Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM: Rút ngắn thời gian đào tạo với mô hình 9+4

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bà Thềm Kim Hồng Thủy đến trường đăng ký cho con học chương trình 9+4 (ảnh chụp ngày 21-8)

Năm học 2015-2016, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM thực hiện thí điểm mô hình đào tạo nghề 9+4. Đây là trường duy nhất trong cả nước thực hiện thí điểm mô hình này và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh và học sinh (HS).

Giáo dục TP.HCM ghi nhận một số ý kiến xung quanh mô hình này.

TS. Phạm Hữu Lộc (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM): Vừa học CĐ nghề, vừa học văn hóa THPT

Mô hình 9+4 đã được Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho phép đào tạo thí điểm. Chỉ tiêu của mô hình này là 660 HS, hiện nhà trường đã tuyển được hơn 500 HS (giữa tháng 10 mới hết thời hạn nhận hồ sơ – PV). Đối tượng tuyển sinh là HS tốt nghiệp THCS, kể cả HS đang học THPT nhưng cảm thấy không đủ năng lực tiếp tục học chương trình văn hóa ở trường phổ thông vẫn được tham gia. Sau 4 năm học mô hình 9+4, các em được cấp bằng CĐ nghề. Cụ thể, quá trình đào tạo gồm 2 giai đoạn: HS tốt nghiệp THCS học 3 năm (mô hình 9+3) được cấp bằng TC nghề; giai đoạn 2 các em sẽ học chuyển tiếp 1 năm (mô hình 9+4) lên trình độ CĐ nghề. Nếu muốn có bằng ĐH, các em sẽ học chuyển tiếp thêm 1,5 năm nữa. Như vậy, chỉ mất 5,5 năm là các em có thể có bằng ĐH, trong khi đó nếu học THPT (3 năm) và thêm 4 năm học ĐH, các em sẽ học ít nhất 7 năm mới có bằng cử nhân, kỹ sư.

TS. Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng nhà trường

Mô hình 9+4 đào tạo 10 nghề, trong đó có những nghề trọng điểm như điện – điện tử, cơ khí, CNTT… Nhà trường đã có đội ngũ giáo viên chuyên môn sâu, dày dạn kinh nghiệm. Tuy nhiên, để hiểu hơn về tâm lý lứa tuổi sau THCS, nhà trường đã tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng tâm lý sư phạm cho giáo viên. Ngoài ra, nhà trường cũng kỹ càng trong việc xây dựng chương trình văn hóa xen kẽ chương trình học nghề phù hợp để HS cảm thấy không bị áp lực mà ngược lại thích thú hơn.

Bà Thềm Kim Hồng Thủy (phụ huynh em Nguyễn Văn Tẩn, đăng ký học ngành điện tử viễn thông của Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM): Có nhiều điểm ưu việt

Con tôi rớt lớp 10 công lập, gia đình rất buồn, tính toán mãi chưa biết cho cháu học tiếp ở đâu thì may mắn biết được thông tin Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM mới mở mô hình đào tạo thí điểm 9+4. Tôi thấy mô hình này có nhiều điểm ưu việt hơn những mô hình khác, đặc biệt là việc rút ngắn thời gian học. Sau 4 năm học ở trường, cháu vừa hoàn thành chương trình văn hóa THPT lại vừa có bằng kỹ sư thực hành nghề để tham gia thị trường lao động. Bây giờ cháu mới 15 tuổi, như vậy 19 tuổi cháu đã có nghề nghiệp vững chắc để đi làm hoặc liên thông lên ĐH. Trong khi đó, nếu học chương trình THPT và học tiếp CĐ cháu phải mất 6 năm, tức là 21 tuổi cháu mới có thể đi làm. Trong thời gian đó, cháu còn phải trải qua các đợt thi cử, xét tuyển khá phức tạp mà khả năng học văn hóa của cháu lại hạn chế. Đó là chưa kể trong quá trình học, những HS sau THCS đều được miễn học phí khi học nghề…

Minh Châu

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)