Trường THCS Phan Công Hớn, ngập nặng sau cơn mưa nhẹ
|
Vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn và các sở, ban, ngành về việc xây dựng trường lớp phục vụ cho việc dạy và học trên địa bàn huyện Hóc Môn (TP.HCM) năm học 2011-2012.
Báo cáo tại buổi họp, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết: “Hiện nay trên toàn huyện có tổng số 70 trường của các bậc học. Tuy nhiên, do lượng dân nhập cư đến huyện năm sau luôn cao hơn năm trước, và cụ thể là trong năm học 2011-2012, toàn huyện sẽ tăng gần 6.000 học sinh (HS), trong đó khối tiểu học tăng 3.600 HS. Với số HS tăng “đột biến” như vậy cùng với việc một số dự án xây dựng mới trường, lớp học không kịp đưa vào sử dụng trong năm học tới chắc chắn sẽ thiếu phòng học nghiêm trọng”.
Chậm giải ngân vốn
Theo báo cáo của huyện Hóc Môn, hiện tại số dự án đang thi công (công trình chuyển tiếp) là 13 trường. Trong đó, có 11 trường xây mới gồm 3 trường MN, 4 trường TH, 1 trường THCS, 3 trường THPT và 2 trường nâng cấp mở rộng. Dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm học 2011-2012 Trường MN Tân Hòa, Bà Điểm, TH Tây Bắc Lân và Trường THPT Lý Thường Kiệt. Các trường còn lại đã được khởi công năm 2010 và sẽ đưa vào sử dụng trong năm học 2012-2013. Ngoài ra toàn huyện đang chuẩn bị khởi công xây mới 3 trường và chuẩn bị lập dự án xây mới 26 trường của các bậc học. Cũng theo báo cáo thì tính tới ngày 20-7 huyện đã giải ngân được gần 70 tỷ chiếm tỷ lệ 86,3% kế hoạch nguồn vốn ngân sách TP giao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Thái Châu, Tổ trưởng Tổ liên ngành TP, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính (KH-TC) Sở GD-ĐT không đồng tình với báo cáo này: theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước cho thấy, trong 6 tháng đầu năm huyện Hóc Môn mới chỉ giải ngân được 48,140 triệu đồng (67,71%). Chính việc giải ngân chậm đã ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch xây dựng trường, lớp trên địa bàn huyện. Ngoài ra, việc lãnh đạo huyện chưa chỉ đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BBTGPMB) và Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình (BQLĐTXDCT) của huyện trong việc tham mưu cho lãnh đạo huyện và đưa ra những cách làm quyết liệt trong việc thu hồi giải phóng mặt bằng của những công trình xây dựng mới trường, lớp học nên mới dẫn tới việc thiếu hụt trầm trọng này”. Bà Nguyễn Thị Huyền Nhung (đại diện Sở KH-ĐT), thành viên tổ liên ngành trăn trở: “Hiện nay, huyện vẫn còn chậm triển khai dự án nhưng vướng mắc từ đâu vẫn chưa thấy báo cáo”. Bà Lê Xuân Nga, Giám đốc BQLĐTXDCT huyện Hóc Môn phân trần: “Tại địa bàn huyện Hóc Môn, một số công trình xây dựng trường học tuy đã được triển khai, GPMB trên 50% nhưng nguồn ngân sách đã “cạn” nên chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền để tạm ứng cho các công trình này. Các đơn vị xây dựng phải tạm dừng thi công để chờ vốn, vì vậy, áp lực thiếu trường, lớp ngày càng trầm trọng, đặc biệt là khối tiểu học, trong đó nổi bật như các trường: TH Tây Bắc Lân, Trần Văn Mười, Dương Công Khi, Tam Đông 2…”. “Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới trường, lớp, huyện Hóc Môn kiến nghị với TP bổ sung vốn đợt 2 trên 223 tỷ đồng để thực hiện tiếp các công trình theo kế hoạch. Trong đó bố trí vốn khởi công mới cho 3 công trình là TH Xuân Thới Thượng, Trần Văn Danh và THPT Nguyễn Hữu Cầu”, bà Tuyết kiến nghị.
Thi công… rùa bò
Trường TH Tây Bắc Lân có dự án xây dựng cũng gần 10 năm nay, trải qua hai đời hiệu trưởng dự án mới được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, do số HS luôn tăng đột biến, nhà trường phải chia nhỏ ra 5 cơ sở để dạy và học. Vì vậy việc thiếu sân chơi cho HS là điều hiển nhiên. Thầy Trương Văn Hậu, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do số HS mỗi năm một tăng cao, nhà trường đành phải mở thêm 4 điểm dạy khác mới đủ chỗ cho các em học. Ngay ở cơ sở chính (số 7 Nguyễn Thị Sóc), trước đây trường còn có một khoảng sân nhỏ cho các em sinh hoạt ngoài trời. Vừa qua, do mở rộng đường vào tới cửa lớp, thầy và trò không còn sân chơi, mọi sinh hoạt được tổ chức ngay dưới tầng trệt. Đường ngay sát cửa lớp, bụi và tiếng ồn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc dạy và học. Biết là vậy, nhưng chúng tôi chỉ còn biết chờ và đợi? Chất lượng giảng dạy chắc chắn ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, thầy và trò của trường chỉ biết động viên nhau gồng gánh. Chúng tôi cũng đang rất mong mỏi và hi vọng bước vào năm học mới 2011-2012, thầy và trò sẽ được chuyển qua ngôi trường mới đang được xây dựng… Nhưng với tiến độ thi công như “rùa bò” hiện nay mà thời gian bước vào năm học mới đã cận kề, chắc cũng khó có được chỗ học mới”. Còn theo ông Thuấn – cán bộ phụ trách cơ sở vật chất Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn thì: “Trường TH Tây Bắc Lân, Tam Đông 2, Trần Văn Mười, Dương Công Khi và THCS Phan Công Hớn, Tân Xuân… là những ngôi trường rất khó khăn về CSVC trong việc dạy và học. Lãnh đạo huyện đã chủ động lên kế hoạch xây mới nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc đền bù giải tỏa. Nhiều hộ dân không chấp nhận phương án di dời và hỗ trợ của huyện. Vì vậy, tuy đã có nhiều dự án xây mới trường, lớp học được khởi công nhưng tiến độ rất chậm và khó hoàn thành được trong năm 2011”. Trước thực trạng CSVC thiếu thốn, trường lớp xuống cấp một cách trầm trọng, Ban giám hiệu nhiều trường đã nhiều lần kiến nghị tới các cấp lãnh đạo. Nhưng câu trả lời cuối cùng vẫn là: vướng giải phóng mặt bằng. “Trên địa bàn huyện Hóc Môn có tất cả 70 trường. Riêng trường học tạm bợ chắp vá, CSVC thiếu thốn và cần được đầu tư xây dựng mới chiếm khoảng 30%”, Ông Phan Văn Kèo, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn nêu thực tế.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Tại buổi làm việc, qua báo cáo của huyện và các sở, ban, ngành, Phó chủ tịch Hứa Ngọc Thuận kết luận: “Lãnh đạo huyện cần rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo và giám sát việc thực hiện xây dựng các dự án dân sinh, đặc biệt là những dự án về xây dựng trường lớp. Đồng ý cấp thêm 167 tỷ đồng cho các dự án xây dựng trường, lớp học nhưng phải hoàn thành các dự án này trong năm 2011 và lãnh đạo huyện phải củng cố nhân lực, sao cho tinh gọn nhưng hiệu quả trong công việc đối với Ban Quản lý dự án”.
|
Bình luận (0)