Tới năm 2015, Hà Nội sẽ có 35 trường công chất lượng cao với mức học phí cao là thông tin gây nhiều tranh luận gần đây. Tuy nhiên, đại diện Sở GD-ĐT khẳng định, cái đích cuối cùng là sự bứt phá chất lượng giáo dục trong sự cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển…
Chất lượng cao không thể tự phong
Những năm gần đây, trên địa bàn TP.Hà Nội xuất hiện một số trường ngoài công lập tự khoác cho mình cái tên “quốc tế” hay “chất lượng cao”, “VIP” nhằm thu hút sự lựa chọn của các bậc phụ huynh học sinh. Thời gian gần đây, ở các khu đô thị mới của TP mọc lên vô số trường “chất lượng cao” nhưng thực tế là các trường tư hoặc các trường liên kết có yếu tố nước ngoài. Điều này đang dẫn đến sự ngộ nhận hay tự nhận đó là mô hình trường chất lượng cao dù những cơ sở này chưa được cơ quan nào công nhận mà mới chỉ “tự phong”. Cá biệt, có những cơ sở hoạt động vì lợi nhuận thay vì giáo dục thực chất, gây nghi ngờ cho người dân về dịch vụ chất lượng cao của ngành giáo dục.
Chưa kể tới, hàng năm có hàng trăm học sinh tại Hà Nội chi phí hàng triệu USD để du học nước ngoài do dịch vụ giáo dục trong nước chưa đáp ứng yêu cầu của người học. Một con số không nhỏ các bậc phụ huynh cho con đi du học nước ngoài ở bậc học THPT, thậm chí từ bậc THCS dù học phí đắt hơn gấp hàng chục lần các trường của Việt Nam. Thực tế, ở nhiều nước, những trường học có danh tiếng, có uy tín đối với phụ huynh hầu hết là trường tư thục. Thế nhưng, các trường không tự phong từ đầu là “trường chất lượng cao”. Chất lượng giáo dục của các trường này được xây dựng lên dần trong nhiều năm (có khi vài ba chục năm) và được phụ huynh biết đến, tín nhiệm. Như vậy, muốn trở thành trường danh tiếng, ngoài nỗ lực của nhà trường còn được sự công nhận của phụ huynh.
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh – Chủ tịch HĐQT Trường TH và THPT Nguyễn Siêu – một trong những trường thí điểm đầu tiên – cho rằng, nhiều người vẫn nhầm lẫn mô hình trường chất lượng cao phải là những trường quốc tế hoặc có yếu tố nước ngoài. Thực chất, để khẳng định chất lượng giáo dục và gây dựng “thương hiệu”, nhiều trường tư thục của Hà Nội không gắn mác chất lượng cao hay trường quốc tế vẫn có thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao, có thể học văn hóa bằng tiếng Anh nhưng vẫn là chương trình của người Việt.
Đầu tư để có chất lượng
Mới đây, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua tiêu chí về trường chất lượng cao và nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Trong năm học 2013-2014, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội được quy định là 2.900.000 đồng, trường THCS và THPT là 3.000.000 đồng. Tiếp đó, năm học 2014-2015, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học được quy định là 3.200.000 đồng, trường THCS và THPT là 3.400.000 đồng.
Tuy nhiên, trước những quyết định đột phá này của Hà Nội, dư luận đang lo ngại rằng, việc chọn trường công lập để chuyển sang trường chất lượng cao sẽ đẩy một bộ phận học sinh, trong đó có cả học sinh giỏi, ra khỏi trường đang học do gia đình không có khả năng đóng góp. Điều này làm mất đi sự công bằng trong giáo dục công. Đồng thời, không ít ý kiến cũng cho rằng “Hà Nội xây dựng một số trường công dành cho con em các gia đình giàu có”. Thực tế từ lâu Hà Nội đã có 4 trường THPT chuyên, đó là các trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam; THPT chuyên Nguyễn Huệ; Trường THPT chất lượng cao Chu Văn An; THPT chuyên Sơn Tây. Bốn trường chuyên này được Nhà nước cấp ngân sách và đầu tư xây dựng CSVC khang trang, hiện đại, được đánh giá là những trường đứng hàng đầu của Hà Nội về chất lượng giáo dục. Cơ chế tuyển sinh vào các trường chuyên được thực hiện công khai, dân chủ, bình đẳng và được thông qua các kỳ thi tuyển sinh. Mức học phí là 35.000 đồng/tháng/HS. Bên cạnh đó là hệ thống các trường chuẩn quốc gia. Như vậy, hiện nay Hà Nội có một hệ thống các trường THPT chất lượng cao hàng đầu không phân biệt giàu nghèo nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thủ đô.
Về chủ trương 35 trường chất lượng cao vào năm 2015 (cả chuyển đổi từ trường công và xây mới), ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: Chủ trương xây dựng các trường chất lượng cao theo quy định của Luật Thủ đô là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, việc phát triển trường chất lượng cao vẫn còn là điều quá mới mẻ, do đó trong xã hội nhiều người chưa hiểu vì vẫn cho rằng các trường công lập thì phải giống nhau về mức học phí. Hơn nữa, khi một lượng lớn con em có điều kiện học ở các trường chất lượng cao sẽ giảm tải các trường công lập, tạo điều kiện cho nhân dân có nhiều lựa chọn và nhiều chỗ học cho các em đúng tuyến được học ở những trường chuẩn quốc gia. Ngân sách Nhà nước sẽ tập trung vào các trường công lập nhiều hơn ở những năm sau. Bởi lẽ, sau ba năm đầu, Nhà nước sẽ không cấp kinh phí thường xuyên cho trường chất lượng cao, nguồn kinh phí đó sẽ dồn về các trường công và sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy chất lượng giáo dục đồng bộ phát triển – ông Đại chia sẻ.
Từ năm học 2013-2014, tất cả các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, các trường ngoài công lập, các trường công lập được gọi là trường chất lượng cao khi có đầy đủ 5 yếu tố. Các trường công lập đang thí điểm xây dựng các mô hình này chỉ được thu học phí trong khuôn khổ của nghị quyết số 15/2013/-HĐND và không được thu thêm bất cứ khoản thu nào khác.
Có thể nói, là một trong những TP dẫn đầu cả nước về kinh tế, xã hội, đã đến lúc, Hà Nội không thể bỏ ngỏ sân nhà và “chảy máu” ngoại tệ. Chính vì thế, sự bứt phá về chất lượng giáo dục là điều không thể chậm hơn được nữa.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)