Điều lệ trường mầm non mới quy định, các trường mầm non tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên. Nhưng thực tế, chưa nói đến trẻ 3 tháng, ngay cả lớp cho trẻ từ 18-dưới 24 tháng tuổi hầu như cũng đã bị “xóa sổ” tại các trường công lập ở Hà Nội.
Hoàng Văn Thụ là một phường nằm trong quận Hoàng Mai, Hà Nội với quy mô dân số khá đông.
Năm học 2010-2011, trên địa bàn phường chỉ có duy nhất một trường mầm non là Hoàng Văn Thụ còn tuyển sinh lớp nhà trẻ từ 24-36 tháng nhưng số lượng cũng rất hạn chế (1 lớp).
Tuy nhiên, năm học 2011 này, Hoàng Văn Thụ cũng dừng nốt tuyển sinh lớp nhà trẻ.
Bà Trần Thị Ngọc Minh, Hiệu trưởng trường Hoàng Văn Thụ cho biết: Năm học trước, trường có một số phòng học diện tích nhỏ, không thể cải tạo thành lớp cho trẻ mẫu giáo. Một số giáo viên sắp đến tuổi nghỉ hưu của trường không bắt kịp với chương trình mầm non mới nhưng lại rất có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ nhỏ… Duy trì lớp nhà trẻ là cách trường tận dụng cơ sở vật chất và năng lực giáo viên. Nhưng, sang năm học 2011 này, qua khảo sát số trẻ 5 tuổi trên địa bàn phường quá đông, tới 297 cháu. Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi yêu cầu các trường phải ưu tiên nhận toàn bộ các cháu 5 tuổi trước. Khi còn chỗ mới tuyển tiếp trẻ 4 tuổi rồi 3 tuổi… Vì thế, trường tiếp nhận hết trẻ 5 tuổi trên địa bàn là đã quá tải, không thể còn chỗ nhận các bé từ dưới 36 tháng.
Vì ưu tiên nhận trẻ mẫu giáo nên nhà trẻ ngày càng teo dần – Ảnh: Ngọc Thắng |
Bà Nguyễn Tú Anh, Hiệu trưởng trường mầm non 10.10 (Q. Hoàng Mai) cũng cho biết: trẻ mẫu giáo càng đông thì số lớp dành cho trẻ trong độ tuổi nhà trẻ càng teo tóp. Ví dụ, năm học trước, trường còn phòng học để tuyển được 3 lớp nhà trẻ thì năm nay chỉ có thể tuyển được duy nhất 1 lớp. Dự báo năm sau thì lớp nhà trẻ sẽ bị xóa sổ luôn vì không có phòng trống. Tình hình cũng tương tự tại quận Đống Đa, trường mầm non Kim Liên cũng có 50 năm xuất phát từ mô hình nhà trẻ, nhưng nay thì cũng đã không thể duy trì lớp nhà trẻ được nữa.
Tại Q. Long Biên, năm học 2011, trường mầm non Hoa Sữa thuộc P. Phúc Đồng tuyển sinh 250 cháu, nhưng chỉ dành được 1 lớp cho trẻ nhà trẻ từ 24 tháng trở lên (60 cháu).
Bà Đỗ Mai Khanh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: việc trông trẻ nhỏ từ 3 tháng tuổi trở lên đòi hỏi chế độ chăm sóc đặc biệt. Một cô giáo chỉ có thể trông tối đa được 2,3 cháu. Nếu trường nhận 1 lớp 40 trẻ nhỏ thì sẽ phải tuyển thêm hơn 10 cô giáo có kỹ năng. Trong khi đó, mức phí trông trẻ nhà trẻ rất thấp và quá lạc hậu, chỉ 50.000 đồng/tháng trong khi trông trẻ nhà trẻ rất vất vả, độ rủi ro lại rất cao…. Bên cạnh đó, lớp nhà trẻ phải kèm theo các thiết bị “đặc dụng” như giường cũi riêng, xe nôi, xe tập đi, bình sữa…
Bà Đặng Thị Sáu, Phó chánh văn phòng Hội khuyến học Hà Nội, nguyên hiệu trưởng trường mẫu giáo Việt Bun đánh giá, trẻ dưới 12 tháng tuổi gần như không có nổi một chỗ học trường công nào tại Hà Nội. Trong khi đó, nhu cầu gửi con của người dân ở lứa tuổi này rất lớn.
“Đây là một hạn chế lớn của giáo dục mầm non. Chúng ta đã bỏ qua thời kỳ vàng của trẻ. Một số trẻ chậm nói, chậm phát triển, đó là hậu quả của việc thiếu môi trường giao tiếp, thiếu môi trường học tập cho trẻ”, bà Sáu nhận định.
Ước tính có khoảng hơn 70% trẻ ở độ tuổi nhà trẻ tại Hà Nội chưa được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở mầm non công lập.
Bà Sáu cho rằng: việc chăm các cháu vẫn trông chờ vào gia đình và trường ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình. Vì thế, trẻ phải chấp nhận cảnh “may nhờ rủi chịu”, nơi nào trường tư hoạt động tốt thì trẻ được nhờ, bằng không sẽ chấp nhận nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Theo Tuệ Nguyễn – La Giang
(TNO)
Bình luận (0)