Vai trò quản lý đào tạo của bộ chủ quản trở nên rất mờ nhạt, thậm chí vô nghĩa trong mô hình kinh tế mới và thực tiễn quản trị giáo dục đại học.
Mô hình "cũ" trong điều kiện mới
Trong nền kinh tế trước đây, bộ máy hành chính phục vụ cho mô hình bộ chủ quản của trường đại học có thể rất phù hợp.
Các trường ĐH cần "tự chủ" nhiều hơn trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh minh họa
|
Ở trung ương, các bộ “chuyên ngành” được hình thành và đi kèm với chúng là hệ thống các trường chuyên nghiệp (đại học và trung học chuyên nghiệp) cũng mang tính chuyên ngành hẹp thuộc các bộ chủ quản.
Lúc đó, nhân lực đào tạo ra phục vụ cho chính bộ chủ quản và chủ yếu cho các cơ quan, xí nghiệp nhà nước.
Các trường chỉ lo đào tạo theo kế hoạch, chỉ tiêu đầu vào, phân công công tác sau tốt nghiệp đã có bộ chủ quản lo; nguồn tài chính được bộ chủ quản cấp theo kế hoạch; chương trình đào tạo xây dựng theo yêu cầu nhân lực của bộ ngành.
Trong môi trường đó, nhà trường mất đi tính chủ động, lệ thuộc hoàn toàn vào bộ chủ quản từ A đến Z, thiếu trách nhiệm xã hội, v.v…
Đây là mô hình quản lý giáo dục đại học của các quốc gia theo nền kinh tế kế hoạch – tập trung – quan liêu bao cấp xưa kia.
Nhưng hiện nay, vai trò quản lý đào tạo của bộ chủ quản trở nên rất mờ nhạt, thậm chí vô nghĩa trong mô hình kinh tế mới và thực tiễn quản trị giáo dục ĐH.
Bộ, ngành có trường đại học đã không thể dự báo, xác định được nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trong những lĩnh vực khác nhau và cũng không thể quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo phục vụ cho ngành.
Nhưng vì nắm trong tay quyền phân bổ nguồn lực, nên bộ chủ quản trở thành cơ quan đầy quyền uy đối với trường đại học.
Các trường trực thuộc đều phải báo cáo và “xin” bộ từ việc xây dựng quy hoạch chiến lược nhà trường, đến mua sắm thiết bị, xây dựng nhà cửa, phòng thí nghiệm, những vấn đề về biên chế, nhân sự…
Cơ quan chủ quản có thẩm quyền “cho” trong cái cơ chế “xin – cho” dích dắc, lắm ngõ ngách, thiếu minh bạch nhưng lại ít chịu trách nhiệm trong quản lý chất lượng.
Không ít trường chỉ biết “than trời” do những cuộc thanh tra, kiểm tra triền miên của nhiều cơ quan trong bộ chủ quản.
Đó là chưa nói đến sự kiểm tra của Bộ GD-ĐT. Hết công đoàn ngành về kiểm tra toàn diện lại đến đảng ủy Bộ về kiểm tra; Vụ Tổ chức đào tạo, Vụ Kế hoạch – Tài chính của Bộ vừa ra đi thì thanh tra Bộ, bộ phận Thi đua lại đến…
Thế nhưng những sai phạm của cơ sở đào tạo được phát hiện phần nhiều lại không phải do các đoàn kiểm tra lần ra. Bài học của ĐH Quy Nhơn vẫn còn đó.
Thế nhưng những sai phạm của cơ sở đào tạo được phát hiện phần nhiều lại không phải do các đoàn kiểm tra lần ra. Bài học của ĐH Quy Nhơn vẫn còn đó.
Trao quyền để "trả" lại sự năng động
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các trường đại học phải rất năng động để có thể tồn tại và phát triển thì với cơ chế bộ chủ quản đã vô tình cản lại sự năng động đó.
Bỏ cơ chế bộ chủ quản để tạo ra không gian và môi trường cho sự phát triển GDĐH, trên cơ sở giao cho trường đại học các quyền tự chủ chính về các mặt: nhiệm vụ, con người, tài chính và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, dưới sự giám sát chặt chẽ của hội đồng trường và của xã hội.
Bộ GD-ĐT cũng không nên là bộ chủ quản của các trường, làm thay việc cho các trường.
Mà phải bao gồm các cán bộ chuyên nghiệp với các nhiệm vụ chính là tạo môi trường cho giáo dục phát triển, thiết kế mô hình quản lý mới (ví dụ như hội đồng các hiệu trưởng), xây dựng chính sách, thể chế hóa các chính sách bằng việc tạo ra hành lang pháp lý, huy động nguồn lực của xã hội, điều tiết, kiểm tra, giám sát và đánh giá.
Còn duy trì cơ chế chủ quản đối với giáo dục ĐH, các trường ĐH của ta sẽ vẫn “còi cọc” và chịu đầy thách thức trong hội nhập quốc tế.
TS. Hoàng Ngọc Vinh (Bộ GD-ĐT)
Vietnamnet
Bình luận (0)