Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM (HUI) được biết đến là một trong những đơn vị giáo dục đại học, kỹ thuật và đào tạo nghề lớn nhất tại Việt Nam. Hàng năm, Trường cung cấp các dịch vụ đào tạo đa ngành, đa nghề, đa bậc học cho hàng chục ngàn sinh viên từ khắp mọi miền đất nước. Với hơn 1.300 giảng viên có trình độ chuyên môn – tay nghề cao, Nhà trường luôn đề cao phương châm nâng cao chất lượng đào tạo trong quá trình hoạt động; đặc biệt, Nhà trường vừa công bố chuẩn đầu ra trong tất cả các ngành nghề và bậc đào tạo. Tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với TS. Tạ Xuân Tề – Hiệu trưởng Nhà trường.
* Thầy có thể giải thích thêm về chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo mà trường đang thực hiện?
– TS. Tạ Xuân Tề: Chuẩn đầu ra là chủ trương của Bộ GD-ĐT. Theo đó, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra là điều cần thiết để công khai với xã hội về sản phẩm trường đào tạo ra, người học hình dung sau quá trình đào tạo có thể làm được việc gì và nhà tuyển dụng biết được sản phẩm đào tạo của trường. Về kết cấu, chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo của trường gồm 5 phần: kiến thức, kỹ năng, thái độ, vị trí công tác và hướng phát triển. Tuy nhiên, chuẩn đầu ra là một khái niệm động, vì thế nhà trường sẽ thực hiện phù hợp theo tình hình thực tế của mình.
* Là đơn vị có phong trào nghiên cứu khoa học phát triển mạnh, thầy đánh giá thế nào về vai trò của nghiên cứu khoa học trong sự phát triển chung của trường?
– TS. Tạ Xuân Tề: Học – hành – nghiên cứu – phục vụ đời sống là quy trình của việc học. Vì vậy, vai trò của nghiên cứu khoa học không chỉ dừng lại ở sự phát triển chung của trường, mà còn ảnh hưởng lớn đến sự tiến bộ của xã hội. Hiện Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có 3 đề tài cấp nhà nước được triển khai với tổng kinh phí thực hiện gần 10 tỷ đồng. Trong đó, đề tài “Nghiên cứu và chế tạo hệ thống máy và thiết bị cắt trong, vớt bèo tây, cỏ rác trên kênh rạch” của Th.S Bùi Trung Thành làm chủ nhiệm được thực hiện tại Trung tâm Máy và Thiết bị công nghiệp của trường, đã hoàn thành và chạy thử nghiệm ở Tây Ninh có hiệu quả cao. Đặc biệt, trong hội nghị khoa học lần 3 này có sự tham gia của tiểu ban sinh viên bên cạnh 3 tiểu ban khác của các giảng viên, cán bộ trong trường, đánh dấu sự trưởng thành, độc lập của phong trào NCKH trong sinh viên.
* Và đó là tiền đề cho sự thành công của trường tại Hội thi tay nghề thế giới lần thứ 40?
– TS. Tạ Xuân Tề: Sự thành công của thí sinh Chu Tiến Dũng (ĐH Công Nghiệp TP.HCM) tại Hội thi tay nghề thế giới lần thứ 40 đánh dấu sự đầu tư chiến lược của trường đang đi đúng hướng. Chúng ta điều biết, để đạt chứng chỉ xuất sắc tại hội thi, thí sinh phải ghi từ 500 điểm trở lên và em Dũng đã đạt điểm cao nhất đoàn với 520. Hội thi tay nghề lần này có 900 thí sinh tham gia, đoàn Việt Nam cử 10 thí sinh tham dự 9 trong tổng số 45 nghề của hội thi, gồm: công nghệ thông tin; thiết kế web; dịch vụ nhà hàng; nấu ăn; cơ điện tử; mộc dân dụng; điện tử công nghiệp; điện dân dụng và điện lạnh. Tuy nhiên, cũng phải thấy chúng ta còn kém so với nhiều cường quốc có nền kinh tế phát triển.
* Liên kết đào tạo quốc tế, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến là một trong những chiến lược của trường?
– TS. Tạ Xuân Tề: Có thể nói, các chương trình liên kết, hợp tác đào tạo quốc tế đã góp phần không nhỏ trong tiến trình nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Hiện nay, ngoài các đối tác đến từ các quốc gia có nền công nghệ cao, giàu truyền thống đào tạo của châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và các nước trong khu vực, hàng năm, Nhà trường còn cung cấp các chương trình đào tạo hiện đại ở các bậc cao đẳng, đại học, sau đại học… có liên thông trong nước và quốc tế trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật Điện, Điện tử, Cơ khí, Kỹ thuật Môi trường và Công nghệ May thời trang…
* Định hướng phát triển của Nhà trường trong thời gian tới?
– TS. Tạ Xuân Tề: Với một tập thể đoàn kết, tâm huyết, Nhà trường tin tưởng sẽ hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình. Trong đó gồm các mục tiêu: Xây dựng Nhà trường trở thành một trung tâm đào tạo đa cấp, đa ngành theo hướng tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp CNH – HĐH đất nước. Phấn đấu trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia; trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ, có các công trình nghiên cứu khoa học đạt giải quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2015 trở thành trường đại học đạt chất lượng đẳng cấp quốc tế.
* Xin cám ơn Thầy!
“Với những nỗ lực của nhà trường, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều phần thưởng cao quý:
* Huân chương Lao động hạng ba năm 1995
* Huân chương Lao động hạng nhì năm 1999
* Huân chương Lao động hạng nhất năm 2004
Đặc biệt Đồng chí Tạ Xuân Tề, Hiệu trưởng nhà trường được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2005.
Từ năm 2006 – 2008, hội thi học sinh giỏi nghề Asean, trường đã đạt nhiều huy chương vàng, bạc và đồng góp phần đưa đoàn Việt nam đạt thứ hạng cao toàn đoàn, đây là niềm tự hào của nước ta cũng như của nhà nhà trường trong xu thế hội nhập thế giới”.
|
Thanh Tàu
Bình luận (0)