Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trường chuyên đầu tiên tại TP.HCM cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học

Tạp Chí Giáo Dục

Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM vừa ra quy định về việc không sử dụng điện thoại trong giờ học. Nhà trường trang bị các tủ điện thoại cho mỗi lớp, gồm nhiều ngăn và đánh số thứ tự để học sinh bỏ điện thoại vào trong giờ học, và chỉ được lấy ra sau khi tiết học kết thúc.

Theo đó, bắt đầu từ giữa học kỳ 1 năm học 2024-2025, gần 2.000 học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM sẽ không được sử dụng điện thoại trong giờ học nếu không có sự cho phép của giáo viên.

Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, TS. Trần Nam Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM cho hay, quy định này được áp dụng đối với học sinh ở cả 2 cơ sở. Nhà trường đã trang bị ở mỗi phòng học một tủ đựng điện thoại di động gồm nhiều ngăn và được đánh số thứ tự. Học sinh tự bỏ điện thoại vào đúng ngăn theo số thứ tự của mình trong giờ học và được lấy lại khi kết thúc tiết/buổi học.

Tủ đựng điện thoại của học sinh mỗi lớp tại Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM​

Theo ông, quy định này chỉ áp dụng trong giờ học khi giáo viên không cho phép học sinh sử dụng điện thoại. Còn với các tiết học giáo viên cho phép sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin, phục vụ việc học tập và bài dạy của thầy cô thì các em vẫn được sử dụng. Ngoài ra, các em vẫn được sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi theo nhu cầu.

“Điện thoại khiến học sinh phân tâm trong giờ học, làm giảm khả năng tập trung của các em trong việc học. Đối với giáo viên, khi thấy học sinh mình sử dụng điện thoại trong tiết học thì thầy cô cũng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, ảnh hưởng đến việc dạy. Với quy định này, nhà trường mong muốn quản lý được việc sử dụng điện thoại của học sinh trong giờ học, các em không lo ra trong giờ học, giúp việc học hiệu quả hơn. Quy định hiện đang được học sinh, phụ huynh nhà trường hưởng ứng” – TS. Dũng nói.

Trước đó, tại Lễ khai giảng năm học 2024-2025 của Trường Phổ thông Năng khiếu, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP.HCM đã nêu quan điểm: “Sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là tốt. Nhưng đừng để điện thoại âm thầm biến học sinh trở thành tù binh của mạng xã hội và game. Nhà tù vô hình này có thể chôn vùi tuổi thanh xuân, hoài bão và khát vọng của các em. Bớt sử dụng điện thoại, bớt những cám dỗ tầm thường, dồn tâm trí cho những công việc phi thường”.

Tại TP.HCM, trong năm học này, nhiều trường học cũng đã áp dụng quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học nếu không được sự cho phép của giáo viên. Thậm chí, nhiều trường còn áp dụng quy định học sinh không sử dụng điện thoại cả trong giờ ra chơi để tạo sự gắn kết, kết nối nhiều hơn giữa các học sinh với nhau.

Theo Thông tư 32/2020 của Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học thì tại Điều 37 về các hành vi học sinh không được làm đã quy định rõ bao gồm hành vi: Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị các nhà trường có biện pháp quản lý học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học theo đúng Thông tư 32/2020 của Bộ GD-ĐT để học sinh có sự tập trung trong tiết học, tránh sự xao nhãng của các em, nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông nêu rõ, nhà trường chỉ được cho học sinh sử dụng điện thoại trong tiết học nếu giáo viên có kế hoạch giảng dạy cụ thể, trong đó thể hiện được rõ bài học đó học sinh sẽ sử dụng điện thoại trong hoạt động nào, hướng đến mục tiêu gì… Bên cạnh đó, khi cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học thì giáo viên phải có sự quản lý chặt chẽ.

“Nếu kế hoạch bài dạy của giáo viên không thể hiện được nội dung trong tiết học đó, học sinh sẽ sử dụng điện thoại trong hoạt động nào, nhằm mục tiêu gì… thì đồng nghĩa với việc tiết học đó học sinh không được phép sử dụng điện thoại…” – ông Quốc nhấn mạnh.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)