Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM: Chia sẻ nhưng tránh làm tổn thương các em thêm lần nữa!

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hoá – Xã hội, HĐND TP.HCM cho rằng, khi hỗ trợ trẻ mồ côi do dịch COVID-19, chúng ta cần phải suy nghĩ, hành động như thế nào để bù đắp nỗi đau, mất mát cho các em nhưng trên hết là giúp các em không mặc cảm, tự ti, không làm tổn thương các em thêm lần nữa…


Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM

Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Cao Thanh Bình về các chính sách, quan điểm trong việc chăm lo trẻ mồ côi trong dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

Bài toán căn cơ, đầy trách nhiệm

Phóng viên: Ngay khi tiếp nhận con số trẻ mồ côi do dịch COVID-19 trên địa bàn TP, ông đã có những tham mưu thế nào với HĐND TP, UBND TP về các chính sách chăm lo cho các em, thưa ông?.

Ông Cao Thanh Bình: Sau buổi làm việc trực tuyến với Sở GD-ĐT về công tác triển khai năm học mới, trước con số 1.517 trẻ mồ côi do dịch COVID-19 mà Sở GD-ĐT báo cáo, Ban Văn hoá- Xã hội đã liên hệ với các cơ quan thẩm quyền, trao đổi về kế hoạch, chương trình, đồng thời tham mưu cho UBND TP chỉ đạo và có các chính sách kịp thời hỗ trợ, chăm lo chu toàn cho các em.

Để có chính sách, kế hoạch chăm lo chu đáo, dài hơi cho các em từ kinh phí, tinh thần, pháp lý thì cần thận trọng; cần các ngành, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc. Trong đó, có vai trò của Sở LĐ-TB&XH, Sở GD-ĐT, Sở Tư pháp, UBMT TQ Việt Nam TP, các kênh thông tin báo đài…

Cần phải chia ra, trong số hơn 1.500 trẻ mồ côi đó, có bao nhiêu em mồ côi cha, mồ côi mẹ, mồ côi cả cha lẫn mẹ, độ tuổi của các em như thế nào. Số em khó khăn về điều kiện sống là bao nhiêu, số em cần trợ giúp tư vấn về pháp lý, số em tạm trú, thường trú, số em có nguyện vọng về quê là thế nào.

Tất cả cần được thống kê một cách tỉ mỉ, lắng nghe thấu đáo nguyện vọng của các em, để có sự hỗ trợ sát sườn, phù hợp nhất. Đây là bài toán hết sức căn cơ, đầy trách nhiệm, cần các sở ban ngành cùng vào cuộc. Có như thế mới có thể chăm lo chu toàn, thoả đáng cho các em.

HĐND TP cũng đang tiếp tục tăng cường công tác giám sát, kiến nghị để có những bước đi phù hợp, thận trọng trong việc hỗ trợ các em, tránh làm các em tổn thương thêm một lần nữa.

“Không làm các em tổn thương thêm lần nữa”

Xin ông nói rõ hơn về việc chăm lo cho các em nhưng “tránh làm các em tổn thương thêm lần nữa”.

– Cho đến nay nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân, bằng nhiều nghĩa cử cao đẹp đã có sự hỗ trợ giúp đỡ các em như tặng học bổng, phương tiện học tập, nhận đỡ đầu… Những tấm lòng, nghĩa tình này, thành phố và HĐND TP rất trân trọng.

Song, với các em, chăm lo về vật chất thôi chưa đủ mà còn cần chăm lo về tinh thần và các yếu tố tác động khác. Việc chia sẻ, giúp đỡ các em cần hết sức thận trọng, tế nhị, suy xét ở mọi góc độ từ vật chất, tinh thần, đời sống, quá khứ, hiện tại và xa hơn là tương lai của các em, cần hướng đến quá trình từ giờ cho đến khi các em trưởng thành, công tác.  

Với các em, nên hạn chế tối đa việc khai thác quá sâu vào đời sống, đời tư. Ngay cả việc sử dụng hình ảnh của các em cũng phải cân nhắc, phải đứng ở góc độ nhân văn. Làm sao, hỗ trợ, chăm lo cho các em nhưng không làm các em tổn thương thêm lần nữa…

Mạng xã hội, dữ liệu đám mây ngày nay có thể lưu lại, truyền tay một hình ảnh, câu chuyện trong thời gian rất dài. Có thể bây giờ chưa tác động ngay đến các em nhưng về sau, hình ảnh câu chuyện đó sẽ làm tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý các em.

Do vậy, khi hỗ trợ các em, chúng ta cần phải suy nghĩ, hành động như thế nào để phần nào bù đắp nỗi đau, mất mát cho các em nhưng trên hết là giúp các em không mặc cảm, tự ti, không làm tổn thương, giúp các em ổn định tâm lý, có nghị lực, vươn lên trong cuộc sống…

Không tách các em ra khỏi cộng đồng, gia đình, quê hương

Theo ông, vai trò của nhà trường, giáo viên, địa phương, xã hội đối với các em là như thế nào để giúp các em hoà nhập lại cuộc sống sau hậu COVID-19?.

-Cá nhân tôi cho rằng, việc hỗ trợ, giúp đỡ các em tốt nhất vẫn là không tách các em ra khỏi cộng đồng mà tiếp tục để các em sống cùng với gia đình, người thân và quê hương.

Các chính sách cần tính toán, nghiên cứu về điều này. Giải pháp tối ưu và lý tưởng nhất là giúp các em được gắn bó bên người thân, có thể không còn ba mẹ nhưng còn cô, dì, chú, bác, ông, bà, còn quê hương, còn tình làng nghĩa xóm.., các em sẽ được cưu mang trong tình yêu thương, đùm bọc. Tất nhiên, trong trường hợp bất khả kháng thì chúng ta cần nghĩ về các giải pháp khác.

Các chính sách chăm lo không chỉ về vật chất mà cần có thêm nhóm tư vấn tâm lý, tình nguyện tư vấn cho các em hàng tuần, hàng tháng, trực tuyến và trực tiếp, dành thời gian gặp gỡ, nắm bắt tâm tư tình cảm, giúp các em nguôi ngoai dần mất mát…

Đối với một số em mồ côi ba mẹ, ông bà thì việc thừa kế tài sản, bảo quản tài sản là yếu tố hết sức thận trọng. Trước mắt địa phương phải thống kê, tính toán, giúp các em bảo quản tài sản, hỗ trợ pháp lý, tính thừa kế cho các em.

Khi các em đi học, nhà trường cần có kế hoạch chi tiết, quan tâm, chăm lo cho các em. Sắp xếp các em vào lớp học phù hợp, bạn bè, thầy cô cùng chia sẻ, giúp đỡ. Tổ chức cho các em học tập theo nhóm, giúp các em có động lực tham gia tích cực vào các hoạt động, để hạn chế những suy nghĩ về quá khứ.

Về phía địa phương, chúng ta nên chia theo địa bàn xuống từng tổ dân phố, ấp, phân công chi, tổ, hội thường xuyên nắm, thông tin về tình hình của các em để có sự hỗ trợ, can thiệp kịp thời.

Cần nguồn quỹ xã hội hoá để chăm lo cho các em

Để chăm lo dài hơi cho các em, theo ông còn cần thêm các yếu tố nào nữa?.

– Để giải quyết được bài toán chăm lo dài hơi cho các em thì cần có 1 chiến lược, chính sách cho giai đoạn từ nay đến khi các em ra trường, đi làm. Muốn làm được như vậy, bên cạnh các chính sách của TP, các bộ ngành thì rất cần đến sự chung tay của cả xã hội.

Tôi cho rằng cần thiết nên có một quỹ từ nguồn xã hội hoá để cùng chăm lo cho các em. Tính toán đến vai trò người quản lý nguồn quỹ, quy chế, phương pháp chi của quỹ, tiếp nhận sự hỗ trợ của mạnh thường quân. Có thể giao thêm cho Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH trực tiếp cùng quản lý thì sẽ sát sườn hơn. Trong quá trình chăm lo, nếu có thêm khó khăn, các tổ chức này sẽ kiến nghị với MTTQ địa phương hoặc chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ…

Bộ LĐ-TB&XH cũng cần phải nghiên cứu, tính toán một nguồn quỹ chung và các chính sách đặc biệt cho tất cả các trẻ mồ côi cha mẹ trong đợt dịch này trên cả nước, để đảm bảo chăm lo dài hơi, liên tục cho các em…

Xin cảm ơn ông!

Yến Hoa (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)