Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM xây dựng cơ sở 2 lớn gấp đôi cơ sở 1

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2020, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM đã được UBND TP.HCM đầu tư 200 tỷ đồng khởi công xây dựng cơ sở 2 với diện tích 4,6 ha tại huyện Nhà Bè (gấp đôi cơ sở 1 tại Q.6) dự kiến tháng 9, 10 cơ bản hoàn thành. Trường định hướng sẽ dành cơ sở này đào tạo thực hành, kỹ năng cho sinh viên.


TS. Phạm Đức Khiêm (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM) phát biểu tại hội nghị

Thông tin trên được TS. Phạm Đức Khiêm (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM ) cho biết tại hội nghị tư vấn tuyển sinh năm 2021 do trường tổ chức ngày 17-4 với sự tham gia của hơn 400 hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên các trường THCS và đại diện một số phòng GD-ĐT khu vực TP.HCM.

Cơ sở mới của trường hứa hẹn sẽ đem đến không gian học tập hiện đại cho hơn 5.000 học sinh, sinh viên. TS. Phạm Đức Khiêm cho hay, là trường CĐ công lập trọng điểm của TP.HCM, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM đào tạo 2 khối ngành kinh tế và kỹ thuật ở 2 trình độ CĐ, TC. Trường không ngừng phát triển về ngành, nghề, quy mô đào tạo; chú trọng phát triển ngành nghề mới; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy học tập; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên nhằm tiếp cận và tích lũy kinh nghiệm giảng dạy đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội theo xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện trường có 21 ngành đào tạo trình độ CĐ, 14 ngành bậc TC và 13 nghề đào tạo sơ cấp. Quy mô tuyển sinh hằng năm là 2.910 học sinh, sinh viên; trong đó, CĐ 1.385 sinh viên, TC 920 học sinh, sơ cấp 600 học viên.


ThS. Phan Văn Thanh Cần (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM) trả lời một số thắc mắc của giáo viên

Tháng 12-2020, trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với mức đạt 93/100 tiêu chuẩn. Trường cũng được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chọn 5 ngành trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, gồm: Công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện công nghiệp và dân dụng, quản trị mạng máy tính.

Về cơ hội liên thông từ TC lên CĐ, theo TS. Khiêm, từ tháng 10-2020, trường tổ chức tuyển sinh, đào tạo liên thông trình độ TC lên CĐ cho 11 ngành nghề. Riêng liên thông từ CĐ lên ĐH, trường ưu tiên liên thông với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức tuyển sinh, đào tạo khối ngành kỹ thuật – công nghệ; với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển sinh đào tạo khối ngành kinh tế – dịch vụ, thời gian đào tạo 1,5 năm.

Đối với vấn đề việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, hiện trường ký kết với trên dưới 100 doanh nghiệp để người học đến thực tập. Đặc biệt, 2 năm nay, trường ký kết với 5 đơn vị doanh nghiệp tại Nhật Bản để giải quyết vấn đề đầu ra cho người học khi có nhu cầu làm việc tại nước ngoài.


Giáo viên một trường THCS đặt câu hỏi với lãnh đạo Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM

Trong khuôn khổ ngày hội, đại diện các trường THCS đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến học phí, điều kiện tuyển sinh, chính sách hỗ trợ người học, vấn đề học văn hóa khi học nghề… đối với lãnh đạo Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM. Trong đó, một giáo viên thuộc Trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh) hỏi việc học các nội dung chuyên ngành trong chương trình đào tạo và việc học các môn văn hóa được thực hiện như thế nào, đan xen hay tách biệt. ThS. Phan Văn Thanh Cần (Phó hiệu trưởng nhà trường) thông tin, đối với con em khi học hệ TC, phụ huynh thường hay băn khoăn rằng từ năm 2017 đến nay khi chuyển sang thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thời gian học TC được thu gọn lại. Khi đó, người tốt nghiệp TC ra mới chỉ 17 tuổi, có phần chưa đủ “cứng cáp”. Vì vậy, đa số phụ huynh có con trúng tuyển TC tại trường bày tỏ nguyện vọng cho con em học thêm phần kiến thức văn hóa. Hai năm nay, trường phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Quận 11 tổ chức dạy văn hóa cho học sinh có nguyện vọng học liên thông lên CĐ, ĐH. Hiện nay, việc học văn hóa tại trường rất linh hoạt để người học có động lực học tập. Học văn hóa hiện nay vào thứ tư và thứ 7 đan xen với chương trình giáo dục nghề nghiệp của trường.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)