Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường bỏ hoang, trò thiếu phòng học

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu phòng học, HS ở Trường TH Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) đang đứng trước nguy cơ học 3 ca/ngày

Đó là nghịch lý đang xảy ra ở một số địa phương của tỉnh Quảng Trị. Trong khi nhiều nơi trường xây xong không có học trò đành bỏ hoang tiền tỷ thì một số nơi trò quá đông đang đứng trước nguy cơ học 3 ca/ngày…
Trò thiếu phòng học
Cô Trần Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường TH thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) cho biết: “Mỗi năm học mới, số lượng HS vào càng tăng trong khi số phòng học lại không “nở” ra, nếu không kịp thời đầu tư cơi nới phòng học thì nhà trường phải đứng trước nguy cơ xóa trắng học 2 buổi/ngày, thậm chí phải tăng 3 ca/ngày mới có thể dạy hết các môn học cho HS là điều có thật”. 
Trường TH thị trấn Cửa Việt được đầu tư xây mới từ năm 2006 với quy mô 10 phòng học, tổng trị giá khoảng 2,3 tỷ đồng từ nguồn vốn của một tổ chức nước ngoài tài trợ. Năm 2008, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1. Năm học 2012-2013, toàn trường có 444 HS với 15 lớp. Thế nhưng chỉ có 20% HS được học 2 buổi/ ngày, số còn lại phải học 1 buổi. Trong khi đó, theo chuẩn của Bộ GD-ĐT, đối với trường tiểu học ít nhất có 50% HS học 2 buổi/ngày. Không đủ phòng học, nên đến đầu năm học mới này nhà trường mới bắt đầu triển khai dạy chương trình tiếng Anh tiểu học cho HS lớp 3. Theo cô Hằng, đây cũng là việc cực chẳng đã vì nếu không dạy thì HS thiệt thòi còn dạy thì không biết lấy đâu ra phòng học. Chương trình trên đã được nhà trường áp dụng suốt 2 năm nay, nhưng các em vẫn phải học 1 buổi/ ngày và tranh thủ thêm ngày thứ bảy. Ngoài ra, GV “chữa cháy” bằng cách cho các em photo sách về nhà để tranh thủ học thêm. “Các em thiệt thòi và GV cũng vô cùng vất vả, vì theo quy định mô hình Vnen học theo phương châm 2 không: Không đem về nhà, không ghi vào sách trong khi các em chỉ được học 1 buổi/ngày thì không thể học kịp chương trình”, cô Hằng khẳng định.
Một thiệt thòi nữa là trường không có phòng máy tính để HS thực hành. “Năm ngoái, đội tuyển HS giải toán qua mạng cấp tiểu học của trường được giải nhì. Thế nhưng để có được kết quả đó, nhiều thầy cô đã buộc phải tìm mọi cách, từ việc đưa HS ra quán net để hướng dẫn sử dụng máy tính, giải toán trên mạng cho đến đưa HS về nhà. Thậm chí có cô nhà ở tận thành phố Đông Hà, cách trường hơn 15 cây số đã đưa luôn HS về nhà ăn ở để tiện hướng dẫn các em làm quen máy tính”.
Không có phòng chức năng, không phòng học nghệ thuật, thiếu phòng học văn hóa khiến các em rất thiệt thòi. Mặt khác, nhà trường dù muốn cũng không đủ điều kiện để đưa trường lên đạt chuẩn cấp độ 2. Cô Hằng tính toán: “Hiện để đáp ứng nhu cầu HS cũng như phụ huynh nhà trường cần thêm 10 phòng học nữa mới đủ. Nhưng vấn đề kinh phí lại quá khó khăn, không biết kiếm nguồn nào. Nếu tình trạng này kéo dài thêm khoảng vài năm nữa, khi HS lớp 3 học tiếng Anh cứ tiếp nối thì tình trạng học 3 ca/ ngày là điều chắc chắn xảy ra”.
Không chỉ riêng Trường TH Cửa Việt, hàng trăm HS ở hàng chục bản làng thuộc hai miền núi Hướng Hóa, Đakrông của tỉnh này cũng đang trong tình trạng không có lớp học kiên cố, phải ngồi học trong những ngôi nhà tranh tre nứa lá tối tăm, thậm chí phải mặc áo mưa ngồi học vì nhà dột nát.
…Trường tiền tỷ xây xong để trống
Trái ngược với Trường TH Cửa Việt, Trường THCS Linh Thượng (xã Linh Thượng, huyện Gio Linh) lại thừa phòng học, thừa cả GV vì ở địa bàn này quá ít HS. Theo quan sát của chúng tôi, trường được xây dựng khang trang, có 2 cấp học tiểu học và THCS với tổng số 189 HS, trong đó khối 6 và 7 mỗi lớp chỉ trên dưới 10 HS; nhiều lớp chỉ có tầm 5 đến 7 HS ngồi lọt thỏm giữa những dãy bàn ghế thênh thang. Một GV nhà trường bộc bạch: “Số lượng HS ít ỏi dễ gây nên cảm giác chán nản cho các em”. Đó là chưa kể đến việc đầu tư xây dựng thiếu sự tính toán gây ra sự lãng phí không cần thiết.
Một ngôi trường tiểu học khác tại xã miền núi A Dơi thuộc huyện Hướng Hóa cũng đang trong tình trạng lãng phí tiền của. Đây là một trong những ngôi trường được xây dựng theo dự án đầu tư mô hình bố trí lại dân cư vùng biên giới do Chi cục Di dân phát triển vùng kinh tế mới nay là Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị làm chủ đầu tư. Được xây mới từ năm 2005 đến cuối năm 2007 thì hoàn thành, gồm 3 phòng học, khu nhà vệ sinh, sân chơi, cây xanh và hệ thống tường rào với kinh phí đầu tư trên 750 triệu đồng. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm hoàn thành thì trường vẫn trong tình trạng không hề tổ chức hoạt động dạy học nào. Qua thời gian mưa nắng, cỏ dại mọc um tùm, lấp kín hết cả lối đi. Bên cạnh đó, không có người bảo quản, hệ thống cửa chính, cửa sổ, gạch nền bị bong tróc, hư hỏng, trên tường chi chít những hình vẽ bậy của trẻ em… 
Sự lãng phí này chính là hậu quả của sự thiếu phối hợp giữa chính quyền với các ngành chức năng và nhà đầu tư. Thiết nghĩ, cần có sự khảo sát địa điểm xây dựng một cách thực tế nhất trước khi giải ngân vốn thì hẳn tình trạng nơi thừa trường, nơi thiếu lớp sẽ được cân bằng hợp lý. Đây là bài toán mà đáp án hoàn toàn thuộc về nhà quản lý giáo dục và ban ngành có trách nhiệm của tỉnh Quảng Trị.
Bài, ảnh: Phan Lệ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)