năm nào trường cũng bị quá tải. Hai năm qua, trên địa bàn phường đã có kế hoạch xây dựng mới Trường TH Long Phước và THCS Phước Long A nhưng vẫn không hoàn thành được những dự án này.
Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng trong khuôn viên Trường THCS Trần Phú (Q.10), cô Trần Thị Minh Hằng, Phó hiệu trưởng nhà trường đau đáu: “Nhà trường đã có dự án xây dựng mới từ 10 năm trước nhưng Ban quản lý dự án của quận năm nào cũng với điệp khúc: Ráng đợi… khi nào có tiền sẽ tiến hành xây dựng ngay! Trường có 3 dãy phòng học, khu A nhìn bề ngoài khang trang, sạch đẹp nhưng sau một cơn mưa nhẹ nước bắt đầu ngấm qua các mạch vữa gây ẩm mốc, loang lổ trong các phòng học. Khu B (đối diện với khu A) vừa là phòng học và các phòng chức năng, diện tích các phòng chưa được 30m2, BGH ngồi xen kẽ cùng kế toán, phòng thực hành kết hợp với y tế… Đáng báo động nhất là khu C, trời nắng cũng như mưa, muỗi và các mùi hôi thối (do thiết kế đường cống thoát nước và sinh hoạt ngay trước cửa phòng học) bốc lên nồng nặc. Mái phòng học được lợp bằng ngói do lâu ngày bị hư hỏng nặng nhưng không ai dám trèo lên thay hoặc sửa chữa… vì rất dễ xảy ra tai nạn. Hè vừa qua, trường được đầu tư kinh phí thay bằng mái tôn nhưng mới dạy hè được ít buổi thì thầy và trò phải “sơ tán” khẩn cấp do nhiều em có biểu hiện khó thở vì nóng và ngột ngạt. Không biết thầy và trò nhà trường sẽ còn phải chịu trận đến bao giờ… mới thoát khổ đây?”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)