Thành lập từ năm 1964, với tên Trường Trung cấp kỹ thuật Phong Dinh. Ngày 15-2-2007 được nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề (CĐN) Cần Thơ. Qua 60 năm xây dựng và phát triển, dù mang những tên gọi khác nhau, nhưng với phương châm “Đổi mới – Hiệu quả – Chất lượng – Phát triển – Hội nhập” được các thế hệ thầy và trò của trường thực hiện, nơi đây luôn là chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội. CĐN Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 45 trường dạy nghề trọng điểm chất lượng cao của cả nước…
Hiệu trưởng Trang Vũ Phương (bìa trái) và Phó Hiệu trưởng Cao Thị Hồng Tho nhận giấy chứng nhận Trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDNN
Tại xưởng thực hành ô tô, Trường CĐN Cần Thơ, tiết dạy bài “Kỹ thuật tìm PAN và chẩn đoán ô tô” tại lớp 21.1 CNOT (công nghệ ô tô) của thầy Nguyễn Ngọc Thuận thật sinh động. Sau phần giảng dạy lý thuyết, thầy Thuận hướng dẫn sinh viên (SV) thực hành trên chiếc ô tô Marda 2 – số tự động, cùng các thiết bị hỗ trợ hiện đại như máy chẩn đoán G-Scan2; máy đo xung AVL 1400… Không khí học tập chan hòa, thân thiện nhưng vẫn đúng mực “thầy ra thầy – trò ra trò”. Tiết dạy kéo dài hơn quy định vì thầy Thuận muốn đảm bảo tất cả 15 SV đều nắm nội dung và thực hành được yêu cầu của bài.
Lễ bàn giao thiết bị tài trợ giáo dục của Công ty Daikin cho trường
Phương pháp giảng dạy tích hợp như trên được áp dụng phổ biến tại Trường CĐN Cần Thơ, đáp ứng chương trình đào tạo bậc CĐ: 30% lý thuyết; 70% thực hành… Kết thúc tiết dạy, lớp trưởng Nguyễn Hoàng Sơn nán lại để hướng dẫn một số bạn tiếp tục thực hành để nắm vững kỹ thuật sử dụng các thiết bị, tìm ra những hư hỏng của xe và phương pháp sửa chữa… Hoàng Sơn quê ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Tốt nghiệp THPT, Sơn trúng tuyển một số trường ĐH, sau 2 năm, hoàn thành nghĩa vụ trở về, bạn không học ĐH mà học ngành ô tô tại CĐN Cần Thơ. Sơn bộc bạch: “Em học ngành này vì yêu thích và cũng là ngành xã hội đang cần. Các thầy cô tận tình chỉ dạy, thương yêu SV. Cơ sở hạ tầng, thiết bị thực hành được cập nhật, đáp ứng những kỹ thuật mới của ngành ô tô. Hồi lớp em đi thực tập tại các công ty, 100% SV được các đơn vị đánh giá đạt loại khá”…
Thầy Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng khoa Động lực của trường cho biết: Khoa được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐ-TB&XH, chọn là cơ sở đào tạo nghề cấp độ quốc tế và được đầu tư kinh phí tăng cường trang thiết bị. Khoa có 4 giảng viên được đào tạo tại CHLB Đức. Khoa kết hợp CHLB Đức đào tạo lớp thí điểm về công nghệ ô tô theo giáo trình của Đức. Lớp có 16 SV, các bạn có trình độ Anh văn B1. Dù đang chờ thi tốt nghiệp nhưng tất cả đã được các công ty ở trong và ngoài nước “đặt hàng” tiếp nhận sau khi ra trường. Bên cạnh, 100% SV các lớp học với giáo trình Việt Nam cũng có việc làm sau khi tốt nghiệp, nhiều SV được cơ sở thu nhận trong thời gian đi thực tập. Hiện nhiều bạn đang đảm nhiệm chức vụ quản lý của chi nhánh các công ty ô tô tại ĐBSCL… Kỹ sư Nguyễn Văn Hoài Thanh, Trưởng phòng Dịch vụ Công ty CP Thương mại Dịch vụ Suzuki Tây Đô, chia sẻ: “Công ty có 28 nhân sự, trong đó 50% là SV Trường CĐN Cần Thơ. Các bạn có chuyên môn vững, tiếp cận nhanh công nghệ hiện đại; làm việc rất trách nhiệm. Đặc biệt kỹ năng mềm của các bạn, nhất là khả năng làm việc nhóm, rất tốt. Do vậy mỗi khi tuyển dụng thêm nhân sự, công ty luôn ưu tiên nhận SV trường”.
Thầy Nguyễn Ngọc Thuận (đeo kính) hướng dẫn sinh viên thực hành trên ô tô
CĐN Cần Thơ có 6 phòng, 8 khoa; 1 trung tâm với 117 cán bộ công chức; trong đó 86 giảng viên (75% giảng viên và cán bộ quản lý đạt trình độ sau ĐH). Trường đào tạo 14 nghề trình độ CĐ và 11 nghề trình độ trung cấp, lưu lượng gần 3.000 HS, SV. Ngoài ra, trường liên kết với các trường: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nha Trang, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đào tạo liên thông từ bậc CĐ lên ĐH; liên kết với Trường CĐ Kỹ thuật – Công nghệ Bách khoa đào tạo chính quy bậc trung cấp và CĐ. Tổng số SV đang theo học các chương trình liên kết là 606, trong đó 487 SV học chương trình liên thông ĐH.
Trường được UBND TP.Cần Thơ và Bộ LĐ-TB&XH quan tâm đầu tư hệ thống phòng học, nhà xưởng, thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề với quy mô 5.000 HS, SV. Từ năm 2020 đến nay trường có 3 nghề được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, là: Nghề CNOT, nghề điện công nghiệp, nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. CĐN Cần Thơ là trường đầu tiên của TP.Cần Thơ được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDNN.
Trường ký hợp tác với nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp, công ty lớn như: Toyota Ninh Kiều, Hyundai Tây Nam, Tập đoàn Daikin, Cơ điện lạnh Tây Nam; Thép Tây Đô; Vườn ươm công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc… để hợp tác đào tạo, huấn luyện giảng viên và SV; hỗ trợ thực hành thực tập và giới thiệu việc làm cho HSSV; liên kết với các công ty tuyển dụng lao động đi làm việc nước ngoài hoặc theo diện thực tập sinh (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đức…) cho HSSV đang học năm cuối hoặc tốt nghiệp CĐ. Chỉ tính năm 2022 và 2023, có 30 SV tốt nghiệp CĐ tham gia chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản.
Ban Giám hiệu và tập thể sư phạm Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ
Các chương trình, giáo trình giảng dạy tại các khoa luôn được cập nhật phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, góp phần để 99% HS, SV ra trường có việc làm, trong đó nhiều bạn tiếp tục học lên bậc cao hơn. Bạn Trần Trường Giang, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, đã trúng tuyển một số trường ĐH, nhưng chọn học Điện công nghiệp tại trường (lớp điện CN.K11). Tốt nghiệp, Giang làm việc ở Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam (chi nhánh Cần Thơ); và tiếp tục học liên thông ĐH ngành Điện công nghiệp tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Trường Giang vừa tốt nghiệp ĐH loại khá.
Ông Trang Vũ Phương – Hiệu trưởng Trường CĐN Cần Thơ cho biết: Thực hiện quyết định phát triển giai đoạn 2025-2030 thành trường dạy nghề trọng điểm chất lượng cao, với 9 ngành, nghề tiếp cận trình độ các nước ASEAN và các nước tiên tiến trên thế giới; CĐN Cần Thơ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực phát triển toàn diện. Mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước theo hướng đa dạng hóa các loại hình hợp tác, trong đó có đào tạo, đưa SV đi làm việc tại các nước để tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ cũng đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 8-2-2023 quy định chính sách hỗ trợ GDNN, việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Theo đó, TP sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trình độ từ sơ cấp, đến trung cấp, CĐ cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số và HS, SV theo học các ngành, nghề TP khuyến khích đào tạo.
Đan Phượng
Bình luận (0)