Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ: Vì sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long

Tạp Chí Giáo Dục

Hướng dẫn SV lập trình trên máy tiện CNC
Tiền thân là Trường Cơ khí Nông nghiệp II TW (thành lập ngày 26-4-1969) tại Vĩnh Phú; đến tháng 7-1997, đổi tên thành Trường Dạy nghề NN&PTNT Nam Bộ, cơ sở đặt tại phường Phước Thới, quận Ô Môn (Cần Thơ); sau đó đổi thành Trường Trung học Cơ điện và Kỹ thuật nông nghiệp Nam Bộ. Từ tháng 11-2008 đến nay, được nâng cấp thành Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ có phạm vi tuyển sinh toàn quốc.
1. Tốt nghiệp THPT, Nguyễn Trường Thọ (ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) theo học hệ TCCN ngành trồng trọt tại Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ. Ra trường, Thọ được Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang nhận vào làm việc. Hiện em đang phấn đấu học lên CĐ.
Thọ chia sẻ: “Trường đào tạo rất sát thực tế, qua làm việc em thấy 70% kiến thức học trong trường đều ứng dụng vào thực tiễn”. Thọ cho biết thêm, lớp của em có 39 học sinh (HS), ra trường đều có việc làm đúng chuyên môn.
“Trường em” là từ mà chúng tôi thường nghe các em HS sinh viên (SV) nói về Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ. Lê Thị Kim Ngân, SV lớp CĐ kế toán doanh nghiệp K4 (nhà ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), cho biết lý do em chọn học ở trường: “Vì thấy hầu hết các anh chị khóa trước ra trường đều tìm được việc làm. Ở trường, thầy cô rất quan tâm đến HSSV. Luôn ân cần giảng bài lại khi chúng em chưa hiểu. Một số thầy cô còn photo tài liệu học tập để phát cho chúng em…”.
Trong khi ngành nông nghiệp ở nhiều trường rất khó tuyển sinh thì các chuyên ngành nông nghiệp của Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ hàng năm đều đạt chỉ tiêu. Không kể những lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân, người lao động trong khu vực, mỗi năm có hơn 1.200 HSSV hệ chính quy thuộc các ngành học tốt nghiệp; trong đó, theo số liệu thống kê của trường: Hơn 85% có việc làm đúng ngành nghề, riêng Khoa Xe máy – Thiết bị 99% có việc làm, nhiều em được các công ty thu nhận từ khi học năm cuối.
2. Thành quả trên là tổng hợp của nhiều nỗ lực: Nhà trường có hệ thống phòng học lý thuyết, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thư viện, các trang thiết bị thực tập hiện đại; sân bóng đá, bóng chuyền, ký túc xá… đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và sinh hoạt của HSSV. Với sự đầu tư của Bộ NN&PTNT, trường được trang bị những phương tiện hiện đại, chẳng hạn như máy tiện, máy phay CNC sản xuất tại Đức. Theo đó, người sử dụng cho mẫu vẽ chi tiết cần sản xuất, máy tính lập trình rồi chuyển xuống máy tiện hoặc máy phay. Máy sẽ sản xuất hàng loạt với sự chính xác, đồng bộ. Thạc sĩ Đoàn Ngọc Thủy, giảng viên Khoa Cơ khí chế tạo, trao đổi: “Máy giúp gia công, sản xuất các chi tiết phức tạp vốn không thể hoặc rất khó làm bằng tay. Thí dụ các chi tiết vật thể 3D như cầu lồi, cầu lõm; các bề mặt vát nghiêng phức tạp. Giảm vất vả cho người thợ và giúp việc gia công đạt hiệu quả cao”.

SV lớp CĐ công nghệ kỹ thuật ô tôđang thực hành

Hiện nay hơn 50% trong tổng số 155 cán bộ, giảng viên của trường có trình độ sau ĐH, trong đó có 3 tiến sĩ, 3 nghiên cứu sinh, 49 thạc sĩ, 22 người đang học cao học… Đội ngũ giảng viên luôn tích cực cải tiến nội dung bài giảng, phương pháp dạy trên quan điểm coi trọng năng lực, tư duy, phương pháp luận, và gắn lý thuyết với thực tiễn. Chẳng hạn ở ngành trồng trọt – bảo vệ thực vật, tiến sĩ Kiều Thị Ngọc (giảng viên của Khoa Nông nghiệp) cho biết: “Về sản xuất lúa, những nơi khí hậu 4 mùa thì sản xuất giới hạn nhưng đồng bằng sông Cửu Long có thể xuống giống bất cứ thời điểm nào trong năm. Nhưng nếu sản xuất liên tục thì tạo điều kiện để rầy nâu sinh sôi; do vậy nông dân phải tập trung trồng theo mùa vụ để tạo những thời điểm trên đồng không có lúa, rầy không thể phát triển thành dịch…”. Tại Khoa Xe máy – Thiết bị, đội ngũ giảng viên nghiên cứu làm nhiều học cụ, tranh vẽ, gia công chế tạo một giàn khoan bằng máy nổ, làm nhiều mô hình như: Hệ thống xử lý nước cấp thoát nước nông thôn đô thị, hệ thống phun xăng điện tử ô tô thế hệ mới EFI…; trong đó có 4 mô hình đạt giải tại các hội thi thiết bị tự làm toàn quốc tổ chức ở Hà Nội và tỉnh Đồng Nai. Hệ thống học cụ này góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo.
Nhà trường luôn quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến đóng góp của họ để góp phần bổ sung giáo trình đào tạo, giúp HSSV có nơi thực tập. Đặc biệt, nhà trường luôn đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học của thầy và trò. Nhiều công trình đã ứng dụng vào thực tế, chẳng hạn đề tài Tuyển chọn và phát triển giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu một số sâu bệnh hại chính cho vùng lúa – tôm tỉnh Bạc Liêu của tiến sĩ Kiều Thị Ngọc. Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng Khoa học – Hợp tác quốc tế, cho biết ngoài luận án tiến sĩ Nghiên cứu và phân lập các hợp chất có tính đối kháng thực vật của 6 loài cỏ dại tại Việt Nam được Trường ĐH Ehime (Nhật Bản, nơi cô Ngọc làm luận án tiến sĩ) trao huy chương vàng, đã triển khai ra thị trường với những dòng thuốc trừ côn trùng, cỏ dại sản xuất từ vật liệu thiên nhiên, không ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng, thì công trình Khảo sát đặc tính nông học 9 giống lúa Japonica – sản xuất ra hạt gạo chất lượng cao được người dân Nhật Bản và nhiều nước yêu thích – hứa hẹn mở ra một hướng sản xuất mới, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu… Tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.Cần Thơ năm 2013, Nguyễn Minh Sang (SV lớp CĐ công nghệ – kỹ thuật ô tô, K3) đã đạt giải nhất với giải pháp Khóa cửa điện tử chống trộm. Theo đó, khóa được điều khiển từ xa bằng điện thoại di động. Minh Sang tự tin: “Để mở khóa phải sử dụng sóng điều khiển bộ phận điện tử nên kẻ trộm không thể mở được. Em đã làm hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ TP.HCM xin cấp bằng sáng chế. Hiện có một số doanh nghiệp đã liên lạc đề nghị em hợp tác để sản xuất thiết bị này”.
3. Với hiệu quả nhiều mặt trong đào tạo và góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực, vị thế và uy tín của Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ ngày càng nâng cao. Quy mô tuyển sinh của trường không ngừng tăng, từ 2.500 HSSV (năm 2008) lên 4.500 HSSV (năm 2013). Hiện trường đang đào tạo 4 hệ, gồm: 5 ngành bậc CĐ, 9 ngành bậc TCCN, 14 nghề bậc TC nghề, 5 ngành bậc CĐ nghề thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, công nghệ kỹ thuật ô tô, bảo trì và sửa chữa thiết bị cơ khí, sửa chữa – lắp ráp máy tính, quản trị mạng máy tính, kế toán doanh nghiệp… Trường còn liên kết với ĐH Cần Thơ, ĐH Nha Trang đào tạo liên thông lên ĐH…
Trong thời gian tới, theo thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng nhà trường: “Nhà trường tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, trong đó tập trung cải tiến chương trình đào tạo, tiến tới mua chương trình tiên tiến của nước ngoài; quá trình đào tạo sẽ giảm tối đa kiến thức hàn lâm mà tập trung khâu thực hành để HSSV trở thành người thợ giỏi – nguồn nhân lực mà nước ta đang rất cần”.
Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)