Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường bị “hoang hóa”, trẻ phải học nhờ

Tạp Chí Giáo Dục

 

Người dân nhốt ngựa tại một điểm trường tiểu học xây dang dở rồi bỏ hoang
Đã ba năm nay, trường đang xây dở bỏ hoang còn học sinh phải đi học nhờ. Đó là thực trạng tại điểm trường Nga Trại thuộc Trường Tiểu học xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.
Trường học thành nơi nhốt ngựa
Chúng tôi về Hương Lâm vào một ngày cuối tuần. Cái nắng “tháng 8 rám cùi bưởi” quả thật không ngoa. Nhiều người dân ở đây đã không giấu nổi bức xúc khi trường đang xây thì bỏ hoang còn con em họ phải đạp xe xa 3-4 cây số để có chỗ học. Xã Hương Lâm bao gồm 8 thôn, một số thôn có điểm trường dành cho học sinh học. Toàn xã Hương Lâm có ba điểm trường tiểu học được đầu tư xây dựng, trong đó chỉ có điểm tại thôn Phúc Linh là được đưa vào sử dụng trong năm học này. Các điểm trường đều được xây theo chủ trương của Nhà nước về xóa phòng học tạm, giai đoạn 2008-2012 nhưng đến nay, điểm trường tiểu học ở thôn Nga Trại và điểm trung tâm tại Trường Tiểu học Hương Lâm 1 đang vướng mắc, do nhà thầu hết vốn nên đắp chiếu các công trình. Được biết, nguồn kinh phí để xây dựng các điểm trường này được lấy từ nguồn trái phiếu chính phủ (50%), còn lại vốn đối ứng của địa phương (50%). Chị N.T.V có con đang học lớp 4 tại thôn Nga Trại cho biết: “Các cháu nó còn bé học xa nhà vất vả lắm, nhiều đứa nhà không có điều kiện đưa đi đón về đành cho tập xe đạp và tự đi. Đã có trường hợp vì còn quá nhỏ không thể điều khiển được tay lái các cháu đã bị lao cả xe lẫn người xuống đầm”. Hiện cả thôn Nga Trại có khoảng 70 học sinh đang học lớp 4 và lớp 5.
Với điểm trường tại thôn Nga Trại, ngôi trường cấp I này được xây từ năm 2008 đến nay, với thiết kế ban đầu là 2 tầng, 4 phòng học. Nguồn vốn trái phiếu đầu tư cho mỗi phòng là 91 triệu đồng, phần còn lại do địa phương tự đóng góp. Nhưng đến thời điểm chúng tôi có mặt, trường chỉ xây được một tầng và đổ xong phần mái. Cọc sắt, cột bê tông vẫn chỏng trơ trước gió sương. Thậm chí, bên trong phòng học, người dân còn tận dụng làm chuồng nuôi ngựa. Xung quanh là những phòng học tạm của các em từ lớp 1-3. Còn học sinh lớp 4 và 5 vì phòng học không có nên các em phải về trường trung tâm tại thôn Đông Lâm, cách nhà 3-4 cây số để học. Cùng cảnh ngộ, điểm Trường Tiểu học Hương Lâm 1 cũng xây dựng dở rồi bỏ hoang. Ông Hoàng Minh Chiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Lâm 1 cho biết: “Công trình 4 phòng học này được dừng từ Tết Tân Mão tới giờ do hết tiền, ngoài phần từ Chính phủ (50%) nhân dân đã tự đóng góp được thêm 70 triệu đồng, nhưng so với giá vật liệu hiện nay tăng thì còn thiếu nhiều, chưa thể tiến hành xây dựng tiếp được”. Theo ông Chiến, hiện tại địa điểm chính của trường vẫn thiếu phòng học, nên các em phải chia làm hai ca. “Học hai ca sẽ rất vất vả cho các thầy cô giáo, một số hoạt động của trường trở nên phức tạp hơn. Nhưng khi học sinh tập trung về khu trung tâm, thì chất lượng có hiệu quả hơn”.
Khi chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân thì ông Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng thôn Nga Trại cho biết, chủ đầu tư công trình này là UBND xã Hương Lâm, thời điểm đó là ông Ngô Văn Cường làm Chủ tịch (hiện đã nghỉ). Do không tin tưởng vào chất lượng công trình, nên nhân dân không đóng góp phần đối ứng để xây dựng tiếp, mặc dù mỗi gia đình chỉ đóng 60.000 đồng (toàn thôn Nga Trại có 502 hộ với 2.386 nhân khẩu).
Nhà thầu xây trường “bỏ chạy”

Khi chúng tôi về xã Hương Lâm làm việc, chính quyền xã cũng rất bức xúc với vấn đề này. Ông Hoàng Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Hương Lâm cho rằng, với những điểm trường tiểu học còn dang dở là do nhà thầu “bỏ chạy” sau khi làm hết nguồn vốn Chính phủ hỗ trợ. Khi ông lên nắm quyền, có gọi điện cho nhà thầu thì lúc họ nói chỗ này, lúc lại nói chỗ kia, thậm chí họ còn thay cả sim điện thoại. Xã Hương Lâm cũng đã không dưới 5 lần gửi công văn yêu cầu về địa phương giải quyết nhưng họ không về, chỉ nhận được phúc đáp từ bưu điện rằng, địa chỉ này không có công ty tên như thế. Theo ông Lịch, tất cả những điểm trường của Trường Tiểu học Hương Lâm được xây dựng trước thời gian ông Lịch lên làm Chủ tịch xã. Các công trình được xây dựng theo hình thức đấu thầu, chứ không lấy nhà thầu tại địa phương. Chính vì thế, khi hết vốn các nhà thầu tự ý “bỏ cuộc” mà chính quyền xã không biết đâu mà lần. “Nhiều công ty trúng thầu cứ như công ty ma, lúc ẩn lúc hiện không biết đâu mà lần” – ông Lịch nói. 
Ông Lịch cũng cho biết, sau nhiều lần gửi công văn không thấy hồi âm từ bên B (phía thi công), xã đã quyết định thuê Ban quản lí dự án huyện Hiệp Hòa tính hộ khối lượng công việc đã làm, và khối lượng công việc sắp tới còn khoảng bao nhiêu để đơn phương chấm dứt hợp đồng. Xã đang thành lập Hội đồng thanh lí để sang tuần tới bắt đầu cho tiến hành xây dựng tiếp. Xã đã thuê phía huyện để họ tính khối lượng công việc và sẽ xong trong thời gian sớm.
Trong bốn cơ sở hiện tại chỉ có thôn Phúc Linh đã được hoàn thành, học sinh đã bắt đầu được học trường mới từ năm học 2011-2012. Tuy nhiên, xã vẫn chưa chính thức tiếp nhận bàn giao từ phía nhà thầu do còn một số hạng mục cần hoàn thiện.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

 

Trường mới “đắp chiếu”
Công trình Trường THCS Đường 9 mới ở phường 4, TP. Đông Hà, Quảng Trị được khởi công xây dựng tháng 10-2008, quy mô 2 tầng với mức kinh phí 2,7 tỉ đồng, đến ngày 30-9-2010 hoàn thành công trình.
Điều đáng nói, mặc dù đã hoàn thành cách đây một năm nhưng học trò và thầy cô Trường THCS Đường 9 vẫn chưa thể đến đây dạy và học. Nguyên nhân do trường được xây lên chỉ có 8 phòng học mà không có nhà hiệu bộ (nhà dành cho giáo viên), sân, hàng rào, nhà xe… Thầy Nguyễn Đức Toàn, Hiệu trưởng Trường THCS Đường 9 cho biết: “Công trình Trường THCS Đường 9 mới do Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng TP.Đông Hà bàn giao cho chúng tôi theo kiểu chìa khóa trao tay. Nhưng chúng tôi đã không thể nhận sử dụng được vì trường chỉ có 8 phòng học mà không có các hạng mục quan trọng khác phục vụ việc dạy và học”.
Theo lãnh đạo Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng TP.Đông Hà cho biết, một lý do khác khiến ngôi trường này đến nay không sử dụng được hết sức “đơn giản” như: vì nguồn điện của công trình chưa kéo được, vì nhà trường cách cột điện hơi xa. Trên thực tế, theo quan sát của chúng tôi, nơi có đường dây điện chạy ngang qua đến trường này chỉ khoảng 500 mét.
Trong khi trường mới đang nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” thì hàng ngày giáo viên và gần 250 học sinh Trường THCS Đường 9 vẫn phải học trong ngôi trường cũ xập xệ, xuống cấp với nỗi lo trường có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Ngôi trường này được xây từ năm 1992, từ năm 2002 trở về trước là Trường Mẫu giáo Phường 4 và Trường Tiểu học Kim Đồng. Qua gần 20 năm sử dụng, trường đã xuống cấp và hư hỏng nặng. Việc xây mới Trường THCS Đường 9 vì thế là niềm vui lớn của giáo viên, học sinh và người dân phường 4. Điều oái oăm, sau hoàn thành đến nay những người hưởng lợi đã không thể nhận sử dụng được công trình.
Vĩnh Yên

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)