Là ngôi trường non trẻ, thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành từ một doanh nghiệp làm trường học theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, đến nay sau 15 năm xây dựng và phát triển, trường đã đạt nhiều thành tích vượt trội và góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các tỉnh phía Nam và cả nước.
Ông Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen Thủ tướng chính phủ cho TS. Nguyễn Mạng Hùng – Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành |
Ngay từ lúc thành lập, trường ĐH Nguyễn Tất Thành xác định sứ mệnh đào tạo ra những con người có kiến thức vững chắc về khoa học công nghệ, xã hội nhân văn, có khát vọng đổi mới, tư duy và năng lực sáng tạo để tham gia tích cực vào tiến trình đổi mới, sáng tạo trong xã hội. Đến nay, sau 15 năm, trường gần như đã đạt được những điều ấy nhờ có những bước đột phá trong cách thức quản lý giáo dục, luôn bồi dưỡng văn hóa chất lượng, văn hóa tổ chức, văn hóa phục vụ, và không ngừng đổi mới tư duy, cơ chế quản trị nhà trường, đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học, đổi mới cơ chế nghiên cứu khoa học, cơ chế tiền lương, đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng các chương trình đào tạo tiên tiến, tăng cường liên kết, hợp tác với các trường ĐH trong và ngoài nước.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo
So với những ngôi trường có bề dày lịch sử, trường ĐH Nguyễn Tất Thành chưa thực sự có bề dày về công tác giáo dục, nhưng nhà trường đã biết sử dụng hiệu quả sức mạnh nội lực, là đội ngũ cán bộ quản lý, dày dạn kinh nghiệm từ doanh nghiệp chuyển qua; kết hợp với vận dụng sức mạnh ngoại lực bằng cách mời gọi, thu hút các chuyên gia đầu ngành về học thuật và nghiên cứu khoa học, được đào tạo từ các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Đức, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, để làm hạt nhân dẫn dắt đội ngũ giảng viên trẻ tham gia vào quá trình hội nhập trong khu vực và quốc tế. Mặt khác, mọi thành viên của nhà trường được bồi dưỡng và rèn luyện liên tục trong môi trường nhân văn sáng tạo, có chuyên môn vững vàng, khả năng tư duy, năng lực sáng tạo trong việc phát hiện và giải quyết vấn đề của nhà trường trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin thông minh. Nhờ đó, giờ đây trường đã có được một đội ngũ giảng viên hùng hậu, yêu nghề với 2000 giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng, trong đó nhà trường đang “sở hữu” 1 Anh hùng lao động, 1 nhà giáo nhân dân, 8 giáo sư, 20 phó giáo sư, hơn 80 tiến sĩ, và gần 300 thạc sỹ, nên hoàn toàn chủ động trong việc bố trí giờ dạy, thời khóa biểu và các hoạt động đào tạo khác của trường.
Ông Nguyễn Thiện Nhân – Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam tham dự Lễ Công Bố quyết định thành lập trường ĐH Nguyễn Tất Thành. |
Bên cạnh việc đầu tư phát triển đội ngũ nhân sự, công tác xây dựng cơ sở vật chất cũng được nhà trường hết sức chú trọng. Thời gian qua nhà trường đã huy động được tối đa nguồn lực từ các thầy cô giáo và các nhà đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất khang trang, xây dựng phòng học và đầu tư các trang thiết bị dạy học tiên tiến cho sinh viên. Mỗi năm nhà trường bỏ ra hơn 40 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất, hơn 100 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản. Bằng chứng là khi mới thành lập Trung tâm đào tạo năm 1999 với chỉ 2 phòng học lý thuyết, đến năm 2002 nhà trường có 67 phòng học và đến năm 2014 đã có 500 phòng học lý thuyết và thực hành được trang bị hiện đại, với tổng số vốn đầu tư lên đến 500 tỷ đồng. Hiện tại nhà trường đã có 8 cơ sở tại các quận trên địa bàn TP.HCM ở quận 4, quận 12, quận Gò Vấp và trong năm 2014 này, nhà trường sẽ khởi công xây dựng Trung tâm Công nghệ cao hiện đại rộng 4.5 ha, tọa lạc tại khu Công nghệ cao TP.HCM được đầu tư kinh phí 1.100 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những bước tiến quan trọng trong định hướng phát triển của nhà trường, làm nền tảng để phát triển ĐH Nguyễn Tất Thành trở thành một trường đại học trọng điểm định hướng nghiên cứu kết hợp với ứng dụng trong tương lai gần nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của đất nước trong nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa, để trường ĐH thật sự đào tạo ra những người chủ tương lai của đất nước.
Cung cấp nguồn lực chất lượng cho xã hội
Với đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất nói trên, ĐH Nguyễn Tất Thành đã dần khẳng định được vị thế và uy tín của mình. Minh chứng là đến nay, trường đã cung cấp hơn 20.000 chỗ học cho sinh viên theo học tại 20 khoa, 51 chương trình đào tạo với đầy đủ các chuyên ngành đào tạo về y tế, kinh tế – tài chính, kỹ thuật công nghệ, khoa học xã hội, ngoại ngữ, hội họa. Đây chính là nguồn lực vô tận của đất nước, do đó thời gian qua, việc phục vụ chu đáo, tận tình cho phụ huynh và sinh viên luôn được nhà trường coi là nhiệm vụ hàng đầu. Mỗi năm, nhà trường đã trích trên 5 tỷ đồng trao tặng học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, cho sinh viên nghèo vượt khó, cho các em thi đầu vào đạt điểm cao… Không chỉ tạo điều kiện hỗ trợ học tập cho sinh viên, nhà trường còn tạo điều kiện bồi dưỡng để các sinh viên cọ sát thực tế qua những cuộc thi tay nghề. Cụ thể trong năm vừa qua, sinh viên trường tham gia thi tay nghề đã đạt: 01 Giải Nhất, 01 giải nhì và 02 giải khuyến khích cấp Thành phố; 01 Giải nhất và 01 Giải ba cấp quốc gia; 01 Giải ba cấp Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức tại Indonesia. Đặc biệt, có 01 SV dự thi tay nghề thế giới cùng đội tuyển Việt Nam tại Cộng hòa Liên Bang Đức và đạt giải khuyến khích. Ngoài ra, hàng năm nhà trường cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội khoảng 3000 kỹ sư, cử nhân, 3000 kỹ thuật viên lành nghề đáp ứng nhu cầu nguồn lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó có khoảng 95% sinh viên tốt nghiệp của trường có việc làm ngay và nhận được đánh giá cao của các doanh nghiệp và xã hội, đây là thành quả hết sức vui mừng trong hoàn cảnh xã hội hiện nay.
Bên cạnh những hoạt động đầu tư phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo, nhà trường cũng đã đầu tư rất lớn vào nghiên cứu khoa học cho giảng viên và sinh viên theo quan điểm “ĐH là tinh hoa, là nơi sáng tạo tri thức”. Với khoảng kinh phí trên 10 tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động nghiên cứu, từ năm 2011 đến nay đã có trên 70 đề tài các cấp do giảng viên nhà trường đứng tên làm chủ nhiệm đề tài, trong đó có 6 đề tài cấp Nhà nước, 12 đề tài cấp Bộ với kinh phí được cấp trên 30 tỷ đồng… đây quả là thành tích nổi bật của ĐH Nguyễn Tất Thành.
Có thể nói, 15 năm xây dựng và phát triển của Nguyễn Tất Thành là quá trình rất ngắn so với quá trình hình thành và phát triển của các trường ĐH uy tín trong và ngoài nước bởi để xây dựng và phát triển ngôi trường bền vững, được xã hội công nhận, đào tạo ra những lớp người vừa hồng, vừa chuyên… phục vụ cho quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì phải mất hàng 100 năm và hơn thế nữa. Như thế, có thể thấy quá trình hình thành, phát triển và thành tích mà thầy và trò ĐH Nguyễn Tất Thành đã đạt được là không nhỏ với một ngôi trường ngoài công lập không được Nhà nước đầu tư kinh phí.
Phát huy những thành quả đã đạt được, tập thể giảng viên, cán bộ, công nhân viên, sinh viên học sinh nguyện sẽ tiếp tục không ngừng học tập, lao động để xây dựng và phát triển trường thành một trường đại học ngang tầm khu vực và quốc tế, để xứng đáng là ngôi trường mang tên thời thanh niên của Bác, để đất nước có thể “sánh vai với cường quốc năm châu” như nguyện vọng của Người.
PV
Bình luận (0)