Chỉ còn vài ngày nữa, cùng với học sinh cả nước, học sinh TP.HCM chính thức bước vào năm học mới 2024-2025. Điều đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP đang có chiều hướng phức tạp, nhất là bệnh sởi. Nếu lơ là, dịch bệnh có thể xuất hiện và lây lan trong trường học…
Gần 70% ca mắc là do chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (ban hành năm 2007), bệnh sởi được xếp vào nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Bệnh sởi là một trong 6 bệnh truyền nhiễm được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ngay từ đầu. Đến nay, bệnh sởi vẫn là một trong 11 bệnh truyền nhiễm phải được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm với lịch tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm mũi 1 tiêm lúc trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Bộ Y tế quy định, tất cả các trường hợp sốt phát ban nghi sởi đều phải được báo cáo và lấy mẫu làm xét nghiệm chẩn đoán xác định.
Theo thống kê của Viện Pasteur TP.HCM, tại khu vực phía Nam, từ đầu năm 2024 đến nay số ca sốt phát ban nghi sởi tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Tại TP.HCM, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), tính từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 8, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế trên địa bàn là 697 ca, trong đó số ca dương tính với sởi là 363 ca (bao gồm 170 trẻ cư ngụ tại TP và 193 trẻ cư ngụ tại các tỉnh, thành khác). Các ca sởi xuất hiện tại 57 phường, xã thuộc 16/22 quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Theo Sở Y tế TP, nguyên nhân là do gián đoạn tiêm chủng trong và sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2023 trên địa bàn TP chỉ mới đạt 89,2%, chưa có quận, huyện nào đạt trên 95% – tỷ lệ bao phủ vắc-xin sởi giúp phòng ngừa dịch sởi bùng phát. Đồng thời, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi mũi 2 cho trẻ sinh năm 2019 đến năm 2022 cũng chưa đạt 95%.
Trong số các ca dương tính với sởi trên địa bàn TP có 27,6% trẻ dưới 9 tháng tuổi, 78,4% trẻ dưới 5 tuổi. Số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi chiếm 66% và có đến 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Trong đợt dịch này, các bệnh viện của TP đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi. Trường hợp thứ nhất là bé gái 3 tuổi, có bệnh nền (suy giảm miễn dịch, chậm phát triển, suy dinh dưỡng) và trẻ chưa được tiêm chủng vắc-xin sởi; trường hợp thứ hai là bé gái 4 tháng tuổi, mắc hội chứng Cushing, tăng tuyến thượng thận và chưa đủ tuổi tiêm chủng; trường hợp thứ ba là bé trai 7 tuổi, bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho đã ghép tủy, suy tim và suy thận mạn, đã tiêm chủng 2 mũi vắc-xin sởi.
Virus sởi lây lan rất nhanh và dễ dàng
Sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong, đặc biệt là trẻ nhỏ. Virus sởi lây lan rất nhanh và dễ dàng từ người sang người qua đường hô hấp. Người mắc sởi có thể lây bệnh cho người khác từ 4 ngày trước khi phát ban đến 4 ngày sau khi phát ban. Virus sởi có thể gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em. 90-95% những người tiếp xúc gần mà chưa có miễn dịch chống lại bệnh sởi, có thể bị nhiễm bệnh. Tiêm vắc-xin sởi là phương pháp hiệu quả, an toàn nhất để phòng sởi. Một liều vắc-xin sởi khi tiêm dưới 1 tuổi có hiệu quả khoảng 85% trong việc ngăn ngừa bệnh sởi nếu tiếp xúc với virus; hai liều có hiệu quả bảo vệ khoảng 95-97%. |
Theo các bệnh viện, cả 3 trẻ này đều mắc những bệnh lý mạn tính, dẫn đến biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi và đã tử vong dù được tích cực điều trị.
Giảm số ca mắc và hạn chế thấp nhất ca tử vong
Trước sự gia tăng nhanh chóng của số ca sởi trên địa bàn TP và các tỉnh, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo HCDC, các trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức khẩn trương triển khai các hoạt động tăng cường miễn dịch cộng đồng, các bệnh viện triển khai các giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ… Tất cả hướng đến mục tiêu làm giảm số ca mắc và hạn chế thấp nhất ca tử vong.
Cụ thể, trạm y tế tổ chức tiêm bù mũi vắc-xin cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa tiêm đủ mũi và triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, bao gồm cả trường hợp trẻ mắc bệnh mạn tính mà không có chống chỉ định tiêm vắc-xin.
Các bệnh viện tổ chức tiêm vắc-xin cho trẻ bị bệnh mạn tính, bệnh nền đang được bệnh viện quản lý. Ngoài ra, khuyến khích tiêm vắc-xin cho nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân sởi. Các bệnh viện cần tuân thủ nghiêm quy trình kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở y tế. Triển khai khám sàng lọc, phân luồng cách ly các trường hợp sốt phát ban nghi sởi ngay tại khoa khám bệnh nhằm hạn chế lây nhiễm chéo…
“Sở Y tế đã yêu cầu HCDC, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức phát huy vai trò của mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trong công tác truyền thông phòng bệnh sởi. Đồng thời, yêu cầu thanh tra sở kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp tuyên truyền “anti vắc-xin” và những trường hợp đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang cho cộng đồng…”, BS Thượng cho biết thêm.
Kim Anh
Bình luận (0)