Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường CĐ Nghề Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM (HVCT): Địa chỉ học nghề uy tín, chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Trải qua chặng đường hơn 35 năm hình thành và phát triển, bằng sự nỗ lực phấn đấu hết mình của tập thể CB-GV-NV nhà trường, Trường CĐ Nghề Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM đã hoàn thiện về cơ sở vật chất, vững mạnh về công tác giảng dạy, trở thành địa chỉ học nghề đáng tin cậy cho các thế hệ học sinh.

Là ngôi trường giàu truyền thống lịch sử, từ khi thành lập vào năm 1978 đến năm 2001, hoạt động chính của trường là đào tạo nghề cho thương binh, các đối tượng chính sách và người tàn tật. Năm 2001, nhằm đáp ứng chủ trương đào tạo nhân lực lao động kỹ thuật cao cho đất nước, trường đã được đổi tên gọi thành Trường Kỹ Nghệ II và mở rộng quy mô đào tạo. Đến năm 2007, trường được nâng cấp lên thành Trường CĐ Nghề Kỹ Thuật Công Nghệ TP.HCM và đã đạt được những bước tiến mới trong đào tạo nghề.
Cơ sở vật chất đảm bảo
Nhằm phục vụ tốt công tác giảng dạy và học tập của HS-SV đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong học tập, sinh hoạt, trường đã đầu tư xây dựng trên 14.000 m2 phòng học lý thuyết, thực hành đạt tiêu chuẩn, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học, trong đó có nhiều khoa được cung cấp các trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra, trường cũng có Ký túc xá 700 chổ ở với đầy đủ tiện nghi và khu vui chơi giải trí cho những học viên ở xa.
Hiện tại, nhà trường đang tiến hành đào tạo bậc CĐ nghề với 13 ngành: Quản trị mạng máy tính, Kế toán Doanh nghiệp, Quản trị Doanh nghiệp, Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp, Điện dân dụng, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Cắt gọt kim loại, Hàn, Công nghệ ô tô, May và thiết kế thời trang, Kỹ thuật xử lý nước. Bậc Trung cấp nghề với 16 ngành gồm 13 ngành của bậc cao đẳng và 3 nghề: Thiết kế đồ họa, Tin học văn phòng, Điện tử dân dụng. Sơ cấp nghề với nhiều nghề khác nhau, đáp ứng nhu cầu học nghề đa dạng của người học và là những ngành nghề mà xã hội đang cần.
Năm học 2012-2013 có 8 giáo viên tham gia học cao học nâng tỷ lệ giáo viên có trình độ sau đại học lên 37%; Có hơn 60 CB-GV được cử đi học tập ngắn hạn, tập huấn bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, trong nước và nước ngoài chiếm hơn 40% trong tổng số giáo viên toàn trường.
Đào tạo theo nhu cầu xã hội
Với mục tiêu “Đào tạo gắn với nhu cầu Doanh nghiệp” cùng phương châm “Học nghề – Việc làm – Cuộc sống – Tương lai” Trường CĐ Nghề Kỹ Thuật Công Nghệ TP.HCM đã áp dụng chương trình đào tạo một cách linh hoạt, phù hợp cho các đối tượng. Phương pháp giảng dạy cũng được cập nhật thường xuyên, theo hướng hiện đại, sát với thực tế, chuyên sâu về nghề nghiệp lấy người học làm trung tâm. Hàng năm, nhà trường còn thường xuyên tổ chức xây dựng, cải tiến chương trình, bồi dưỡng phương pháp sư phạm cho giáo viên, đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phương tiện dạy học… tổ chức quá trình đào tạo theo cơ chế thị trường. Năm 2009, Trường đã được Bộ LĐTB&XH cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và được Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục quốc tế (CQAIE) kiểm định ngoài đánh giá đạt cấp độ 3 (cấp độ cao nhất).
Ngoài ra, trong quá trình đào tạo, nhà trường đã khẳng định: Trường và doanh nghiệp là 2 thành tố của thị trường lao động. Thực tế cho thấy, nhờ có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp nên chất lượng đào tạo của nhà trường ngày một nâng cao, tạo thêm nhiều môi trường thực tập lý tưởng cho học viên, đồng thời đảm bảo cơ hội việc làm cho học viên sau khi ra trường. Phòng “Quan hệ Doanh nghiệp” của nhà trường chịu trách nhiệm liên hệ với các doanh nghiệp để đưa các em đi thực tập tiếp cận với thực tế và tư vấn nghề nghiệp cho các em sau khi ra trường. Tỷ lệ học viên có việc làm sau học nghề của trường đạt trên 80%; đặc biệt với một số ngành nghề, tỷ lệ có việc làm đạt 90 – 100%. Nhờ đó, Trường CĐ Nghề Kỹ Thuật Công Nghệ TP.HCM đã trở thành một địa chỉ học nghề tin cậy, mang lại những kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm thực tế về những ngành nghề đào tạo cho các học viên.
Hợp tác quốc tế
Hợp tác quốc tế là hoạt động không thể thiếu trong tiến trình hội nhập và phát triển của nhà trường khi hướng đến nền kinh tế tri thức. Do đó, thời gian qua, trường đã đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhằm mở rộng quan hệ và tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển của trường. Các hoạt động hợp tác quốc tế bao gồm trao đổi chương trình đào tạo, hợp tác huấn luyện giảng viên, liên kết đào tạo… Hiện trường có quan hệ hợp tác, liên kết đào tạo với các trường: Trường ĐH Khoa học và Kỹ thuật Tu Bình – Đài Loan, Trường ĐH Pannonia – Hungary, Trường Singapore Polytechnic – Singapore, Học viện AISI – Úc, Đại học Bang Arizona – Hoa kỳ, Tổ chức đào tạo nghề Châu Âu – Đức, Hội đồng Anh, Tập đoàn Koiki Kantoken Kensetsukanren – Nhật Bản…
Định hướng phát triển
Trường CĐ Nghề Kỹ Thuật Công Nghệ TP.HCM là nơi đào tạo những cán bộ kỹ thuật cho cả nước và phát triển đội ngũ những người thợ trực tiếp đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hướng tới nền kinh tế tri thức. Do vậy, để đáp ứng được yêu cầu mới trong công tác dạy nghề, nhà trường đã triển khai một số nội dung mang tính chiến lược sau:
1. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức: Xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển CBVC trong giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có dạy nghề.
2. Tổ chức, quản lý quá trình đào tạo: Đổi mới quản lý ở các cấp: Trường, Khoa, Bộ môn và Trung tâm; Cấu trúc lại chương trình để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
3. Cơ sở vật chất: Đổi mới công tác quản lý, Sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và Đầu tư cho các nghề trọng điểm.
4. Kiểm tra đánh giá toàn diện trong nhà trường: Xây dựng các chuẩn cho từng vị trí việc làm, kế hoạch định kỳ đánh giá CBVC.
5. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế: Tăng cường Nghiên cứu khoa học về dạy nghề; đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo quốc tế.
6. Xây dựng thương hiệu và quan hệ doanh nghiệp: Nhà trường và doanh nghiệp là 2 thành tố của thị trường lao động; Hình thành mạng lưới Nhà trường (HVCT) – Trường phổ thông – Doanh nghiệp – Tổ chức cung ứng lao động.
7. Tổ chức các đoàn thể: Xây dựng môi trường “học mà chơi, chơi mà học”; HVCT là “ngôi nhà chung”.
Ngọc An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)