Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường chất lượng cao: Công lập khó, tư thục dễ?

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ sở vật chất chỉ là 1 trong 5 tiêu chuẩn để đánh giá trường CLC. Ảnh: N.H

Cho đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có tiêu chí đánh giá về trường chất lượng cao (CLC). Nhưng ở Hà Nội, mô hình này đã và vẫn đang tồn tại.
Để xác định được thế nào là “cao”, ngày 16-12 tại Hà Nội, sở GD- ĐT Hà Nội đã tổ chức Hội thảo xác định tiêu chí và kiểm định mô hình giáo dục CLC với sự tham gia góp ý của một số trường, các chuyên gia giáo dục và lãnh đạo một số vụ của Bộ GD-ĐT.
Chấp nhận sự đa dạng?
Tại hội thảo, ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở  GD-ĐT Hà Nội cho biết, bộ tiêu chuẩn dùng để đánh giá trường CLC do sở xây dựng dự kiến bao gồm 5 tiêu chuẩn (yếu tố) với 9 tiêu chí gồm 42 chỉ số đánh giá. Trong đó, các chỉ số đều được quy ra điểm trên thang điểm 100. Theo ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, bộ tiêu chí đánh giá cần phải đảm bảo 3 yêu cầu: ngắn gọn, rõ ràng và toàn diện; đảm bảo tính chính xác; dễ áp dụng. Ông Đại cũng khẳng định để xây dựng bộ khung tiêu chí đảm bảo 3 yếu tố này là việc rất khó khăn. Hơn thế nữa, việc xác định đâu là CLC cũng còn là một khái niệm khá “mơ hồ”.
Trong 5 tiêu chuẩn đánh giá mà sở GD-ĐT đề ra có tiêu chuẩn cuối cùng là người học và kết quả giáo dục chiếm tới 50% số điểm. Tuy nhiên, để có được điều này, phải bắt đầu từ những tiêu chí trước đó. Ví dụ như tiêu chí nội dung và phương pháp giáo dục (chiếm 20% số điểm), theo ông Niềm, nội dung là thứ dễ “cóp” nhất, dễ mời chuyên gia dựa trên tiêu chí chuẩn. Có 2 yếu tố đối với nội dung đó là chuẩn theo bộ ban hành và “cao” tùy theo mục tiêu của các đơn vị cụ thể.
Đứng từ góc độ người thực hiện, TS. Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, trường CLC có 3 đặc trưng cơ bản là hiện đại, khác biệt cao và tôn trọng sự đa dạng. TS. Hòa đặc biệt nhấn mạnh đến đặc trưng đa dạng của các trường CLC. Bởi, khi có trường CLC thì sở phải chấp nhận màu sắc riêng của từng trường. Đồng thời, sở cũng phải tạo điều kiện cho các trường phát triển. Nhưng tất nhiên cũng cần có một “cái gương” chung để cho các trường soi. Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực hiện mô hình CLC từ lâu nhưng mục tiêu của trường không phải là để có bao nhiêu học sinh đỗ vào ĐH, hay khá giỏi mà là “giúp các trò ngày càng tiến bộ”. Điều này cho thấy, CLC không nhất thiết phải có một cái “chuẩn đầu ra” như Sở GD-ĐT đã yêu cầu là phải có 90% học sinh khá giỏi trở lên. Sự đa dạng về mô hình CLC cũng cho thấy các trường đứng cạnh nhau, cùng đào tạo cấp học nhưng sẽ không “triệt tiêu” nhau.
Từ kinh nghiệm của trường mình, bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Đoàn Thị Điểm, cho rằng ngoài các yếu tố như sở đã quy định, để là trường “chất lượng cao” thì nội dung chương trình của tiểu học theo chuẩn của bộ cùng với chương trình riêng của trường, có thông qua sở như chương trình tiếng Anh tự chọn của trường. Chương trình này đã được rất nhiều phụ huynh ủng hộ. Khi chuyển sang đào tạo CLC, Trường Đoàn Thị Điểm đã tiến hành đào tạo thành các lớp song ngữ. Hiện ở trường có 3 mô hình: các lớp song ngữ, đào tạo theo chương trình quốc tế và các lớp tiếng Anh tự chọn. Nhưng các lớp tiếng Anh tự chọn trường chỉ có 9/94 lớp và năm nay sẽ kết thúc. Do đó, từ năm sau, trường chỉ còn hai mô hình.
Học phí: vấn đề khó nói
Kinh phí là một điều luôn khiến các trường băn khoăn. Bà Hiền cho biết, học phí của trường hiện nay là 40 triệu đồng/năm, trong tương lai gần là 60 triệu đồng/năm. Còn TS. Hòa cho hay, học phí của trường hiện đang là 2 triệu đồng/tháng nhưng đến năm 2015, dự kiến của trường là 4 triệu đồng/tháng. Nhưng liên quan đến kinh phí, TS. Hòa cho rằng kinh phí là vấn đề khó dự trù, nhất là đối với các trường ngoài công lập. Nhưng đối với các trường công lập, khi muốn chuyển sang mô hình CLC không phải là dễ. Ông Đại cho biết, để thực hiện mô hình này, trước hết, các trường công phải chuyển sang mô hình công lập tự chủ tài chính. Nhưng các trường này được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất nên có lợi hơn trường tư nên khi đăng ký thực hiện mô hình CLC, các trường phải công khai mức học phí và mức học phí này phải thấp hơn các trường tư cùng thực hiện mô hình. Nhưng việc thu học phí cao ở trường công là điều rất khó khăn. Bởi từ trước đến nay người dân vẫn nghĩ trường công là được “bao cấp”. Bà Lê Thị Oanh, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cho biết, khi trường thực hiện mô hình này, học phí học sinh phải đóng là 550 ngàn đồng/tháng. Nhưng dư luận đã kêu rất nhiều. Hay như tại Trường Mầm non Mai Dịch (Cầu Giấy), trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua của các đại biểu Hội đồng Nhân dân TP, có nhiều cử tri cho rằng hình như Trường Mầm non Mai Dịch đã được “cổ phần hóa”. Bà Vũ Ngọc Dự, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường chuyển đổi sang mô hình CLC từ 3 năm nay. Muốn làm được điều này, trường phải có chiến lược rõ ràng, dài hơi. Mức học phí đã được công bố tới phụ huynh công khai, đồng thời lộ trình tăng học phí cũng được công bố rõ. Không những thế, những đầu tư cho cơ sở vật chất cũng phải được làm “mạnh tay” hơn các trường công rất nhiều. Tuy nhiên, để thực hiện được thành công mô hình này, bà Dự cũng khẳng định điều may mắn là tại địa bàn phường trường đóng có tới 3 trường mầm non công lập. Hai trường còn lại nếu làm hết công suất, có thể nhận đủ số trẻ trong phường. Như vậy đối với các trường công lập, để thực hiện mô hình CLC thì rào cản lớn nhất của họ chính là vấn đề học phí.
Theo Sở GD-ĐT, bộ tiêu chí sẽ còn tiếp tục được lấy ý kiến đóng góp  trước khi được trình Bộ GD-ĐT.
Nghiêm Huê
Ông Niềm cho biết, thời gian vừa qua, rất nhiều người ngộ nhận cứ điều hòa, máy lạnh thu tiền nhiều là CLC. Trong khi đó, cơ sở vật chất chỉ là một trong 5 yếu tố cấu thành lên trường CLC. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)