Đất nước đang trong giai đoạn chuyển đổi, phát triển; tốc độ phát triển càng nhanh thì cơ hội của các trường ĐH cũng sẽ càng lớn. Trường ĐH nào nắm bắt được và trở thành một phần của sự phát triển đó thì sẽ thành công, không phân biệt công hay tư.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Trường ĐH Văn Lang
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhận định điều này tại buổi làm việc với Trường ĐH Văn Lang ngày 24-4. Bộ trưởng cho rằng, đối với nền giáo dục quốc dân, cả hệ thống công lập và ngoài công lập đều giữ vai trò hết sức quan trọng. Trong chiến lược sắp tới, cả hai hệ thống sẽ cùng được tạo cơ hội tốt nhất để phát triển. “Xét về chính sách, Bộ GD-ĐT và cũng là chủ trương chung của Chính phủ, trong thời gian tới đối với kinh tế, sẽ tạo mọi điều kiện để hệ thống kinh tế tư nhân phát triển, nhằm đóng góp tốt cho đất nước. Với hệ thống giáo dục tư, Bộ GD-ĐT cũng sẽ tìm mọi cách để tạo điều kiện cho hệ thống này được phát triển tốt nhất, phù hợp với quy định”- người đứng đầu ngành giáo dục nói.
Bộ trưởng nhìn nhận, thời điểm này, toàn bộ hệ thống ĐH công – tư của chúng ta đang đứng trước những cơ hội lớn. Trong đó, nhu cầu về chỗ học lẫn nhu cầu về chỗ học tốt của người dân hiện rất nhiều. Đất nước đang trong giai đoạn chuyển đổi, phát triển; tốc độ phát triển càng nhanh thì cơ hội của các trường ĐH cũng sẽ càng lớn. Trường ĐH nào nắm bắt được và trở thành một phần của sự phát triển đó thì sẽ thành công, không phân biệt trường công hay tư.
Riêng Trường ĐH Văn Lang, ngôi trường đang phát triển theo định hướng đa ngành, nhiều khối, có những đặc sắc thì Bộ trưởng đặt vấn đề tăng cường đào tạo nhóm ngành công nghệ kỹ thuật, dựa trên sự năng động và lợi thế vốn có. Bởi theo Bộ trưởng, sắp tới, nhu cầu về nhân lực rất nhiều ở khối ngành công nghệ kỹ thuật này. Những trường ĐH trong tốp hàng đầu thế giới hầu như không có trường nào không có nhóm công nghệ kỹ thuật mạnh.
Bộ trưởng cũng mong nhà trường chú ý việc phát triển bền vững. Để có sự phát triển bền vững phải lấy việc giải quyết những vấn đề của cộng đồng; lấy việc giải quyết những vấn đề của quốc gia, của con người Việt Nam làm sứ mệnh. Theo Bộ trưởng, hệ thống công tự đặt trách nhiệm quốc gia là chuyện đương nhiên thì hệ thống tư muốn bình đẳng cũng không thể từ chối trách nhiệm này.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trường ĐH Văn Lang đã có 6 đề xuất quan trọng, mong muốn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét, tháo gỡ. Thứ nhất, về công tác tuyển sinh, trường mong muốn được xác định lại năng lực tuyển sinh vào thời điểm tháng 9 hàng năm, căn cứ vào năng lực được cập nhật sau khi có kết quả tuyển sinh. Thứ hai, điều chỉnh tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi một số ngành đặc thù, trong đó có ngành thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế công nghiệp bằng kiến trúc (20 sinh viên/giảng viên). Thứ ba, được thí điểm điều chỉnh tỷ lệ sinh viên/giảng viên cho một số ngành đang có nhu cầu xã hội rất cao, từ 1,2 đến 1,5 lần. Thứ tư, nhà trường mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các ĐH tư thục trong tiếp cận các nguồn đất đai, nguồn vốn phát triển (như vốn ODA), các gói tín dụng ưu đãi cũng như chính sách thuế doanh nghiệp thấp hơn. Thứ 5, kiến nghị lãnh đạo thành phố hỗ trợ giải quyết nhanh hồ sơ xây dựng cho các trường ĐH. Cuối cùng, trường kiến nghị Bộ GD-ĐT ủng hộ việc chuyển đổi, thành lập Trường ĐH AIT Việt Nam.
Với kiến nghị đầu tiên của Trường ĐH Văn Lang, Bộ trưởng cho rằng, tuyển sinh vào tháng 9 hay tháng 12, trường cần cân nhắc, đây cũng là vấn đề kỹ thuật. Nếu có điều chỉnh thì phải trao đổi với nhiều đơn vị khác nữa, vì đây mới là nguyện vọng của một trường. Thứ 2, tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi một số ngành đặc thù có liên quan đến quy định của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nên cũng cần cân nhắc cho phù hợp quy định.
Về chính sách hỗ trợ cho các trường ĐH tư thục, Bộ trưởng cho hay Nhà nước khuyến khích xã hội hóa giáo dục và Bộ sẽ tiếp thu trong các đề xuất chính sách với Chính phủ…
Mê Tâm
Bình luận (0)