Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (Phường 8, TP.Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên; ĐT: 057. 822693 – 211762) đã đào tạo trên 10.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật (trong đó có trên 20 cán bộ kỹ thuật cho nước CHDCND Lào). Lực lượng cán bộ kỹ thuật trên đang công tác ở khắp mọi miền của đất nước, nhiều người trong số đó đã trở thành những cán bộ quản lý chủ chốt, chuyên gia giỏi…, thầy Trần Đắc Lạc – Hiệu trưởng Nhà trường phấn khởi chia sẻ với chúng tôi.
* Chào thầy! Thầy có thể cho biết về quá trình hình thành và phát triển của Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa
– Thầy Trần Đắc Lạc: Tiền thân là Trường Trung cấp Địa chất 2 thành lập 1/8/1978, đến năm 1991 đổi tên thành Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghiệp Tuy Hòa đào tạo đa ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực cho khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; năm 2005 nâng cấp thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa trực thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương). Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Trường đã phấn đấu không ngừng để đa dạng hóa và mở rộng qui mô đào tạo; từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, trở thành đơn vị đào tạo nhận được sự tin cậy của nhiều doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất…
* Hiện nay Trường có bao nhiêu loại hình và ngành nghề đào tạo?
– Hiện nay Trường đào tạo các hệ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề với các ngành học như: Công nghệ thông tin, Kế toán doanh nghiệp, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật điện, Công nghệ kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật trắc địa, Công nghệ hóa nhựa, Tài chính ngân hàng, Công nghệ tự động. Ngoài ra, Trường còn liên kết với các trường đại học đào tạo liên thông, tạo điều kiện cho HSSV của trường nâng cao năng lực chuyên môn.
* Cơ h?i việc làm và nh?ng đánh giá c?a các doanh nghiệp về “sản phẩm” đầu ra của Trường?
– Trung bình khoảng 80% học sinh ra trường có việc làm ngay và được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Đặc biệt một số ngành như Trắc địa, Địa chất, Cơ khí… có nhu cầu lớn hơn lượng đào tạo nên HSSV vừa tốt nghiệp có nhiều cơ hội chọn lựa.
* Việc nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn của đội ngũ giáo viên được Nhà trường thực hiện như thế nào?
– Ngay từ buổi đầu thành lập, Nhà trường đã chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên theo hướng đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên nâng cao trình độ, nghiệp vụ. Mỗi năm Trường đều dành chỉ tiêu 15-20 giáo viên học thạc sĩ và 2-3 giáo viên theo học nghiên cứu sinh gửi đến các trường đại học trong cả nước. Ngoài ra, Trường còn thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về nghiệp vụ sư phạm, tin học, tiếng Anh, trình độ chính trị…
* Được biết, Trường đang chuẩn bị kỉ niệm 30 năm ngày thành lập và triển khai đề án nâng cấp thành trường đại học?
– Trường tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm vào tháng 10 trên tinh thần tiết kiệm và trang trọng. Để chuẩn bị nâng cấp thành trường đại học, Trường chú trọng 3 vấn đề lớn: Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; Đầu tư mua sắm thiết bị hiện đại (mỗi năm khoảng từ 3 đến 5 tỉ); Xây dựng cơ sở vật chất, cụ thể là Nhà trường đang tiến hành thủ tục xây dựng cơ sở 2 trên khu đất rộng 13ha, được Bộ GD&ĐT duyệt với tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỉ đồng.
THANH TÀU (thực hiện)
Bình luận (0)