Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh: Nhiều vấn đề cần minh bạch

Tạp Chí Giáo Dục

  Bất cập trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong tuyển sinh, lình xình trong thi cử… ở Trường chính trị Nguyễn Văn Linh (TCT), tỉnh Hưng Yên. Đó là nội dung đơn đề nghị của công dân gửi đến cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan báo chí đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm minh.
Vị trí người đứng đầu Phòng Khoa học – Thông tin – Tư liệu (KH-TT-TL) là câu chuyện gây nhiều hoài nghi nhất về sự công tâm, khách quan của bà Giám đốc Nguyễn Thị Chuyền trong công tác tổ chức cán bộ. Từ nhiều năm nay, vị trí này do ông Phạm Đình Quý, Phó Trưởng phòng, phụ trách phòng đảm nhiệm. Ông Quý tốt nghiệp khóa đào tạo sĩ quan Công binh trình độ cao đẳng, khóa học 1977-1980 (theo Giấy chứng nhận do Trường Sĩ quan Công binh cấp ngày 23-7-2003) và có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hệ đào tạo tại chức dài hạn, hạng trung bình khá do Phân viện Hà Nội (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cấp năm 2000.
Theo quy định hiện hành, ngay cả đối với chức danh Phó Trưởng phòng cũng phải có trình độ học vấn đại học trở lên. Là Giám đốc TCT, bà Chuyền không thể không biết điều đó. Thế nhưng, bà Chuyền vẫn đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hưng Yên bổ nhiệm ông Quý chức vụ Trưởng phòng KH-TT-TL. Lần thứ nhất không được, bà Chuyền đề nghị lần 2, nhưng vẫn bị từ chối.
Cũng theo đơn thư phản ánh, từ khi bà Chuyền về làm Giám đốc, Phòng Đào tạo trở thành địa chỉ hội tụ ngày càng nhiều hơn những cán bộ, công chức cùng quê hương Tiên Lữ với bà và ông Trưởng phòng Đỗ Hữu Nhân. “Phòng Đào tạo là bộ phận có nhiều quyền lực và… cám dỗ. Vì nó liên quan trực tiếp đến công tác tuyển sinh; quản lý lớp và học viên; kiểm tra, giám sát các khoa thực hiện nội quy, quy chế về giờ giảng”, một cán bộ từng nhiều năm gắn bó với TCT cho biết. “Những lý giải nghiêng về hướng cho rằng, đó chỉ là hiện tượng “ngẫu nhiên” khó có thể thuyết phục được nhiều người”.
Đơn thư cho biết, nhiều cán bộ cơ sở không có bằng tốt nghiệp THPT vẫn được nhận vào học hệ Trung cấp LLCT, HC. Kết thúc khóa học, lại được “phù phép” lần nữa để cấp bằng tốt nghiệp, miễn là có “quan hệ”… chu đáo. Một số cán bộ Phòng Đào tạo còn gợi ý để những học viên thiếu bài kiểm tra học phần, thi trả nợ môn “tự nguyện” nộp lệ phí 300.000 đồng/bài kiểm tra, 500.000 đồng/môn thi. Có học viên do bận công tác nên nợ tới 8- 9 bài, phải nộp tới 4-5 triệu đồng. Đối với 4 lớp ngoài kế hoạch gồm Trung cấp LLCT ở Trường công nhân Tầu Cuốc (nay là Trường Cao đẳng nghề cơ điện và thủy lợi), TCLLCT Điện lực và 2 lớp chuyên viên (năm 2006, 2007) khi kết thúc khóa học không thực hiện công khai tài chính.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Chuyền cho biết là có tình trạng cho học viên nợ điều kiện đầu vào (không có bằng tốt nghiệp THPT) không đúng với quy định. Tuy nhiên, bà Chuyền khẳng định, động cơ của việc này là hoàn toàn trong sáng, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở nâng cao trình độ lý luận chính trị và kiến thức quản lý hành chính Nhà nước. Không có chuyện khuất tất.
Đơn thư phản ánh có 4 lớp ngoài kế hoạch là không chính xác. Thực tế chỉ có 2 lớp chuyên viên, và đã công khai tài chính minh bạch trước cán bộ, giảng viên. Ban Giám đốc không có chủ trương thu tiền lệ phí đối với những học viên thiếu bài kiểm tra, thi nợ hết môn. Bà Chuyền nói thêm: “Tôi nghĩ không có chuyện các thày cô giáo viên chủ nhiệm làm chuyện này”.
Dư luận đang chờ những vụ việc này được giải quyết dứt điểm, làm rõ đúng sai để trường ổn định và phát triển.
Theo Văn Bảo – Nhân Lý
(congly) 

Bình luận (0)