12 doanh nghiệp đã tham gia Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp” do Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM tổ chức, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực |
Thúc đẩy hợp tác đào tạo với doanh nghiệp để người học sau khi ra trường có thể đáp ứng ngay công việc mà không phải qua khâu “đào tạo lại” đang là hướng đi nhiều nỗ lực của Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM. Sinh viên sẽ không còn quá áp lực khi bước vào thị trường lao động dù mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Hiện, bộ phận quan hệ doanh nghiệp vừa thành lập của trường đã kết nối trên 70 doanh nghiệp, trường học khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận, trong đó chính thức ký hợp tác đào tạo với 13 nơi.
Hướng đi tất yếu
Thời gian qua, một bộ phận rất lớn sinh viên nước ta bị doanh nghiệp “chê”, không hào hứng tuyển dụng do yếu kỹ năng, ngoại ngữ, đặc biệt là thiếu trải nghiệm thực tiễn mặc dù kiến thức chuyên môn, lý thuyết nắm khá vững. Những điều doanh nghiệp mong đợi, phần lớn các sinh viên chưa chạm tới được. Chính vì vậy, lượng tốt nghiệp nhiều, nguồn việc vẫn có nhưng người học ra lại… bơ vơ.
Ở góc độ đào tạo, có thể thấy việc kết nối doanh nghiệp với các trường thời gian qua dù đã được chú ý nhưng chưa thật sự phát huy hiệu quả mong đợi. Thời gian tới, hoạt động này nếu chặt chẽ và đi vào chiều sâu hơn nữa sẽ mở cho người học cánh cửa vào đời vững chắc.
Kinh nghiệm từ Trường ITE – Institude of Technical Education (Singapore) – nơi đang được 80% các doanh nghiệp tại đất nước này tin tưởng, hài lòng về chất lượng sản phẩm đào tạo cho thấy hai vấn đề chính cần tập trung đẩy mạnh chính là điều chỉnh chương trình đào tạo theo ý kiến đóng góp của doanh nghiệp để chuẩn đầu ra sát với yêu cầu xã hội. Đồng thời, tiến hành giảng dạy dựa trên mô phỏng mô hình làm việc thực tế của doanh nghiệp để người học không “bỡ ngỡ” khi thực tập, kiến tập hoặc tham gia công việc về sau.
Giảng viên nhà trường tham quan thực tế tại doanh nghiệp |
Trong điều kiện các trường không thể “độc hành” trong đào tạo như hiện nay, hướng đi tương tự cũng đã và sẽ được Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM tiếp tục lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo. Bởi nhà trường nhận thức rõ, sản phẩm đào tạo không được doanh nghiệp đón nhận thì chính cơ sở đào tạo sẽ mất chỗ đứng trong hệ thống giáo dục hiện nay.
Kết nối trên 70 doanh nghiệp
Trong năm qua, bộ phận quan hệ doanh nghiệp vừa thành lập của trường đã kết nối trên 70 doanh nghiệp, trường học khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận, trong đó chính thức ký hợp tác đào tạo với 13 nơi. Trường xây dựng mới 3 mã ngành (CĐ 2, TCCN 1) và hiệu chỉnh 6 chương trình giáo dục (CĐ 4, TCCN 2); đưa HS-SV kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp; mời các chuyên gia, lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm tại các doanh nghiệp tham gia Hội đồng khoa học tại cả 7 khoa để góp ý, đề xuất các quy trình giảng dạy, quy trình làm việc phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, trường thí điểm mời doanh nghiệp giảng dạy một số học phần theo chương trình đào tạo chính khóa tại các khoa: Công nghệ thông tin, CNKT Cơ khí, CTKD, TC-KT. Trường còn triển khai cho 131 cán bộ, giảng viên tham quan, học tập thực tế tại 15 doanh nghiệp.
Đặc biệt, trường cũng đã tổ chức thành công hội thảo khoa học cấp thành phố chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp” thu hút 12 doanh nghiệp tham gia, đóng góp 27 ý kiến thiết thực. Không chỉ nhà trường mà từng khoa chuyên ngành đã bước đầu chủ động hợp tác doanh nghiệp trong nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất cho doanh nghiệp và tiến tới chuyển giao công nghệ đã nghiên cứu.
Sinh viên ngành ô tô của trường tham gia học tập tại doanh nghiệp |
Nỗ lực hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo của nhà trường với sự đồng lòng của Ban Giám hiệu, cán bộ, giảng viên, nhân viên và cả cựu HS-SV đang giữ vị trí quản lý tại một số doanh nghiệp đã đem lại những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Chất lượng đào tạo của nhà trường đã tạo được lòng tin trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn đã hào hứng hợp tác với trường. Điển hình năm học 2014-2015, Công ty cổ phần Đại Đồng Tiến, Công ty cổ phần Viễn thông FPT và Trung tâm Điện thoại SPT đã chủ động phối hợp với trường tổ chức phỏng vấn, tuyển dụng, đặt hàng nhà trường 180 vị trí việc làm cho HS-SV.
Dù vậy, trường còn gặp một số khó khăn chung như kinh phí hoạt động cho mảng này còn hạn chế; thiếu văn bản pháp lý quy định cụ thể về quan hệ, hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp… Trong thời gian tới, trường sẽ thúc đẩy, củng cố bộ phận quan hệ doanh nghiệp đủ mạnh để duy trì, mở rộng kết nối doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng HS-SV thực tập, kiến tập và lao động hàng năm. Đồng thời, chú ý cân bằng lợi ích cho phía doanh nghiệp để họ có động lực và ngày càng “mặn mà” trong hợp tác đào tạo.
T.T
Bình luận (0)