Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trường đại học “ế ẩm”, sao không đóng cửa?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trường Đại học Hà Hoa Tiên (Hà Nam) tọa lạc hoành tráng trên diện tích đất hàng chục héc ta. Thế nhưng, trong mấy năm gần đây, trường này chỉ tuyển được khoảng 10% chỉ tiêu tuyển sinh.
Đó chỉ là một trường hợp điển hình của phong trào “tỉnh nào cũng có trường đai học” mà hậu quả của nó là sự “ế ẩm” khi chất lượng đào tạo yếu kém, đội ngũ giáo viên thiếu…
Tại diễn đàn của Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến chất vấn về tình trạng phát triển tràn lan các trường đại học. Từ năm 2006 đến năm 2011, chúng ta thành lập 84 trường đại học, trong đó thành lập mới 33 trường và nâng cấp từ các trường cao đẳng lên đại học 51 trường, nâng con số hiện nay cả nước lên 202 trường đại học, 218 trường cao đẳng.
ĐH Hà Hoa Tiên mấy năm qua chỉ tuyển được 10% chỉ tiêu
 Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết: Việc không tuyển đủ sinh viên thì không phải chỉ năm nay mới có mà đã là chuyện từ nhiều năm trước. Nguyên nhân thứ nhất là do một số ngành học có những khó khăn đầu ra, nơi làm việc, ví dụ những ngành nông, lâm, ngư nghiệp; xã hội, nhân văn; khoa học cơ bản. Lý do thứ hai là một số trường đại học, nhất là trường mới được thành lập nhưng các nhà đầu tư không thực hiện nghiêm túc điều kiện đảm bảo chất lượng, thiếu cơ sở trường lớp, thiếu đội ngũ thầy cô giáo cho nên không thu hút được học sinh.
Lý do thứ ba, các trường được quyền tự chủ trong việc mở ngành nghề, nên thành ra nhiều nhà trường đào tạo rất giống nhau. Trong đó, khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính, ngân hàng hầu như trường nào cũng có. Cung nhiều hơn cầu, nên thừa là tất yếu.
Nguyên nhân thứ tư, Bộ Giáo dục & Đào tạo có chủ trương “3 công khai”, trong đó có công khai điều kiện đảm bảo chất lượng của các nhà trường, yêu cầu các trường phải đưa lên trang web thông tin, công bố rộng rãi về số lượng thầy, cô giáo, điều kiện đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện và các điều kiện khác. Như vậy bản thân học sinh, sinh viên, phụ huynh và cả xã hội có thể tìm hiểu rõ những điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường. Quy luật thị trường, sinh viên sẽ chọn những ngành có điều kiện đảm bảo chất lượng tốt để vào học và từ chối những trường, những ngành, những lĩnh vực không đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục & Đào tạo mới chỉ yêu cầu các trường hạ điểm chuẩn để giải quyết tình thế, chứ chưa thấy nhắc đến việc đóng cửa hay thu hẹp ngành nghề của các trường không có sinh viên. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không quy hoạch và quản lý chặt chẽ thì sẽ xảy ra tình trạng tìm mọi cách thành lập trường để chiếm dụng đất đai, gây lãng phí cho xã hội.
Theo Trung Nguyễn
(congly)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)