Hiện nay hầu hết các trường trên địa bàn TP.HCM đều tổ chức bán trú. Tuy nhiên do cơ sở hạ tầng không đảm bảo nên ngoài các trường mầm non, còn lại rất ít trường có bếp ăn tập thể. Theo đó phần lớn các trường đặt suất ăn công nghiệp. Vấn đề đặt ra là làm sao suất ăn công nghiệp đảm bảo dinh dưỡng và không gây ra ngộ độc thực phẩm?
Tăng cường thanh kiểm tra an toàn thực phẩm
Năm học mới đã cận kề, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học tổ chức bán trú, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM đã tổ chức các buổi khảo sát công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các công ty sản xuất suất ăn công nghiệp.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, mục tiêu của công tác thanh kiểm tra để chỉ ra những điều chưa đúng, kịp thời xử lý những chuyện không tốt ngay từ lúc manh nha.
“Về vấn đề an toàn thực phẩm tại các trường học, nhiệm vụ của chúng ta là không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Hiện Sở An toàn thực phẩm, Sở GD-ĐT đã ký kết liên tịch trong quản lý về bếp ăn tập thể tại các trường học nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với vấn đề này, hiệu trưởng các trường đã rất nỗ lực trong lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh, chúng tôi đã đề xuất các trường lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn dựa trên tiêu chí chất lượng, tránh trường hợp cho phép người quen biết chưa được kiểm nghiệm cung cấp nhằm đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm cho học sinh. Ngoài ra, với các công ty tổ chức bếp ăn tập thể, chúng tôi tăng cường công tác kiểm tra, giám sát những đơn vị có suất ăn giá thấp để đơn vị tăng chất lượng, giá cả suất ăn nhằm đảm bảo sức khỏe cho công nhân, người lao động”.
Bà Lan cũng thừa nhận, lực lượng thanh tra của Sở An toàn thực phẩm TP “quá mỏng” so với số lượng công ty, cơ sở kinh doanh thực phẩm, suất ăn nên vấn đề quản lý, thanh kiểm tra an toàn thực phẩm vẫn chưa triệt để. Dù vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, ngoài việc kiểm tra theo lịch báo trước, Sở An toàn thực phẩm TP còn tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên bất kỳ công ty, cơ sở kinh doanh nào có dấu hiệu vi phạm.
Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM – cho biết, Ban Văn hóa – Xã hội phối hợp với các sở, ngành thực hiện những buổi giám sát có báo trước cũng như những buổi khảo sát đột xuất, mục đích cuối cùng là để công tác giám sát an toàn thực phẩm đạt được kỳ vọng của người dân. Sau những buổi khảo sát, Ban Văn hóa – Xã hội sẽ đưa ra những đề xuất, kiến nghị đối với UBND TP để giải quyết những vướng mắc, khó khăn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cũng theo ông Bình, Ban Văn hóa – Xã hội sẽ tham khảo, giám sát những đơn vị thực hiện suất ăn công nghiệp chất lượng để từ đó đề xuất các trường, doanh nghiệp lựa chọn đơn vị phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng suất ăn cho học sinh, người lao động.
Tăng tiền ăn lên 40 ngàn đồng/ngày
Đây là đề xuất của bà Nguyễn Thị Nụ – Giám đốc Công ty TNHH MTV suất ăn công nghiệp Tú Anh – tại buổi giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.
Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM – cho biết, bên cạnh các doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp, ban còn khảo sát tại các chợ đầu mối như chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối Thủ Đức, chợ đầu mối Hóc Môn, khu ăn uống tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ… Tại các buổi khảo sát, đoàn sẽ tiếp nhận kiến nghị của các sở ngành và doanh nghiệp để trình UBND TP chủ trì tháo gỡ vướng mắc. |
Bà Nụ cho biết, mỗi ngày công ty sản xuất khoảng 40.000 suất ăn cho học sinh bán trú, công nhân, người lao động tại các trường học, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bình Dương… Nhằm đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh, công nhân, người lao động, nguồn nguyên liệu thực phẩm được công ty nhập từ các nhà cung cấp uy tín, đảm bảo chất lượng và có trách nhiệm rõ ràng. Đồng thời, tuân thủ nguyên tắc đảm bảo thời gian từ lúc chế biến xong đến lúc phục vụ không quá 2 giờ, tổ chức nấu/giao tại các địa điểm gần nơi chế biến.
“Là đối tác của hơn 20 trường học, công ty, gần 25 năm qua công ty không để xảy ra ngộ độc thực phẩm”, bà Nụ khẳng định.
Trình bày với đoàn khảo sát về một số khó khăn, bà Nụ chia sẻ, một số doanh nghiệp, cơ sở cung cấp suất ăn khác không ngại đưa ra các giá suất ăn thấp nhằm mục đích cạnh tranh không công bằng. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao từ các nguồn thực phẩm giá rẻ, không đảm bảo an toàn có nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, hiện nay giá thực phẩm ngày càng tăng, đơn cử như giá gạo gần đây tăng khoảng 30%, thịt tăng khoảng 20% so với thời gian trước. Trong khi đó giá suất ăn của một số doanh nghiệp vẫn giữ mức từ 18-20 ngàn đồng/suất ăn, gây khó khăn cho công ty trong việc cung ứng suất ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng.
“Nên có những quy định về giá suất ăn tối thiểu. Trong đó, đối với suất ăn cho công nhân, người lao động là 22-25 ngàn đồng/suất; học sinh là 40 ngàn đồng/ngày (bữa trưa và bữa xế)…”, bà Nụ đề xuất.
Bà Nụ cũng kiến nghị bỏ hẳn thuế VAT cho các đơn vị cung cấp suất ăn cho các trường học vì bản chất của hoạt động cung cấp suất ăn bán trú là hoạt động xã hội hóa, hỗ trợ công tác dạy và học. Mặt khác tiền ăn là do phụ huynh đóng, nhà trường chỉ thu hộ chi hộ.
Triều – Lâm
Bình luận (0)