Liệu có mối liên hệ nào trong vài mùa giải vừa qua giữa các đội bóng trong nhóm bộ tứ khi chúng ta đề cập đến kết quả những cuộc đối đầu trực tiếp và vị trí cuối cùng của họ trên bảng xếp hạng Premier League?
Sau 11 vòng đấu sẽ chưa nhìn thấy một khác biệt nào vì khoảng cách giữa Chelsea, Liverpool, Man United và Arsenal vẫn còn nằm trong tầm nhìn của mỗi đội. Trong thời điểm này, dường như những trận thắng tại Stoke, Wigan hay Fulham có lẽ quan trọng hơn là việc giành 3 điểm hay một trận hoà ở Old Trafford hay Stamford Bridge…
Tuy nhiên, nếu lấy mùa giải 2002-2003 làm cái mốc cho sự xuất hiện của nhóm bộ tứ (trừ Newcastle và Everton chen chân được vào trong hai năm 2003 và 2005), thứ hạng được phân định như sau:
Mùa giải 2002-2003
Premier League: Man United 83 điểm, Arsenal 78, Chelsea 67, Liverpool 64.
Đối đầu giữa nhóm bộ tứ: Man United 14 điểm, Arsenal 7, Liverpool 5, Chelsea 5
Mùa giải 2003-2004
Premier League: Arsenal 90 điểm, Chelsea 79, Man United 75, Liverpool 60
Đối đầu giữa nhóm bộ tứ: Arsenal 14 điểm, Chelsea 7, Man United 6, Liverpool 6
Mùa giải 2004-2005
Premier League: Chelsea 95 điểm, Arsenal 83, Man U 77, Liverpool 58
Đối đầu giữa nhóm bộ tứ: Chelsea 14 điểm, Man U 12, Arsenal 5, Liverpool 3
Mùa giải 2005-2006
Premier League: Chelsea 91 điểm, Man United 83, Liverpool 82, Arsenal 67
Đối đầu giữa nhóm bộ tứ: Chelsea 15 điểm, Man U 11, Liverpool 4, Arsenal 4
Mùa giải 2006-2007
Premier League: Man United 89 điểm, Chelsea 83, Liverpool 68, Arsenal 68
Đối đầu giữa nhóm bộ tứ: Arsenal 14 điểm, Man U 11, Liverpool 6, Chelsea 5
Mùa giải 2007-2008
Premier League: Man United 87 điểm, Chelsea 85, Arsenal 83, Liverpool 76
Đối đầu giữa nhóm bộ tứ: Man United 13 điểm, Chelsea 10, Arsenal 6, Liverpool 4.
Cụ thể hơn, ở 3 trong 6 mùa bóng đó, giải mini của nhóm bộ tứ phản ánh chính xác thứ hạng cuối cùng của Premier League. Và 5 trong 6 mùa giải, đội vô địch giải mini nhóm bộ tứ luôn có được vương miện. Điều khó hiểu duy nhất là mùa bóng 2006-2007 như đã nói ở trên khi Arsenal dẫn đầu giải mini nhưng lại kết thúc bằng vị trí thứ 4. Trong trường hợp này, thắng lợi của các Pháo thủ tại Old Trafford và 6 điểm mà họ giành được trước Liverpool, Man United trên sân nhà Emirates là không đủ bù đắp cho số điểm mà họ đã mất về tay West Ham, Middlesbrough…
Một điều cần nói thêm, không một đội bóng nào vô địch Premier League sau khi đứng thấp hơn vị trí thứ 2 trong những cuộc đối đầu của nhóm bộ tứ. Bởi vậy, người ta có thể kết luận một cách chính xác rằng, thắng trong nhóm bộ tứ sẽ mang lại cho CLB đó chức vô địch Premier League.
Xem ra, Liverpool ở mùa giải 2008-2009 sẽ là đội có nhiều cơ hội nhất bởi họ đã giành được 6 điểm trước Man United và Chelsea, trong khi hai đội sau mới có 1 điểm từ trận hoà 1-1 tại Stamford Bridge. Riêng với Arsenal, thử thách đầu tiên cho đội bóng của Arsene Wenger sẽ đến vào ngày mai, ngày họ đón tiếp Man United trên sân nhà Emirates.
Thiện Tâm (theo thethaovietnam)
Bình luận (0)