Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trường cao đẳng, trung cấp lo cạn nguồn tuyển

Tạp Chí Giáo Dục

Dịch Covid-19 kéo dài, các trường đại học dành phần lớn chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ… Những yếu tố này khiến các trường cao đẳng và trung cấp dự báo đây là năm tuyển sinh khó khăn nhất từ trước đến giờ.
Trường cao đẳng, trung cấp năm nay tuyển sinh thực sự khó khăn /// ẢNH: MỸ QUYÊN
Trường cao đẳng, trung cấp năm nay tuyển sinh thực sự khó khăn. ẢNH: MỸ QUYÊN
Tác động lớn từ phương án xét tuyển của trường ĐH
Dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm và diễn biến phức tạp tới thời điểm này đã tác động rất lớn đến các phương án xét tuyển của trường đại học (ĐH).
Hầu hết trường ĐH đều tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ để chủ động trong tuyển sinh, chỉ dành chưa đến một nửa cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT do kỳ thi này diễn ra chậm gần 2 tháng so với mọi năm. Điều đó có nghĩa nguồn tuyển dành cho trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) ngày càng thu hẹp.
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, lo lắng: “Đến thời điểm này nhiều trường ĐH đã công bố điểm trúng tuyển bằng phương thức học bạ, thí sinh (TS) chỉ cần đợi bổ sung giấy chứng nhận tốt nghiệp. Tâm lý đa số thích học ĐH và đậu ĐH hiện nay không quá khó thì còn mấy ai nghĩ đến việc vào học tại các bậc học thấp hơn. Nhiều trường CĐ, TC cũng đã nhận được số lượng hồ sơ kha khá, nhưng phần lớn là ảo”.
Theo tiến sĩ Lộc, năm nay dịch Covid-19 tác động lớn tới tuyển sinh của hệ thống giáo dục ĐH và nghề, trong đó, các trường CĐ, TC chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khiến việc tuyển sinh vô cùng khó khăn.
“Cách đây mấy năm muốn vào ĐH phải đạt điểm sàn, những TS dưới sàn được xem như là “dành cho trường nghề”. Nhưng càng ngày, việc trượt ĐH là khó xảy ra, trường nghề chỉ còn cách đợi ĐH tuyển xong mới “đến lượt”, tuy nhiên nguồn tuyển cũng không còn bao nhiêu”, ông Lộc nhìn nhận.
Thạc sĩ Nguyễn Tấn Thắng, Phó phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương TP.HCM, cũng cho rằng số TS ảo tại các trường CĐ sẽ rất cao nên không thể biết được nguồn tuyển của mình là bao nhiêu. “Chưa kể đến việc dịch Covid-19 khiến rất nhiều gia đình không còn đủ tiền cho con ăn học, TS có thể sẽ phải tạm gác lại chuyện học để đi làm, nguồn tuyển lại càng giảm. So với các năm trước thì năm nay là một năm mà tình hình tuyển sinh sẽ rất khó dự đoán”, thạc sĩ Thắng cho hay.
Đại diện một số trường CĐ cho biết thời gian qua gọi nhập học nhưng TS đến rất ít, do các TS còn đợi kết quả xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT từ trường ĐH.
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Quang Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, lo ngại thời gian xét tuyển năm nay trễ, khai giảng trễ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thạc sĩ Tuấn nêu vấn đề: “Các năm trước là tháng 9, năm nay chắc phải hết tháng 10 nếu như tình hình Covid-19 được kiểm soát. Trong trường hợp dịch vẫn căng thẳng, phải giãn cách xã hội, thì nguy cơ TS sẽ rơi rụng rất nhiều. Vì đăng ký xong mà không đi học ngay có khả năng sẽ khiến TS thay đổi, hủy nhập học”.
Trường trung cấp “trầy vi tróc vảy” tuyển sinh
Trường CĐ đã khó, trường TC năm nay còn khó khăn hơn rất nhiều. Nguồn tuyển của TC những năm gần đây phần lớn là học sinh tốt nghiệp THCS, còn tốt nghiệp THPT hầu như rất ít vì đa số đều đã có cơ hội học ĐH, CĐ.
Từ năm 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đề xuất thí điểm việc học sinh tốt nghiệp THCS có thể học lên CĐ, cho phép nhiều trường CĐ xây dựng chương trình để tuyển sinh đối tượng này. Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ 1.7.2020 cũng quy định học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể đăng ký học hệ CĐ chính quy với thời gian học nghề lẫn học các môn văn hóa là 4 năm. Vì thế, học sinh THCS không còn là nguồn tuyển riêng của trường TC nữa.
Thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP.HCM, cảm thán: “Các trường TC như vậy là không còn nguồn nào để tuyển nữa. 5 năm về trước trường chúng tôi năm nào cũng tuyển được hơn 1.000 TS nhưng giờ chỉ còn được khoảng 400 – 500. Để tuyển được số lượng trên cũng phải tìm đủ mọi cách “trầy vi tróc vảy” chứ không hề dễ dàng. Tình hình dịch bệnh thế này, tuyển được TS nào thì lại lo các TS thay đổi kế hoạch sau khi hết dịch. Nhiều gia đình kinh tế kiệt quệ, cho con đi học TC thôi có khi cũng sẽ phải đắn đo. Năm nay nguy cơ nhiều trường TC không có người học”.
Ông Sáng cho rằng các trường nghề chỉ còn trông đợi vào việc thay đổi nhận thức, tâm lý của phụ huynh và học sinh. Theo đó, nếu phụ huynh nhìn ra lợi thế của việc học TC và CĐ với thời gian chỉ mất 2 – 3 năm, chi phí thấp, nhu cầu việc làm cao, lại nhanh chóng gia nhập thị trường lao động, thì dần dần sẽ định hướng con em theo học.
Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường TC Việt Giao, cho biết trường vừa tổ chức khai giảng đợt 2 cho học sinh tốt nghiệp THCS không dự thi tuyển sinh lớp 10. “Không còn cách nào khác là các trường phải tạo được lòng tin ở phụ huynh và học sinh, đào tạo chất lượng để học xong là có thể làm việc ngay”, ông Trần Phương nêu quan điểm.
Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)