Chủ trương xã hội hoá giáo dục, phát triển mạnh hệ thống ĐH về số lượng nhưng thiếu giám sát chặt chẽ về chất lượng; việc Đà Nẵng, Hải Dương nói không với tại chức, Nam Định từ chối hệ tại chức, ngoài công lập… đang là vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, GS Trần Hữu Nghị- Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng khẳng định: Phân biệt bằng cấp công lập – dân lập là đi ngược chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Thưa ông, yếu tố xã hội hoá giáo dục ĐH đã đạt về số lượng các trường, nhưng về chất lượng thì đang còn nhiều vướng mắc. Quan điểm và giải pháp của ông về vấn đề này ra sao?
– GS Trần Hữu Nghị: Tôi có cảm giác rằng Nhà nước đang có sự quản lý dàn trải tất cả các trường. Ví dụ mấy năm vừa rồi, hàng trăm trường ĐH công và tư mọc lên, do đó chất lượng không đảm bảo. Bởi lẽ anh có tiền thì có thể xây nhà, nhưng anh không có đủ đội ngũ giáo viên đảm bảo, thì làm sao đào tạo chất lượng tốt? Anh vá chỗ này, sẽ hổng chỗ khác. Lẽ ra, khi Nhà nước cho thành lập các trường thì phải tính đội ngũ giáo viên có đủ đáp ứng nhu cầu? Đối với những trường Trung cấp, Cao đẳng lên ĐH, phải xem xét nội lực trường đó có đủ hệ thống giáo viên hay không thì mới được thành lập. Ngoài ra, tôi đề nghị các trường công lập nếu thành lập thì phải phân ra thành lập trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trường đặc thù. Ví dụ trường cho ngành Công an, ngành nguyên tử, vũ trụ. Đặc biệt, những trường thành lập mới phải là trường hàng đầu, trường "tinh hoa”. Có như thế mới dồn đủ điều kiện về tiền lực tài chính, cơ sở vật chất cho các trường đó phát triển.
Còn các trường khác thì hãy quay sang cho hoạt động như các trường ngoài công lập. Nghĩa là khi Nhà nước đã cung cấp kinh phí, có đội ngũ nhà giáo rồi, các trường sẽ phải tự sống, tự nỗ lực phát triển, tự chủ, tự quyết mọi vấn đề. Các nguồn tài chính nên đầu tư cho các trường trọng điểm để vươn tầm có chất lượng đạt ngang các trường quốc tế và trong khu vực. Tức là cuộc cạnh tranh lúc này sẽ công bằng hơn, không phân biệt trường công, trường tư.
Trước sự kiện Đà Nẵng, Hải Dương nói không với tại chức, Nam Định từ chối ứng viên tốt nghiệp ĐH ngoài công lập, ông có nhận xét gì về hệ lụy phát sinh nếu các địa phương khác sẽ đồng loạt thực hiện vào năm tới?
– Điều đó trái với Luật giáo dục. Vì luật giáo dục đều xem bằng cấp trường công cũng như trường tư đều ngang bằng. Có chăng, khi thi tuyển có thể ra đề thi sàng lọc, tất cả đều thi một cách công bằng, ai không đáp ứng được thì hãy loại. Khi Nam Định làm điều này, đồng nghĩa đã tự "giết” trường ĐH ngoài công lập ngay trên địa bàn. Vì thí sinh địa phương còn không dám vào, làm sao thu hút được thí sinh các tỉnh khác? Nếu các địa phương khác thực hiện như Nam Định, nghĩa là đi ngược chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng, Nhà nước.
Thưa ông, việc Nam Định từ chối cử nhân ĐH ngoài công lập, phải chăng là cơ hội cho vùng sâu, vùng xa sẽ nhận đối tượng này?
– Tôi nghĩ rằng đẩy những đối tượng mà địa phương anh tự cho là không chất lượng sang địa phương khác, là điều rất đáng tiếc. Rằng, muốn dùng một cán bộ công chức tốt, phải hội tụ đủ các yếu tố về mọi mặt như đạo đức, năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, sức khoẻ. Nhưng anh lại không dùng nó và đẩy cho miền núi, vùng sâu vùng xa là không nên. Đừng bao giờ nghĩ rằng hệ thống này, hay hệ thống kia là không đáp ứng được. Trường ĐH ngoài công lập cũng có rất nhiều trường đáp ứng yêu cầu trên. Bất kỳ trường nào, khi sinh viên ra trường đều có chuẩn riêng của nó. Thế còn mức độ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng đòi hỏi đến đâu thì là chuyện khác. Không phải nhà trường đều có thể dạy hết mọi thứ, sinh viên ra trường còn phải cọ sát, va chạm miệt mài mới dần đi đến hoàn thiện.
Ông nhận xét gì về chất lượng đầu vào ĐH hiện nay, đặc biệt là việc áp dụng điểm sàn có phải là tối ưu hay cần thay đổi?
– Tôi chưa bao giờ nghĩ là phải bỏ điểm sàn, đã có "3 chung” là phải có điểm sàn. Nhưng điểm sàn phải lấy thế nào để phù hợp với bài thi năm đó, với trình độ và điều kiện. Điểm sàn là mức để khẳng định thí sinh có thể đủ điều kiện vào học. Bởi vậy sẽ có thí sinh đạt 13 điểm, cũng sẽ vào ĐH như thí sinh đạt 20 điểm. Nhưng câu hỏi tôi đặt ra là sau 4 năm, thí sinh đạt 20 điểm có chắc đã học bằng thí sinh 13 điểm hay không? Vấn đề đó còn phụ thuộc vào quá trình đào tạo, sự nỗ lực học hỏi phấn đấu của người học. Chứ không phải cứ đầu vào đạt điểm cao, là đầu ra sẽ luôn chất lượng. Như trường chúng tôi điểm đầu vào không cao, nhưng vừa rồi trường có sinh viên Phạm Duy Thanh tham dự cuộc thi tin học của Microsof, đạt 1000/1000 điểm, đứng thứ 3 trong tổng số 87 trường ĐH Việt Nam (được lựa chọn tiếp để dự kỳ thi Tin học quốc tế). Điều đó khẳng định, sau 4 năm nỗ lực của cả thầy, lẫn trò, chất lượng đầu ra sẽ khác, không căn cứ vào điểm sàn, đầu vào.
Có ý kiến cho rằng, đào tạo ĐH Việt Nam còn tồn tại hình thức đầu vào khó, đầu ra rất dễ?
– Đáng lý đầu vào không nên quy định cụ thể bao nhiêu chỉ tiêu. Có thể cho 100%, 125% chỉ tiêu, còn quá trình đào tạo sẽ có sự đào thải. Thực tế hiện nay, việc áp chỉ tiêu mang màu sắc "chỉ tiêu cho bao nhiêu, ra trường bấy nhiêu”, không cần điều kiện gì cũng đều ra trường, tốt nghiệp 100%. Vì đầu ra không tương xứng với đầu vào (về số lượng), thì trường ảnh hưởng, mất thương hiệu. Theo tôi nói trên phương diện một cách khách quan. Phải tự làm cho sản phẩm mình tốt, thì xã hội sẽ tự nhìn nhận đó là tốt.
Phải chăng, việc Đà Nẵng, Nam Định từ chối hệ tại chức, ngoài công lập, tư thục là một phản ứng khá "tự nhiên” của các địa phương nghi ngại trước chất lượng giáo dục ĐH còn nhiều bất cập và việc xã hội hoá mở trường ĐH tràn lan, thưa ông?
– Điều đó cũng đúng một phần. Tôi cho rằng, trong một thời gian ngắn, hàng trăm trường ĐH được mở tràn lan, nội lực không đủ, tất phải kém về chất lượng. "Tội đó” phải thuộc về các cấp có thẩm quyền, vì cấp quản lý phải giám sát tiềm năng của trường xin mở (hệ thống giáo viên, cơ sở vật chất) trước khi cho thành lập, nhằm đảm bảo chất lượng. Xã hội nhìn nhận các trường ĐH được thành lập liên tục, nở rộ, tự nhiên sẽ có sự nghi ngờ chất lượng. Điều đáng buồn là không nghi trường ĐH công lập, mà nghi trường tư.
Theo Anh Thắng – Ngọc Ước
(daidoanket)
Bình luận (0)