Một thực tế đáng báo động của việc tuyển sinh đầu vào thạc sĩ, tiến sĩ trong nước là ngày càng ít người nộp hồ sơ vào những trường ĐH lớn mà tập trung vào các cơ sở ngoài công lập.
Học viên sau đại học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Điều này thể hiện rõ qua trường hợp của ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM. Nhiều năm qua ĐH này liên tiếp không tuyển sinh đủ chỉ tiêu sau ĐH.
4 năm liên tiếp không tuyển đủ
Thống kê từ ĐH này cho thấy, từ năm 2012 số lượng thí sinh đăng ký dự thi sau ĐH giảm mạnh. Với hơn 10.000 TS đăng ký dự thi năm 2012, 2013, đến năm 2014 giảm xuống còn 6.706. Đáng chú ý, năm 2017 chỉ còn 2.912 TS dự thi, thấp hơn chỉ tiêu được giao là 400 người.
Hiện ĐHQG TP.HCM đang đào tạo 105 ngành thạc sĩ và 79 ngành tiến sĩ, với quy mô 1.108 nghiên cứu sinh và 7.152 học viên cao học. Tuy nhiên, theo thống kê từ ĐH này, giai đoạn 2012 – 2017 số thí sinh trúng tuyển trung bình chỉ đạt khoảng 85% so với chỉ tiêu cần tuyển.
Thống kê cũng cho thấy số lượng thí sinh dự tuyển các chương trình sau ĐH của ĐHQG TP.HCM, đặc biệt là trình độ thạc sĩ, có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, so với năm trước đó, năm 2013 giảm trên 500 người, năm 2014 giảm gần 3.500, năm 2015 giảm gần 2.000 và 2016 giảm gần 900. Tỷ lệ thạc sĩ tuyển được qua các năm ngày càng giảm xuống. Năm 2014 tuyển được trên 93%, năm 2015 còn 73% và năm 2016 trên 72%. Tỷ lệ thí sinh cao học trúng tuyển ở các đơn vị thành viên trong từng năm càng gây sốc. Chẳng hạn năm 2016 tỷ lệ này tại Trường ĐH Bách khoa chỉ đạt gần 67%, Trường ĐH Công nghệ thông tin là 57%, Trường ĐH KHXH-NV trên 62%…
Nhìn nhận sự sụt giảm này, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, nói: “Trong nội bộ các trường thành viên, xu hướng tăng giảm các ngành nghề cũng khác nhau. Dù chất lượng đào tạo các đơn vị như nhau nhưng các ngành kỹ thuật có xu hướng giảm mạnh người học, trong khi khối kinh tế, xã hội nhân văn vẫn tăng.
Quá nhiều cơ sở đào tạo
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa cho rằng thực trạng giảm mạnh đầu vào sau ĐH là xu hướng chung của nhiều trường ĐH công lập chứ không chỉ riêng ĐHQG TP.HCM.
Nguyên nhân thực trạng này được ĐHQG TP.HCM nêu ra là do tính cạnh tranh trong đào tạo sau ĐH tăng đáng kể. Điều này dẫn đến tỷ lệ thí sinh dự thi vào ĐHQG TP.HCM so với chỉ tiêu giảm khá mạnh. Từ năm 2010, số trường được đào tạo các chương trình sau ĐH tại VN đã tăng mạnh. Cả nước hiện có khoảng 140 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ và gần 180 đơn vị đào tạo trình độ thạc sĩ với quy mô 13.500 nghiên cứu sinh và 105.000 học viên cao học. Đáng lưu ý, chỉ tiêu tuyển sinh sau ĐH của các trường ngoài công lập không ngừng tăng lên mỗi năm.
Không chỉ tăng nhiều về số lượng, các ngành đào tạo còn có sự trùng lắp giữa các trường. Cụ thể, tỷ lệ trùng lắp ngành đào tạo giữa ĐHQG TP.HCM với các cơ sở đào tạo bên ngoài ở bậc thạc sĩ gần 48% và tiến sĩ trên 28%, trong đó có những ngành mức độ trùng lắp lên tới 100%.
Đầu vào khó nên ít người học ?
Một lãnh đạo ĐH này nhìn nhận: “Trong số các nguyên nhân được đưa ra thì không thể phủ nhận một khoảng chênh lệch trong xét tuyển đầu vào của các trường. Trong khi các trường công kiên quyết “giữ” chất lượng thì không ít chương trình lại thu hút đông người học nhờ sự dễ dãi. Ngay cả các chương trình trường nước ngoài đào tạo tại VN cũng chỉ xét tuyển, không cần thi và được “nợ” cả đầu vào tiếng Anh”.
Để thu hút người học tham gia các chương trình này, ĐHQG TP.HCM dự kiến sẽ cải tiến công tác tuyển sinh, trước mắt là mở rộng đối tượng và tăng tỷ lệ xét tuyển hồ sơ kết hợp phỏng vấn trực tiếp (thay vì dự thi đầu vào theo quy định).
Hiện ĐH này đã áp dụng việc xét tuyển với sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy loại giỏi (điểm trung bình tích lũy 8 trở lên) và các chương trình đặc biệt như: chất lượng cao Việt – Pháp, được kiểm định ABET, cử nhân – kỹ sư tài năng và chương trình tiên tiến.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa thông tin theo đề xuất cải tiến, ĐH này sẽ xét tuyển với các sinh viên tốt nghiệp ĐH từ các chương trình được công nhận kiểm định quốc tế hoặc khu vực nếu có điểm trung bình tích lũy từ 7 trở lên. Với sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy, văn bằng 2 từ các trường được công nhận kiểm định quốc tế hoặc khu vực cần đạt 7,5 điểm trở lên.
Phải cạnh tranh bằng chất lượng
Tôi không phản đối việc mở rộng đối tượng xét tuyển đầu vào sau ĐH mà ĐHQG TP.HCM dự kiến áp dụng vì điều này tạo cơ hội tối đa cho người học. Các trường ĐH công lớn có thể điều chỉnh điều kiện tuyển sinh đầu vào theo hướng linh hoạt hơn nhưng nhất định phải giữ thế mạnh của mình là chất lượng. Nếu buông lỏng chất lượng là thất bại. Các trường ĐH phải thực hiện sứ mệnh giữ vững chất lượng, định hướng phát triển cho các trường khác. Trong cương vị người tuyển dụng, bản thân tôi vẫn nhìn vào bằng cấp và khi xét hồ sơ vẫn ưu tiên hơn các ứng viên tốt nghiệp từ các ĐH lớn.
TS Vũ Thị Phương Anh (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN)
Mở rộng đầu vào chỉ hạ thấp chất lượng
Số lượng người theo học sau ĐH đang ngày càng giảm sút cho nhu cầu không còn nhiều như trước đây. Nếu chỉ mở rộng đối tượng tuyển sinh để thu hút người học sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ hạ thấp chất lượng đầu vào. Thực tế đứng lớp tôi đã nhận thấy điều này.
Thay vào đó điều cần làm là có những chính sách cấp học bổng, trả lương cho người giỏi theo học chương trình toàn thời gian. Đây là cách nhiều trường ĐH trên thế giới đã thực hiện để thu hút người giỏi của VN theo học.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (Nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
|
Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)