Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường Đại học Kinh tế TP.HCM: Thành quả của quá trình phấn đấu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

GS.TS Nguyễn Đông Phong (bên phải) trao tặng khánh lưu niệm cho ông Vương Đình Huệ – Trưởng ban Kinh tế Trung ương (bên trái)
Năm 2014 đang bước vào những thời khắc kết thúc, nhìn lại năm 2013 – năm học mà Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (ĐHKT) đã thực hiện và hoàn tất được rất nhiều mục tiêu đề ra. Dù với áp lực và cường độ công việc rất cao nhưng trong tinh thần trách nhiệm cao nên trường đã hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được phân công.
Những gì mà ĐHKT đạt được trong năm qua chính là thành quả của quá trình phấn đấu làm việc không mệt mỏi của toàn thể mọi thành viên nhà trường. GS.TS Nguyễn Đông Phong – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Đây là một năm học rất thành công về nhiều mặt của nhà trường! Số lượng tuyển sinh hàng năm của trường là 4.000 SV chính quy (trong đó chương trình đào tạo chất lượng cao là 400 SV), văn bằng 2, liên thông chính quy: 2.000 và tại chức từ 2.000-2.500 SV. Tiến hành kiểm định chất lượng chương trình đào tạo chuyên ngành tài chính – ngân hàng theo chuẩn AUN thành công. Kịp thời xây dựng chương trình tiên tiến cho bậc ĐH và cao học, hiện chương trình đang được hoàn thành và triển khai các bước tiếp theo để đưa vào giảng cho bậc cao học và ĐH từ 2015. Nhà trường đã có nhiều giải pháp chỉ đạo để từng bước nâng cao chất lượng luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Đến nay nhiều luận văn và luận án đã vận dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng khá tốt. Viện Đào tạo quốc tế được hình thành và ngày càng có uy tín tại Việt Nam với hai bậc đào tạo ĐH và cao học giảng dạy bằng tiếng Anh, đào tạo tiến sĩ liên kết với ĐH Western Sydney (Úc). Hiện có liên kết với trên 18 trường ĐH uy tín trên thế giới.
Thêm nữa, hoạt động NCKH đã có nhiều chuyển biến đúng hướng, từng bước theo chuẩn mực quốc tế… Số đề tài nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế của địa phương gia tăng, bình quân hàng năm có từ 5-6 đề tài; mỗi năm trúng thầu khoảng 3 đề tài cấp bộ và có khoảng 70 đề tài cấp trường. Thời gian qua, các tổ chức lớn của thế giới như World Bank, IMF, ADB… và các trường ĐH ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, châu Âu thường xuyên tổ chức các seminar tại trường đã mang lại nhiều uy tín cho ĐHKT. Bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế đã được chú trọng tăng cường; trong những năm qua đã có khoảng 70 bài báo được đăng tải trong nước và khoảng gần 20 bài đăng ở nước ngoài. Hoạt động quản trị nhà trường ngày càng khoa học, minh bạch, dân chủ và sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.
PV: Thưa giáo sư, để có những “quả ngọt” như trên, ĐHKT đã đề ra những chiến lược gì để phát triển một cách bền vững?
GS.TS Nguyễn Đông Phong: Chiến lược và giải pháp phát triển nhà trường trước và từ nay đến 2016, tầm nhìn đến 2020 được xác định dựa trên các căn cứ: Sứ mạng của trường, thực tế phát triển nhà trường trong thời gian qua và những đổi mới trong đào tạo, khoa học và quản trị nhà trường bước đầu thành công và những hạn chế của nó.
Từ chiến lược phát triển, nhà trường cần thực hiện tốt định vị sau đây: Giữ vững và ngày càng phát huy vị thế là trường ĐH trọng điểm quốc gia, vị thế cạnh tranh trên thị trường cả nước và từng bước khẳng định vị thế trong khu vực Đông Nam Á, và châu Á; chủ động hội nhập quốc tế các hoạt động của nhà trường. SV tốt nghiệp của trường tự tin làm việc ở trong nước, Cộng đồng kinh tế ASEAN và các nước khác; phát triển nhà trường theo định hướng trường ĐH nghiên cứu.
Các giải pháp thực hiện là: Phát triển đội ngũ giáo viên ngày càng lớn mạnh về chất lượng và số lượng để đảm bảo giảng dạy tốt và nghiên cứu tốt, triển khai thành công chương trình tiên tiến (chương trình đào tạo được quốc tế hóa, giáo trình được tuyển chọn từ các tác giả nổi tiếng ở nước ngoài, từ năm thứ ba SV đọc trực tiếp giáo trình nước ngoài) vào năm 2015 cho bậc thạc sĩ, bậc cử nhân 2016; thực hiện kiểm định chất lượng trường lần 2 và kiểm định chương trình đào tạo các ngành QTKD, kế toán và theo chuẩn AUN; tổ chức hội thảo trong nước và tổ chức hội thảo quốc tế 1-2 năm 1 lần; tích cực tham gia NCKH qua các đề tài cấp trường, cấp bộ và đề tài địa phương và thúc đẩy nghiên cứu hàn lâm công bố quốc tế thông qua quỹ hỗ trợ nghiên cứu của nhà trường, và chính sách khen thưởng cho tác giả có bài được đăng tạp chí quốc tế; khuyến khích thầy cô viết và bảo vệ bằng tiếng Anh công trình NCKH cấp trường; tiếp tục đổi mới quản trị nhà trường theo hướng hiện đại, chuẩn hóa…
Tôi tin tưởng rằng, thực hiện chiến lược và giải pháp trên đây, cùng với quyết tâm của lãnh đạo và với tâm huyết đổi mới, trách nhiệm với UEH của thầy cô, CBVC nhà trường, ĐHKT sẽ từng bước ngày càng phát triển, và hội nhập thành công.
Xin cám ơn GS.TS Nguyễn Đông Phong!
Q.huy (thực hiện) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)