Ký túc xá thì xuống cấp, thư viện lạc hậu và nghèo nàn, cơ sở giảng dạy thì thuê mướn tạm bợ, nhưng chỉ tiêu của trường đại học Ngân hàng TP.HCM thì vẫn tăng mỗi năm. Nhà nước không đủ kinh phí để bù đắp nên mọi thứ đều đổ lên đầu sinh viên
Cổng cơ sở Gò Vấp của trường đại học Ngân hàng TP.HCM thuê lại của trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Âu Việt
|
Mới đây, bỗng dưng ban giám hiệu trường đại học Ngân hàng TP.HCM đưa thông báo về các lớp bắt sinh viên đóng tiền thư viện của năm học 2008 – 2009, còn truy thu thêm các khoản phải đóng của mấy năm trước, tổng cộng gần 300.000đ.
Thu tiền thật, thư viện ảo
Sinh viên Lê Hữu, khoa tài chính kể: “Nghe nói dự án thư viện sẽ được xây tại cơ sở ở đường Tôn Thất Đạm, quận 1. Hiện nay tôi đang học năm thứ ba, suốt ba năm qua chưa từng được “hồng phước” học tại đó nên cũng không sử dụng thư viện”. Sinh viên này cho biết, ngay đầu năm làm thẻ sinh viên, trường đã thu mỗi sinh viên 50.000đ (tính cả chi phí thư viện), nay lại muốn thu nữa.
Khi bị nhiều sinh viên phản đối, nhà trường giải thích là cần mua một số sách… nếu không đóng sẽ bị treo bằng tốt nghiệp?! “Chẳng lẽ trường thiếu tiền mua sách là có thể thu của sinh viên vô lý vậy sao?”, Hữu bức xúc nói.
Một sinh viên nam của trường này giấu tên cho biết, đầu khoá nhà trường quảng cáo dự án: nào là thư viện tám tầng, ký túc xá hình như cũng tám tầng, nhà thi đấu đa năng, căn tin rộng rãi thoáng mát… Toàn là hình ảnh phác thảo nghe rất sướng tai. “Cái thư viện, nghe anh mình nói, lúc anh mình mới vô trường là chuẩn bị xây. Anh mình khoá 21, mình khoá 23, nhưng đến giờ mình sắp ra trường chưa thấy được cái móng của thư viện tám tầng, chứ đừng nói chi là ký túc xá, nhà thi đấu, căn tin”.
Ba năm, học 5 cơ sở
“Năm đầu tiên khi trúng tuyển vào trường đại học Ngân hàng TP.HCM, tôi vui mừng vì nghĩ mình sẽ học tại thành phố, tránh được quãng đường xa xôi lên Thủ Đức như những sinh viên trường khác vì nghe nói được học tại cơ sở 36 Tôn Thất Đạm, quận 1”, sinh viên Lê Thu B., khoá 22AV1 kể. Nhưng vui chưa được bao lâu thì lớp B. đã bị chuyển về học tại cơ sở trên đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, thuê chung với hệ trung học chuyên nghiệp của trường đại học dân lập Văn Hiến (cũng đang thuê của một đơn vị khác) nằm ngay bên bờ Kênh Tẻ.
Có mặt tại cơ sở trên vào sáng 14.4, chúng tôi nhận thấy phòng ốc ở đây bé xíu, thua cả trường cấp ba, mặt trước trường gần chợ lúc nào cũng xe cộ ồn ào, chưa kể tình hình an ninh trật tự khu xung quanh trường hết sức phức tạp. Sinh viên Kiều Liên khoa ngoại ngữ cho biết, chưa hết năm nhất mà trong lớp đã có gần chục bạn bị mất điện thoại ngay trong lớp học vì sinh viên hai trường học chung, người ngoài ra vào khó kiểm soát.
Năm thứ hai lớp của B. lại bị chuyển sang cơ sở tại số 89 Nguyễn Đình Chiểu, Phú Nhuận, học chung với sinh viên đại học dân lập Hồng Bàng. Năm thứ ba, lứa sinh viên này lại tiếp tục bị đời qua cơ sở khác nằm tại số 371 Nguyễn Kiệm, Gò Vấp.
Số thì vậy, nhưng chúng tôi chạy vòng đi vòng lại ba lần trên đoạn đường này vẫn không tìm thấy số 371. Hoá ra địa chỉ đó lại nằm thụt sâu vô một con hẻm của đường Nguyễn Kiệm. “Học buổi sáng còn đỡ, sang học kỳ hai học buổi trưa, nắng nóng vô cùng mà trường xây rất “độc đáo”, nguyên dãy hướng về phía tây hứng trọn nắng gắt từ trưa cho tới chiều. Sinh viên đi học phải mang theo tấm che và chen chúc để giành chỗ tránh nắng”, một nhóm nữ sinh viên K22AV bức xúc nói.
Đó là học các môn chính khoá chuyên ngành, tới môn thể dục thì đây mới là nỗi kinh hoàng của sinh viên. Sinh viên tên Ngọc năm ba K22AV cho biết, trong khi đa số các trường khác chỉ học một học kỳ còn khoá này học tới tận năm 4 vẫn chưa được buông tha. “Thời gian chính là ở Sài Gòn, nhưng hàng tuần chúng tôi phải xuống tận cơ sở ở 56 Hoàng Diệu, quận Thủ Đức để học môn thể dục. Đường sá xa xôi như thế, xe buýt thì thường xuyên bỏ trạm vì đường nhỏ. Mà sân tập thể dục của chúng tôi là sân bóng đá loang lổ, không bóng râm, năm nhất học chạy 800m, kiểm tra lúc trưa 2h giữa trời chói chang về đến nơi chỉ muốn xỉu, có đứa mặt tái mét, có đứa ôm mặt khóc hu hu vì quá mệt”, Ngọc nói.
Đặc biệt nữa là với trường đại học này, môn thể dục lại còn có thi lý thuyết. Cứ gần tới ngày thi là sinh viên phải ôm đề cương mà học chạy xa là gì, nhảy cao là gì, ném tạ là gì. “Điều đó bổ ích hơn là việc cho chúng tôi học những môn thể thao mình yêu thích sao?”, sinh viên Thu B. chất vấn. Nhiều sinh viên cho biết mỗi năm nhà trường đều có gửi phiếu ghi nhận ý kiến góp ý của sinh viên, nhưng chưa bao giờ những bức xúc đó được phản hồi và theo lời của nhóm nữ sinh viên K22AV thì suốt ba năm chưa hề biết mặt hiệu trưởng ra sao!
bài và ảnh Như Thuần (SGTT)
Bình luận (0)