Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường CĐ Kinh tế TP.HCM: Cái nôi đào tạo “thợ” lành nghề

Tạp Chí Giáo Dục

ThS. Nguyễn Thanh Ký trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên của trường

Ngày 15-9-2009, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM tròn 20 năm xây dựng và phát triển. 20 năm qua, từ một trường trung học với vài trăm học sinh đến nay quy mô đào tạo của trường đã tăng lên gấp 10 lần. Đặc biệt những người được đào tạo ở đây khi ra trường đều là những thợ giỏi, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng…
Cách đây 20 năm, Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM được thành lập trên cơ sở hợp nhất 4 trường là Trung học Tài chính, Trung học Kế hoạch, Trung học Thương nghiệp và Trung học Lao động tiền lương với tên gọi là Trường Trung học Kinh tế TP.HCM. Những năm đầu mới thành lập, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa thích nghi với môi trường làm việc mới, nhiều người có tư tưởng cục bộ. Về cơ sở vật chất thì nghèo nàn và thiếu thốn. Đặc biệt, chương trình đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu xã hội, do đó công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn. Hầu như không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu, mỗi năm toàn trường chỉ có 800 học sinh.
“Trước tình hình đó, cấp ủy, Ban giám hiệu xác định muốn đưa trường phát triển không còn con đường nào khác là phải ổn định tư tưởng, nâng cao chất lượng đào tạo”, ThS. Nguyễn Thanh Ký – Hiệu trưởng nhà trường nhớ lại.
Theo đó, vào những năm đầu thập niên 90, nhà trường đã tập trung trí tuệ của đội ngũ giáo viên để đổi mới nội dung chương trình đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. Khoa tài chính đã đổi mới chuyên ngành kế toán công thương, kế toán hành chính sự nghiệp, xây dựng thêm các chuyên ngành tin học kế toán, nghiệp vụ thuế. Còn khoa quản trị kinh doanh xây dựng mới chuyên ngành quản trị kinh doanh. Trong khi đó khoa thương mại du lịch đổi mới chuyên ngành kinh doanh thương nghiệp, xây dựng mới chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch, tiếp tân – khách sạn – nhà hàng, nghiệp vụ kinh tế ngoại thương… Ngày 3-2-2005 Bộ GD-ĐT đã ra quyết định nâng cấp trường từ Trung học Kinh tế thành Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM. Và kể từ đó, nhà trường đã xây dựng hoàn chỉnh nội dung chương trình 9 chuyên ngành đào tạo đối với bậc trung cấp và 4 ngành đào tạo ở bậc cao đẳng đúng với quy định của Bộ GD-ĐT và đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Song song với việc hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo là sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng đội ngũ giáo viên. Từ chỗ có nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn, đến nay 100% đã đạt và vượt chuẩn. Trong đó có khoảng 35% giáo viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Đội ngũ giáo viên cũng tích cực tham gia hội giảng cấp thành phố, quốc gia và gặt hái được nhiều giải thưởng về cho nhà trường.
Không chỉ quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cải cách nội dung chương trình giảng dạy, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM còn đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất. Những năm mới thành lập, toàn trường chỉ có vài ba bộ máy vi tính nhưng đến nay đã tăng lên 5 phòng với gần 300 bộ. Cách đây 7 năm (năm học 2003-2004), nhà trường mới xây dựng 1 phòng dạy mẫu với đủ trang thiết bị hiện đại thì nay đã có 90% phòng học đạt chuẩn này. Nhà trường cũng luôn quan tâm đến sự phát triển của thư viện, bởi đây là nơi giúp giảng viên, HSSV có điều kiện nghiên cứu phục vụ quá trình dạy và học.
“Tất cả những hoạt động trên đây đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng tốt phục vụ yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của thành phố nói riêng và cả nước nói chung”, ThS. Ký khẳng định.
Quả đúng như vậy, tính đến thời điểm này, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM đã cung cấp cho cả nước, đặc biệt là TP.HCM khoảng 25 ngàn lao động có tay nghề. Khoảng 75% HSSV ra trường hàng năm được các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao. Nhiều người trong số đó đang giữ những vị trí quan trọng ở các cơ quan, đơn vị…
Thùy Minh

Bình luận (0)