Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần đã xảy ra 2 sự cố nổi cộm về đạo đức của 2 tuyển thủ quốc gia Dương Hồng Sơn và Lê Tấn Tài, trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường cho rằng để xảy ra chuyện như vậy các CLB phải chịu phần lớn trách nhiệm.
> Tấn Tài nhờ người dằn mặt đồng đội
* Thưa ông, chắc hẳn ông đã nắm được sơ qua vụ việc gọi người tới đánh đồng đội của tiền vệ Tấn Tài ở K.KH?
– Thực ra tôi mới nắm thông tin qua báo chí mà khác nhau quá nên chưa biết sự thực như thế nào. Hôm thứ Bảy vừa rồi, khi mới xảy ra vụ việc cũng có một số tờ báo gọi điện hỏi ý kiến của tôi, nhưng khi đó mức độ rất nghiêm trọng, còn đến ngày Chủ nhật thì thông tin đưa ra lại không như vậy nữa. Vì thế, chúng tôi cần phải tìm hiểu bản chất của sự việc.
* Dù thông tin có thể khác nhau như vậy, nhưng Tấn Tài gọi người đánh đồng đội của mình là đúng, ông có nghĩ vậy không?
Tấn Tài đã có 2 lần liên quan tới chuyện “bạo lực” bên ngoài sân cỏ |
– Việc báo động đạo đức cầu thủ không phải bây giờ mới nói mà chúng tôi đã đề cập tới trong cuộc họp cả ở cuối mùa bóng năm trước lẫn đầu mùa bóng năm nay. Cái đầu tiên phải nói tới là hiểu biết về luật của đa phần cầu thủ chúng ta quá kém. Thứ hai là công tác quản lý của nhiều CLB, tôi nhấn mạnh là rất nhiều CLB, còn bị buông lỏng quá mức. Họ ít chú trọng tới đạo đức của cầu thủ mà chỉ chú ý tới cái nghề, nên quản lý rất kém hoặc ít khi tuyên truyền giáo dục. Chính vì thế nhiều cầu thủ khi nhận án kỷ luật rồi mới biết là mình phạm luật. Bản thân VFF cũng đã làm mọi cách, từ khuyến cáo rồi đưa điều lệ quy chế tới tận tay CLB, và đề nghị CLB phải tuyên truyền nhắc nhở cho các cầu thủ học tập, nhưng nhiều CLB coi nhẹ vấn đề này.
* Phải chăng việc đa số cầu thủ VN không có học vấn cao là một phần lý do dẫn tới những chuyện kể trên, thưa ông?
– Đấy chỉ là một phần nhỏ thôi, vì nhiều người tuy học vấn không cao nhưng người ta vẫn tìm cách tự học nên rất hiểu biết, chứ không phải cứ học nhiều là biết hết đâu. Vì thế, nguyên nhân dẫn tới những chuyện như trên chủ yếu là do công tác quản lý, sau nữa là mặt trái của bóng đá chuyên nghiệp. Bây giờ bóng đá chạy theo thành tích, không có thành tích thì ảnh hưởng tới thương hiệu của CLB, rồi kế nữa là chiếc ghế của HLV trưởng cũng bị lung lay. Đấy, nhiều đội bóng mùa giải mới được có vài vòng mà đã thay HLV trưởng. Chuyện thành tích của đội bóng quan trọng như thế nên nhiều CLB, nhiều HLV biết rõ mức độ quan trọng của việc quản lý giáo dục cầu thủ, nhưng không làm. Vì họ sợ động chạm tới cầu thủ, mà động tới cầu thủ họ không chịu đá nữa thì CLB “chết”. Do đó, lắm lúc các CLB phải nương nhẹ, hoặc phải lựa đường cư xử với chính cầu thủ của mình chứ không dám làm mạnh.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Hoàng Anh (theo thethaovanhoa)
Bình luận (0)