Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường chất lượng cao ở Hà Nội: Thiếu kinh phí, nguy cơ HS bỏ trường

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 24-6, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức Hội thảo xây dựng, phát triển trường chất lượng cao (CLC) trên địa bàn thủ đô – từ nhận thức đến thực tiễn. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các trường từ MN đến THPT trên địa bàn TP.Hà Nội đã và đang thực hiện mô hình này.

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sau gần 2 năm thực hiện NQ15 của TP về xây dựng mô hình trường CLC, tính đến nay, UBND TP.Hà Nội đã ra quyết định công nhận trường CLC cho 7 trường: MN Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên), Mẫu giáo 20-10 (Q.Hoàn Kiếm), TH Đoàn Thị Điểm (Q.Nam Từ Liêm), TH Nguyễn Siêu (Q.Cầu Giấy), TH Đô thị Sài Đồng (Q.Long Biên), THCS-THPT Nguyễn Siêu (Q.Cầu Giấy), THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa). Năm học 2014-2015, UBND TP cũng phê duyệt thí điểm thêm 10 trường CLC và Trường THPT Lê Lợi thí điểm giai đoạn 2015-2018.

Theo ông Cẩn, cơ chế tài chính của NQ15 khi triển khai thực tế tại các trường công lập đang theo mô hình tự chủ một phần, nếu công nhận trường CLC thì ngân sách chỉ hỗ trợ năm đầu, từ năm thứ 2, các đơn vị tự chủ về thu chi tài chính, tự đảm bảo các hoạt động của nhà trường gây tâm lý lo lắng, băn khoăn khi trường tuyển sinh ít, không đủ chi trả lương và các hoạt động khác. Là trường mới được xây dựng, thực hiện luôn mô hình CLC lại là quận vùng ven, bà Vũ Hồng Loan, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm, cho biết mức thu học phí hiện tại của trường khối 6, 7 là 960.000 đồng/tháng/HS, khối 8, 9 là 1.120.000 đồng/tháng/HS. Trường cũng có lộ trình tăng học phí cho những năm tiếp theo. Tuy nhiên, đến năm học 2018-2019 thì mức thu khối 8, 9 chỉ là 2,5 triệu đồng/tháng/HS, vẫn thấp hơn mức kịch trần theo quy định của NQ15 là 3,4 triệu/tháng/HS. Tuy nhiên, mức thu thấp hơn các trường CLC trong các quận nội thành nhưng THCS Nam Từ Liêm vẫn gặp khó khăn trong tuyển sinh. Số lượng HS đăng ký vào trường đã bắt đầu giảm. Nhiều HS cũ cũng xin chuyển trường. Còn tại Trường MN 20-10, đại diện nhà trường cho biết với mức học phí 3.200.000 đồng/trẻ/tháng và ngân sách cấp là 8,695 tỷ đồng trong năm học vừa qua, nhà trường mới chỉ tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ đồng cho năm học 2015-2016. Do đó, nếu năm 2016, nhà trường không được ngân sách hỗ trợ (theo quy định của NQ15) thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động CLC và chi lương cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đồng quan điểm này, bà Vũ Ngọc Dự, Hiệu trưởng Trường MN Mai Dịch đề xuất để đảm bảo việc thực hiện mô hình trường MN CLC hiệu quả, bền vững, ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ toàn bộ quỹ tiền lương cho cán bộ, giáo viên trong biên chế nhà trường. Sau mỗi giai đoạn từ 3-5 năm, đề nghị Nhà nước cấp ngân sách nâng cấp cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Sau khi lắng nghe các ý kiến từ đại diện các trường, các chuyên gia giáo dục, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng để phát triển vững chắc hệ thống trường CLC trong thời gian tiếp theo, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị đối với những trường được công nhận CLC, TP nên có ngân sách hỗ trợ kinh phí năm đầu bằng năm trước liền kề, từ năm thứ 2 trở đi ngân sách Nhà nước hỗ trợ lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo quy định của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong biên chế được phê duyệt, các hoạt động khác trường sẽ tự đảm bảo từ nguồn thu học phí với mức thu theo mức trần đã quy định. Đối với các trường thực hiện thí điểm CLC nên kéo dài thời gian thí điểm từ 1-2 năm để các trường hoàn thiện cơ sở vật chất.

Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)