Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trường đại học chuyển hướng đào tạo liên ngành, xuyên ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2021, hàng loạt trường ĐH chuyển sang đào tạo theo hướng liên và xuyên ngành, tích hợp các lĩnh vực khác nhau trong cùng một ngành đào tạo. Những ngành học này không chỉ mới lạ về tên gọi mà cả chương trình học, bằng cấp.
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm 2020 /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm 2020. ĐÀO NGỌC THẠCH
Tạo ra một lực lượng lao động kiểu mới
Trong phương án tuyển sinh năm nay, điểm đáng chú ý của nhiều trường là sự xuất hiện của nhiều ngành học mới với tên lạ. Tên các ngành học này đều có xu hướng dài và có sự kết hợp của nhiều lĩnh vực ngành nghề.
Năm 2021, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có 6 ngành mới, trong đó có quản trị kinh doanh thực phẩm, kinh doanh thời trang và dệt may. Theo thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông trường này, đây là 2 ngành có tính chất liên ngành. Trong đó, kinh doanh thời trang và dệt may trang bị kiến thức của các lĩnh vực kinh tế, quản lý, thời trang và dệt may giúp người học trở thành một nhà kinh doanh trong lĩnh vực trên. Trong khi đó, ngành quản trị kinh doanh thực phẩm chuyên đào tạo các nhà quản lý cho doanh nghiệp kinh doanh và chế biến thực phẩm. Sinh viên 2 ngành này sẽ học 3 năm rưỡi và nhận bằng cử nhân.
Quản lý đô thị thông minh bền vững cũng là ngành mới có tính liên ngành được tuyển sinh tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong năm nay. Ngành học này là sự kết hợp các nhóm kiến thức liên quan đến môi trường, quản lý và công nghệ thông tin. Trước đây, theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, một số ngành của trường này cũng được mở theo hướng xuyên ngành với sự kết hợp nhiều khối kiến thức trong cùng lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật như: robot và trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử. Các ngành này là sự kết hợp giữa cơ khí, tự động hóa và công nghệ thông tin.
Cũng theo xu hướng liên ngành, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm nay có nhiều chuyên ngành mới như: du lịch số, kinh tế số, tin – sinh học, công nghệ tài chính… Tất cả các ngành này đều là xu hướng tích hợp giữa 2 lĩnh vực ngành nghề có liên quan với nhau để tạo ra một lực lượng lao động kiểu mới.
Trước đó, từ năm 2019, một số trường khác cũng đã có ngành mới được mở theo hướng này. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội có ngành quản trị thông tin và Việt Nam học (dành cho người Việt Nam). Trường ĐH Hà Nội có ngành truyền thông đa phương tiện – kết hợp giữa truyền thông và công nghệ thông tin. Trường ĐH Kinh tế quốc dân có ngành kinh doanh số, cũng là khoa học liên ngành công nghệ thông tin, kinh doanh và phân tích dữ liệu. Năm ngoái Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội cũng tuyển sinh nhiều ngành theo hướng này như: quản lý phát triển đô thị và bất động sản, kỹ thuật điện tử và tin học, khoa học thông tin địa không gian, công nghệ quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường…
Đáp ứng nhu cầu nhân lực
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân nhìn nhận xu hướng đào tạo ĐH liên ngành đang tăng lên trong thời đại kỷ nguyên số để đáp ứng nhu cầu lao động mới. Ở đó kỹ sư các khối ngành kỹ thuật khi tham gia vào thị trường lao động đòi hỏi phải có sự giao thoa của nhiều ngành nghề khác nhau.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết trường có một số ngành đào tạo trang bị đồng thời nhiều kiến thức trong lĩnh vực kỹ thuật cho sinh viên như: hệ thống kỹ thuật công trình xây dựng, quản lý và khai thác hạ tầng, robot và trí tuệ nhân tạo… Theo ông Dũng, thực tế các thiết bị và công trình không tồn tại đơn lẻ mà tích hợp nhiều lĩnh vực, đòi hỏi kỹ sư làm việc phải tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực. Do vậy, người học ra trường sẽ nhanh chóng thích ứng với công việc, đơn vị sử dụng cũng đỡ tốn công đào tạo bổ sung.
Tuy nhiên, theo ông Dũng: “Mặc dù liên ngành nhưng chương trình đào tạo vẫn phải đảm bảo tối thiểu 53% kiến thức các môn cơ sở ngành và chuyên ngành chính. Bởi trong thời đại kỷ nguyên số mọi thứ thay đổi nhanh chóng, ngành nghề mới ra đời và mất đi liên tục thì người học vẫn kịp thời thích ứng với sự thay đổi đó”.
Ngành mới theo hướng liên ngành tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng tương tự. Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa cho biết trong ngành mới liên ngành sẽ có một lĩnh vực chính và một lĩnh vực phụ. Chẳng hạn, ngành quản trị kinh doanh thực phẩm sẽ gồm 70% kiến thức về công nghệ thực phẩm, phần còn lại về quản trị kinh doanh.
Còn tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết năm nay trường sẽ triển khai đào tạo liên ngành theo hướng song ngành. Theo đó, sinh viên ngành chính sau khi hoàn tất bằng 1 có thể học để tích lũy thêm kiến thức để nhận bằng thứ 2 – ngành thứ 2 có sự tích hợp giữa cả 2 ngành. Chẳng hạn, sinh viên ngành công nghệ thông tin học đủ 150 tín chỉ được cấp bằng kỹ sư ngành này, sau đó nếu hoàn thiện trên 50 tín chỉ các học phần có liên quan đến du lịch, sẽ nhận thêm bằng cử nhân du lịch số.
“Đây chưa phải là những ngành mới mà thực chất là hình thức đào tạo song ngành, cách để thử nghiệm hướng đào tạo mới liên ngành”, tiến sĩ Lưu chia sẻ.
Tên gọi ngành đào tạo được quy định ra sao ?
Thông tư 22/2017 của Bộ GD-ĐT quy định về mở ngành đào tạo trình độ ĐH ghi rõ, tên ngành đăng ký đào tạo cần có trong danh mục giáo dục đào tạo theo quy định. Trường hợp ngành đăng ký chưa có trong danh mục này, cơ sở đào tạo phải làm rõ luận cứ khoa học, nhu cầu của xã hội về ngành mới này (trong đó có ít nhất 2 ý kiến về sự cần thiết đào tạo của 2 cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo). Ngành đăng ký phải phù hợp với nhu cầu xã hội và người học, yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vùng miền và cả nước; phù hợp chức năng, nhiệm vụ của nơi đào tạo.
Theo Hà Ánh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)