Tòa soạnThư đi – tin lại

Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn: Học một đường thực tập một nẻo!

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn thực tập phục vụ tại nhà hàng của trường
Sinh viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn liên tục phàn nàn chuyện phải mất thời gian thực tập những công việc không “dính dáng” đến chuyên ngành.
Cụ thể, sinh viên cho biết, học chuyên ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành nhưng các em phải thực tập cả công việc liên quan đến mảng nhà hàng, khách sạn tại trường trong suốt 2 tháng. Một số thực tập không đạt, còn bị… phạt thêm.
Học lữ hành, thực tập… bưng bê, phục vụ
Theo phản ánh của một số sinh viên vừa hoàn tất đợt thực tập 2 tháng tại trường, dù học chuyên ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (gọi tắt là lữ hành), các em vẫn phải thực tập cả khối công việc liên quan đến lĩnh vực khác như nhà hàng, khách sạn. Quá trình thực tập diễn ra tại hệ thống nhà hàng – khách sạn và công ty lữ hành của trường. Trong đó, trừ công ty lữ hành, sinh viên được ứng dụng đúng kiến thức chuyên ngành, nơi còn lại, các em phải làm nhiều công việc được cho là “chẳng liên quan” như bưng bê, phục vụ, bố trí bàn ăn, rửa ly chén, trực cửa ra vào…
Bên cạnh khách bên ngoài đến ăn uống trực tiếp tại nhà hàng, sinh viên cho biết còn phục vụ giảng viên của trường và học sinh Trường THCS-THPT Bạch Đằng (trực thuộc hệ thống Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn). Cụ thể, đối với giảng viên, sinh viên phục vụ bữa trưa khi thầy cô có nhu cầu. Đối với học sinh, các sinh viên có nhiệm vụ thiết kế và bố trí bàn ăn, phục vụ thức ăn… Tùy buổi đông hoặc vắng nhưng sinh viên cho biết phục vụ số lượng bình quân khoảng 30 đến 50 suất ăn cho học sinh mỗi ngày.
Sinh viên còn phản ánh, trong quá trình thực tập, các em làm bể vật dụng sẽ phải đền gấp đôi hoặc ba. Nếu vắng mặt 1 ngày không phép nhưng có lý do chính đáng sẽ bị phạt thực tập thêm 3 ngày; lý do không chính đáng, thực tập thêm… 10 ngày. Trong trường hợp sinh viên nghỉ có xin phép trước thì không chịu phạt. Đáng nói, hình phạt còn rơi vào những nguyên do khác. Một sinh viên chuyên ngành lữ hành cho biết, em đã phải thực tập thêm 10 ngày vì “kết quả thực tập không đạt”. Trong khi đó, em này bày tỏ, để thực tập đạt phần nghiệp vụ không thuộc lĩnh vực chuyên ngành của mình là rất khó. Mặc dù thừa nhận, trước khi bắt tay vào thực tập em được hướng dẫn nghiệp vụ liên quan nhưng thời lượng chỉ ít ỏi nên vẫn chưa “thấm tháp”.
Nhiều sinh viên không hào hứng nhưng vẫn chấp hành việc thực tập này vì cho rằng đây là quy định bắt buộc. Số khác cũng cho biết, việc thực tập như vậy khiến các em khó bố trí thời gian làm thêm bên ngoài.
Không phạt, chỉ có thực tập… bù
Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, bà Nguyễn Kim Loan (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn) xác nhận, có chuyện sinh viên lữ hành thực tập những nghiệp vụ liên quan đến chuyên ngành khác, đồng thời đưa ra nhiều lý giải khá khác biệt với nội dung phản ánh của sinh viên. Cụ thể, tại trường, sinh viên CĐ được thực tập 60 buổi. Trong đó, 20 buổi các em thực tập mảng lữ hành để biết cách thiết kế, điều hành tour; 20 buổi ở khách sạn để biết quy trình tiếp nhận khách, check in, check out; 20 buổi tại nhà hàng để biết phục vụ, pha chế, lễ tân…
Theo bà Loan, trường không phân biệt sinh viên học lữ hành hay nhà hàng, khách sạn mà mong muốn các em dù ở ngành nào cũng biết cả nghiệp vụ của một số chuyên ngành khác. Chẳng hạn, sinh viên học khách sạn cũng biết nghiệp vụ của lữ hành, nhà hàng; học lữ hành biết cả nghiệp vụ của nhà hàng, khách sạn. Chủ trương này nhằm giúp sinh viên ra trường có đầy đủ nghiệp vụ, đáp ứng được nhiều vị trí công việc, lĩnh vực nào cũng có thể làm tốt. Trước khi thực tập, sinh viên được hướng dẫn thêm nghiệp vụ của những lĩnh vực không thuộc chuyên ngành để phục vụ công việc.
Bà Loan còn nhận định, chỉ số ít sinh viên than phiền, đa số đều cảm thấy có lợi khi học chuyên ngành này lại được thêm kỹ năng, nghiệp vụ của chuyên ngành khác. Đồng thời, bà Loan cũng bác bỏ phản ánh của sinh viên liên quan đến chuyện thực tập không đạt bị phạt thêm 10 buổi. Thay vào đó, bà Loan cho biết, chỉ yêu cầu sinh viên thực tập bù trong trường hợp các em thực hiện không đủ số buổi quy định. Hoặc “trong quá trình thực tập, những sinh viên chưa thạo kỹ năng thực hành, nghiệp vụ sẽ được gọi thực tập tiếp một số buổi nhất định để tăng cường kỹ năng này” – một đại diện khác của trường lý giải.
Vấn đề sinh viên vắng không phép bị phạt thực tập thêm 3 hoặc 10 ngày, bà Loan quan điểm, sinh viên đi học hay làm đều phải tuân thủ nội quy. Các em không tuân thủ đương nhiên phải chịu trách nhiệm, điều này tương tự việc sinh viên vắng học quá số tiết quy định thì bị cấm thi.
Trong khi sinh viên thực tập phản ánh việc làm hư hỏng, mất tài sản phải đền gấp đôi, gấp ba thì bà Loan cho rằng, những trường hợp như vậy, trường không quy trách nhiệm cho sinh viên, mà cho người quản lý. Khi đó, người quản lý tất yếu sẽ có nhắc nhở trở lại sinh viên. Chuyện sinh viên thực tập phục vụ bữa ăn cho cả giảng viên lẫn học sinh, bà Loan quy tất cả những đối tượng này là khách hàng nên không phân biệt phục vụ. Cũng liên quan đến vấn đề phục vụ bữa ăn cho học sinh Trường THCS-THPT Bạch Đằng, một đại diện nhà trường cho biết thêm, trách nhiệm phục vụ chính vẫn là nhân viên nhà hàng, sinh viên chỉ thực tập cùng.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Sinh viên ngoại ngữ, nghệ thuật cũng… đi tour
Sinh viên còn bức xúc phản ánh chuyện học ngành ngoại ngữ và nghệ thuật nhưng cũng phải tham gia đi tour (có tính phí). Đại diện nhà trường lý giải, sinh viên hai ngành này không phải đi tour với hình thức như Khoa Du lịch nhằm thực hành nghiệp vụ hướng dẫn. Thay vào đó, các chuyến đi của sinh viên này tương tự đi thực tế. Cụ thể, sinh viên Khoa Nghệ thuật đi đến các vùng trọng điểm về văn hóa, địa điểm có di sản về văn hóa nghệ thuật… Sinh viên Khoa Kinh tế tới những cơ sở sản xuất, nhà máy, công ty để tham quan, thực tập. Sinh viên ngoại ngữ cũng được đi đến những nơi có thể đối thoại với người nước ngoài. Tất cả đều có tiêu chí rõ ràng.
 

 

Bình luận (0)