Với việc Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ điểm sàn ĐH trong kỳ tuyển sinh sắp tới, các trường CĐ lo ngại nguồn tuyển của mình bị thu hẹp do ĐH sẽ “hút” hết thí sinh.
Sinh viên khối ngành sức khỏe của Trường CĐ Bách Việt trong giờ thực hành |
Khâu tuyển sinh năm 2017 tách rõ, các trường CĐ, CĐ nghề… sẽ theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH; trường ĐH theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thế nhưng việc Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ điểm sàn ĐH lại đang tác động đến chính các trường CĐ.
Đuối với điểm sàn…
Bỏ điểm sàn ĐH, không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển cùng với việc có thể rút ngắn thời gian đào tạo ĐH xuống tối thiểu còn 3 năm (tương đương với thời gian đào tạo CĐ hiện nay) theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Chính phủ phê duyệt… Đây là 3 trong nhiều yếu tố được TS. Trần Mạnh Thành (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt) cho là sẽ gây khó khăn lớn cho công tác tuyển sinh của các trường CĐ trong thời gian tới, mặc dù dự thảo về tuyển sinh ĐH do Bộ GD-ĐT ban hành đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp. “Với những điều kiện như thế, dĩ nhiên người học sẽ chọn ĐH thay vì CĐ”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Hoàng Chương (Giám đốc đào tạo Trường CĐ nghề Hoa Sen) chỉ ra thêm, vốn dĩ tâm lý người học đã rất chuộng ĐH từ xưa đến nay, rất khó thay đổi. Nay cửa vào ĐH càng rộng mở hơn chắc chắn CĐ, hệ nghề sẽ ngày càng bị thu hẹp nguồn tuyển.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Tiến (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex TP.HCM) nhìn nhận, mặc dù trong cơ cấu nhu cầu lao động xã hội, trình độ ĐH chiếm 10-13% và 50% trình độ CĐ-TC nhưng có đến 90% người học có nguyện vọng học ĐH. Với tâm lý chuộng ĐH, khi bỏ điểm sàn ĐH, người học sẽ càng dồn vào bậc đào tạo này, dẫn đến mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực. Ông Tiến cho rằng, nếu đã bỏ áp dụng điểm sàn ĐH thì cũng không nên quy định điểm sàn CĐ. Qua khảo sát của nhà trường, chất lượng học tập của khóa sinh viên trúng tuyển bằng học bạ năm 2015 (không căn cứ theo điểm sàn) không thua kém các em trúng tuyển thông qua kết quả thi THPT quốc gia.
“Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp sẽ tăng hơn nếu Bộ GD-ĐT “nới lỏng” chuẩn đầu vào bậc ĐH, đồng thời chỉ tiêu ĐH ngày càng lớn. Đến một lúc nào đó, người lao động sẽ không “mặn” lao động tay chân, không học CĐ nữa thay vào đó sẽ đi học ĐH hết. Điều này dẫn đến mất cân đối nguồn nhân lực, bất ổn xã hội, ThS. Nguyễn Đăng Lý nhấn mạnh. |
Trong khi đó, ThS. Nguyễn Đăng Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM) nhận định, Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH là hoàn toàn hợp lý nhưng nếu không làm 2 việc là xác định chỉ tiêu đầu vào dựa trên nhu cầu xã hội hiện nay và kiểm soát đầu ra thì vô hình trung, chính sách này sẽ khuyến khích 100% đi học ĐH và… “giết chết” hệ CĐ, TC.
Ông Lý dẫn lại số liệu thống kê của bản tin thị trường lao động cho thấy, hiện nay, mỗi năm có khoảng 400 ngàn sinh viên tốt nghiệp ĐH, trong đó bình quân khoảng 50% không có việc làm sau khi ra trường. Do đó, ông cho rằng, tình trạng sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp sẽ tăng hơn nếu Bộ GD-ĐT “nới lỏng” chuẩn đầu vào bậc ĐH, đồng thời chỉ tiêu ĐH ngày càng lớn. “Đến một lúc nào đó, người lao động sẽ không còn chịu khó lao động chân tay, không học CĐ nữa thay vào đó sẽ đi học ĐH hết. Điều này dẫn đến mất cân đối nguồn nhân lực, bất ổn xã hội”, ông Lý nhấn mạnh.
Trông đợi vào nguồn tuyển liên thông
ThS. Nguyễn Đăng Lý đề xuất, đi cùng với chủ trương giao tự chủ cho các trường ĐH, cần có sự kiểm soát chặt chẽ chỉ tiêu. Chẳng hạn, một năm nhu cầu lao động của xã hội cho bậc ĐH là bao nhiêu thì lượng tuyển sinh cũng phải tương ứng. Nếu cho phép tuyển sinh quy mô quá nhu cầu thực tiễn xã hội sẽ dẫn đến phá vỡ hệ thống, “giết chết” hệ đào tạo khác không thuộc quản lý của mình. Cũng theo ông Lý, việc các trường CĐ, TC không tuyển sinh được trong những năm gần đây không phải do chính các trường mà vì chính sách của Bộ GD-ĐT đã hạn chế sự phát triển của các đơn vị đó.
Dự đoán trước những khó khăn của tuyển sinh trong tình hình mới, ông Nguyễn Hoàng Chương cho hay, có thể trường sẽ phải mở rộng tìm kiếm thêm người học từ nguồn tuyển liên thông, nếu không rất khó hy vọng tuyển đủ.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)