Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường công lập tự chủ tài chính: Xếp hàng xin về công lập

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Là trường CLTCTC nhưng cơ sở vật chất của Trường Đống Đa, quận 4 khá chật chộiTừ năm học 2006-2007, hàng loạt trường bán công trên địa bàn thành phố được đổi tên thành trường công lập tự chủ tài chính (CLTCTC). Và cũng từ đó đến nay, không ít trường CLTCTC đã phải xin chuyển lại thành trường công lập (CL). Vì đâu nên nỗi?

sở vật chất vá víu

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non – Sở GD-ĐT: “Để hoạt động tốt, các trường CLTCTC phải hội đủ ba điều kiện: cơ sở vật chất tốt, chất lượng giáo dục tốt và có uy tín, trường nằm trên địa bàn dân cư có mức sống khá”. Bởi so với trường CL, trường CLTCTC có mức thu học phí, tiền cơ sở vật chất cao hơn. Song trên thực tế, phần lớn các trường CLTCTC lại có cơ sở vật chất xập xệ, chật chội…

Trường Tiểu học (TH) CLTCTC Đống Đa, Q.4 là một điển hình. Trường nằm sâu trong một hẻm nhỏ trên đường Tôn Thất Thuyết. Trường có 18 lớp với khoảng 700 học sinh nhưng chỉ có 16 phòng học. Chủ trương của Bộ GD-ĐT là trường TH phải học 2 buổi/ngày nhưng vì thiếu phòng nên không ít học sinh chỉ được học 1 buổi/ngày. Để kịp chương trình mỗi ngày những lớp 1 buổi phải học 5 tiết. “Học 4 tiết là vừa sức các em nhưng vì thiếu phòng nên đành phải để các em học 5 tiết. Hôm nào cũng vậy, cứ đến tiết thứ năm là em nào em nấy đều tỏ ra mệt mỏi, sức tập trung vào bài vở cũng kém”, cô Thanh Hà – GV Trường TH CLTCTC Đống Đa tâm tư. Không chỉ thiếu phòng học, Trường Đống Đa còn thiếu cả phòng chức năng. Hiệu trưởng, hiệu phó ngồi chung một phòng; kế toán, thủ quỹ chung một phòng; những bộ phận còn lại như thư viện, y tế học đường, văn thư, phòng họp… chung một phòng.

Q.1 hiện có 7 trường CLTCTC, trong đó có 4 trường mầm non (Bé Ngoan, Bến Thành, 30-4 và 20-10), 2 trường TH (Lương Thế Vinh và Lê Ngọc Hân) và 1 trường THCS (Huỳnh Khương Ninh). Trong đó cơ sở vật chất của Trường TH Lê Ngọc Hân và THCS Huỳnh Khương Ninh đều phải chắp vá. Trường THCS CLTCTC Huỳnh Khương Ninh, dù có tới 2 cơ sở nhưng giờ ra chơi, học sinh không có sân để vui chơi, giờ học thể dục thì phải ra ngoài học… Còn Trường TH Lê Ngọc Hân có 3 điểm, trong đó chỉ có điểm chính trên đường Sương Nguyệt Anh là tạm ổn,  2 điểm còn lại vừa chật chội vừa cũ kỹ. Nếu so với các trường CL trên địa bàn như Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường TH Trần Hưng Đạo, Trường TH Đinh Tiên Hoàng, THCS Minh Đức, THCS Võ Trường Toản, THCS Trần Văn Ơn thì cơ sở vật chất ở Trường Lê Ngọc Hân và Huỳnh Khương Ninh thua xa.

Trước đây Q.1 còn có thêm 2 trường CLTCTC là Trường TH Đuốc Sống và THCS Đồng Khởi. Song, do cơ sở vật chất của cả 2 trường đều không đạt yêu cầu, trường lại nằm trên địa bàn dân cư có mức sống tương đối thấp nên sau một thời gian chống chọi với khó khăn, cả hai trường phải “đầu hàng” và xin về trường CL.

Không chỉ Q.1 mà tình trạng trường CLTCTC xin về trường CL cũng diễn ra ở Q.Bình Thạnh. Trước đây, Q.Bình Thạnh có 4 trường THCS hoạt động theo mô hình trường CLTCTC, đó là: Trường Yên Thế, Điện Biên, Cù Chính Lan và Trương Công Định. Nhưng nay chỉ còn 2 trường là Cù Chính Lan và Trương Công Định. Ông Nguyễn Trọng Chức – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh cho biết: “Cơ sở vật chất của Trường THCS Yên Thế và Điện Biên chật hẹp nên không thu hút được học sinh. Do đó, quận đã chấp thuận cho 2 trường trở về loại hình trường CL…”.

Tương tự, ở Q.4 có 2 trường TH hoạt động theo mô hình CLTCTC nhưng năm học này chỉ còn 1 trường là Trường TH Đống Đa.

Khống chế thu, kiểm soát chi

Dẫu được gắn cho “cái mác” là trường tự chủ tài chính nhưng từ ba năm nay các trường CLTCTC vẫn phải thu học phí, CSVC theo quy định của UBND TP. Và điều đáng buồn hơn cả là mức thu này đã ra đời cách đây 10 năm, khi mà mức lương cơ bản chỉ có 240.000 đồng nhưng nay đã tăng lên 540.000 đồng.

Hầu hết các trường CLTCTC đều chung một cảnh ngộ “thu không đủ chi”. Từ nhiều năm nay, hầu như năm nào Q.1 cũng phải cấp bù 500-700 triệu đồng/trường cho các trường CLTCTC chi trả lương cho cán bộ – giáo viên. Trung bình mỗi năm Trường TH CLTCTC Đống Đa, Q.4 thiếu từ 400-500 triệu đồng để trả lương cho CB-GV. Theo đó năm nào Q.4 cũng cấp bù cho trường chừng đó tiền. Tuy nhiên cũng có một số quận không cấp bù cho trường khiến nhiều trường phải nợ lương của giáo viên. Thậm chí những giáo viên hợp đồng còn không được lãnh lương ba tháng hè…

Cụ thể như Trường Mầm non CLTCTC 12, Q.Tân Bình, thu được bao nhiêu thì chi bấy nhiêu, thiếu thì ráng mà xoay sở. Hiệu trưởng nhà trường – bà Ngô Ánh Thơm bức xúc: “Học phí trường công thu 40.000 đồng (mẫu giáo (MG)), 50.000 đồng (nhà trẻ (NT)), 50.000 đồng – phí tổ chức phục vụ và quản lý bán trú, 5.000 đồng – vệ sinh phí. Như vậy là mỗi tháng các trường CL thu từ 95.000 đồng (MG) và 105.000 đồng (NT). Còn ở trường CLTCTC thu 200.000 đồng (MG), 250.000 đồng (NT)/tháng và 5.000 đồng/tháng vệ sinh phí, tổng cộng là 205.000 đồng (MG) và 255.000 đồng (NT). Nếu chỉ làm một phép toán so sánh đơn giản thì sẽ thấy trường CLTCTC thu cao hơn trường CL từ 110-150.000 đồng/cháu/tháng. Nhưng trường CL được ngân sách trả lương cho CB-GV-CNV, tiền điện nước, trong khi đó trường CLTCTC phải tự hạch toán. Mức lương căn bản càng cao, trường càng nhiều CB-GV có thâm niên thì chúng tôi càng khó khăn. Nên chăng UBND TP, Sở GD-ĐT ra một mức học phí “trần”, chúng tôi sẽ căn cứ vào điều kiện của trường để thỏa thuận mức thu với phụ huynh học sinh…”. Ý kiến này cũng được rất nhiều hiệu trưởng trên địa bàn Q.1, Q.3, Bình Thạnh, Phú Nhuận đồng tình.

Một số hiệu trưởng trường MN CLTCTC trên địa bàn Q.3, Q.Tân Bình bức xúc: “Có lẽ ngành giáo dục nên xem xét lại cách thu tiền CSVC đối với  các trường CLTCTC. Trong khi ở trường CL, tiền CSVC được tách bạch ra rõ ràng gồm CSVC: 30.000 đồng, CSVC phục vụ bán trú: 150.000 đồng, học phẩm – học cụ: 50.000 đồng (NT) và 100.000 đồng (MG) thì trường CLTCTC lại thu nguyên một cục là 500.000 đồng/năm (NT), 600.000 đồng/năm (MG). Thu như vậy gây rất nhiều trở ngại cho các trường trong việc chi, chúng tôi không biết chi bao nhiêu cho công tác sửa chữa tu bổ trường lớp, bao nhiêu cho việc mua sắm đồ chơi, bao nhiêu cho việc trang bị học cụ, học phẩm. Nhà trường rất mong các cấp các ngành xem xét và tách bạch các khoản thu để việc chi được thuận lợi…”.

Việc chuyển đổi loại hình hoạt động từ trường CL sang bán công rồi CLTCTC là để người dân chia sẻ bớt gánh nặng ngân sách cho giáo dục. Tuy nhiên, nếu thành phố cũng như các quận, huyện không tạo điều kiện thuận lợi để các trường hoạt động thì sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra…

Bài & ảnh: Hòa Triều

Thành phố hiện có trên 75 trường CLTCTC, trong đó mầm non có tới 42 trường. Nếu so với các cấp học khác thì mầm non có nhiều khó khăn nhất. Quận nào “thoáng” trong việc thu – chi thì các trường được nhờ, quận nào quá nguyên tắc thì các trường sống dở chết dở…

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)