Trên thực tế, nhiều trường ĐH đang cố “đẻ” ra không ít khoản thu phụ bên cạnh học phí vốn đã không nhỏ đối với sinh viên, đặc biệt là những sinh viên nghèo.
Cầm giấy báo trúng tuyển trên tay, T. cùng vài người bạn vừa trúng tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM háo hức đến trường làm thủ tục nhập học. Thế nhưng, sự háo hức của T. bắt đầu lùi dần khi đọc thông báo học phí được niêm yết trên bản tin phòng kế hoạch tài chính của trường. Nhẩm đi tính lại T. bỗng thấy choáng với gần 10 đầu mục lệ phí phải đóng. Là một trường đại học công lập chính hiệu nhưng học phí và những khoản thu của trường lại khá lạ lẫm so với nhiều trường công lập khác.
Muôn hình vạn trạng khoản thu
Ngoài học phí phải đóng như những trường ĐH công lập khác, sinh viên hệ ĐH khóa 1 học theo niên chế sẽ phải đóng thêm 200.000 đồng/học kỳ tiền cơ sở vật chất. Thêm vào đó là 100.000 đồng lệ phí thư viện. Nếu cộng với 900.000 đồng học phí, sinh viên chính quy khóa 1 sẽ phải đóng 1.200.000 đồng/học kỳ. Đối với sinh viên ĐH theo học hệ liên thông, số tiền này còn cao hơn gần gấp đôi. Đặc biệt, sinh viên bậc CĐ phải đóng tiền cơ sở vật chất nhiều hơn hẳn sinh viên ĐH với số tiền 350.000 đồng/học kỳ cùng lệ phí thư viện 100.000 đồng. Nhưng đó vẫn chưa phải là mức cao nhất. Những học sinh học hệ trung cấp bốn năm còn phải đóng tiền cơ sở vật chất xấp xỉ học phí với 500.000-600.000 đồng/học kỳ.
Sinh viên học theo hình thức tín chỉ cũng không được loại trừ khỏi cách thu tiền lạ lùng này. Trường chia đều phí cơ sở vật chất ra từng tín chỉ để buộc sinh viên phải nộp. Theo đó, cứ mỗi tín chỉ sinh viên ĐH đóng 52.000 đồng học phí, đồng thời đóng thêm 28.000 đồng tiền cơ sở vật chất.
Và cũng giống như đào tạo theo niên chế, cứ bậc học càng thấp, phí cơ sở vật chất lại càng cao. Chưa hết, sinh viên mới của trường còn phải chi trả không ít các khoản linh tinh khác như đồng phục, thẻ sinh viên – bảng tên… Nhờ “sáng tạo” cách thu như vậy nên trường này có một cách miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo, sinh viên diện chính sách không giống ai. Theo chính sách này, sinh viên thuộc diện miễn hay giảm học phí chỉ được tính trên số tiền học phí. Riêng tiền cơ sở vật chất vẫn phải đóng đủ cho trường.
Chỉ đóng học phí và lệ phí tuyển sinh Theo điều 105 Luật giáo dục, ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác. Điều lệ trường ĐH do Chính phủ ban hành cũng quy định người học chỉ phải đóng học phí và các khoản khác theo quy định hiện hành của Nhà nước. Đối với nhà trường, điều lệ cũng quy định trường chỉ thu học phí và lệ phí từ người học theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, các trường không được thu những khoản phí do mình đặt ra. Một trường ĐH công lập khác ở miền Trung cũng nổi tiếng với những khoản thu “lạ” lên đến hàng triệu đồng. Ngoài học phí, sinh viên trường này phải gồng thêm những khoản thu: quỹ hỗ trợ hoạt động phong trào 200.000 đồng/sinh viên; hỗ trợ in giáo trình, thiết bị, tài liệu 400.000 đồng/sinh viên; tiền bảo hiểm tài sản 500.000 đồng/sinh viên… |
Thu cả phí… đếm tiền!
Tiền thuê máy tính thực hành cũng là một trong những khoản thu rất vô lý hiện được khá nhiều trường ĐH đặt ra với sinh viên. Nói vô lý bởi nội dung thực hành vốn nằm trong chương trình học.
“Tích cực” thu khoản này nhất có thể kể đến Trường ĐH bán công Marketing. Những sinh viên ngành hệ thống thông tin kinh tế của trường cho biết khi học môn kế toán trên máy tính, trường buộc phải đóng 150.000 đồng/sinh viên. Với một lớp 100-150 sinh viên, số tiền thu được là không nhỏ.
Cũng tại trường này, nhiều sinh viên chỉ biết kêu trời khi trường buộc sinh viên bậc ĐH hệ không chính quy phải đóng đến 2.200.000 đồng/sinh viên cho mỗi lần trả nợ thực tập tốt nghiệp, trong khi lệ phí thực tập tốt nghiệp lần đầu tiên đã thu 500.000 đồng/sinh viên. Những sinh viên này nếu phải trả nợ thi tốt nghiệp còn phải đóng đến 500.000 đồng/môn thi. Phi lý hơn nữa là chi phí trả nợ môn học. Trường yêu cầu sinh viên phải nộp 90.000 đồng cho mỗi đơn vị học trình phải trả nợ nhưng không quên mở ngoặc thêm sinh viên… tự ôn.
Không chỉ các trường trong nước, ngay cả các trường ĐH quốc tế cũng đặt ra những khoản thu thêm khiến phụ huynh, sinh viên bực bội. Là một trường có mức học phí rất “khủng” so với thu nhập bình quân của người VN, Trường ĐH RMIT VN thu 30-40 triệu đồng/học kỳ đối với mỗi sinh viên bậc ĐH. Một năm học tại trường này gồm ba học kỳ, vị chi mỗi năm phụ huynh phải đóng học phí cho con hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, trường này vẫn cố nhặt nhạnh các khoản thu nhỏ như: phí y tế 15 USD đối với 10 tuần học tiếng Anh, 20 USD đối với một học kỳ học CĐ, ĐH hoặc sau ĐH.
Chẳng những thế, mỗi lần bắt đầu học kỳ mới dù đóng hàng ngàn USD học phí, trường vẫn yêu cầu sinh viên phải trả thêm 3,5 USD phí ghi danh. Nhưng độc đáo hơn cả là số tiền 20 USD mà trường này gọi là tiền phạt nếu đóng học phí bằng… tiền mặt. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết trường khuyến khích sinh viên đóng học phí theo hình thức chuyển khoản vào ngân hàng do trường chỉ định. Nếu sinh viên nào không đóng tiền theo hình thức này mà đến nộp tiền trực tiếp tại trường sẽ phải trả thêm 20 USD, số tiền mà nhiều sinh viên gọi nôm na là phí đếm tiền.
Đó là chưa kể hàng loạt khoản thu không tên khác mà sinh viên, phụ huynh đang phải gồng mình gánh chịu ngoài số học phí ngày càng tăng lên. Những khoản thu phụ đó đang trở thành nỗi ám ảnh của không ít phụ huynh, sinh viên mỗi khi năm học mới bắt đầu. Chính vì thế, cá biệt có trường ĐH phải trấn an phụ huynh, sinh viên trong thông báo học phí rằng: “Học phí của trường không thay đổi trong toàn khóa học và không thu thêm bất cứ khoản thu nào khác.” Có lẽ đây cũng là điều các trường ĐH khác cần phải cam kết với sinh viên trước khi tuyển họ vào trường.
Theo VÕ HÙNG (Tuổi Trẻ)
Bình luận (0)